Theo chia sẻ của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, nhiều năm nay, Bộ VHTTDL xác định, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và Bộ đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp đột phá để thực hiện. Cho đến nay, Bộ VHTTDL đã kết nối với Chính phủ, hoàn thành Cổng thông tin điện tử, 11 dịch vụ công đã hoàn thiện và Bộ VHTTDL là một trong những Bộ có nhiều khởi sắc tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trong đó có dịch vụ công. Bộ VHTTDL được Chính phủ đánh giá xếp hạng thứ 4 trong số các Bộ, cơ quan ngang Bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cũng xếp hạng thứ 4 về chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông.
Báo cáo về tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ VHTTDL trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ VHTTDL) cho biết: Bộ VHTTDL có 89 thủ tục hành chính cấp trung ương đã được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 2 tại Cổng thông tin điện tử của Bộ. Năm 2016, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 2779/VPCP-KGVX ngày 22/4/2016, Chính phủ giao Bộ VHTTDL thực hiện 07 dịch vụ công trực tuyến. Bộ đã triển khai thành công 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới người dân, doanh nghiệp, hoàn thành vượt kế hoạch cung cấp 06 dịch vụ.
Về việc kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, thực hiện hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ VHTTDL đã kết nối, liên thông thành công 01 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với Cổng dịch vụ công thử nghiệm Quốc gia từ tháng 7 năm 2016 (thủ tục Cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim) và là một trong những Bộ đầu tiên chủ động kết nối, liên thông dịch vụ công trực tuyến với Chính phủ.
Kể từ khi Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ VHTTDL đưa vào vận hành chính thức (ngày 23/9/2016), các hồ sơ đều được tiếp nhận, giải quyết qua môi trường mạng. Đến hết năm 2016 đã cấp phép thành công 59/59 hồ sơ qua mạng trực tuyến mức độ 3, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm số lần người dân và doanh nghiệp phải đến trực tiếp tại Cơ quan nhà nước (chỉ còn 1 lần phải đến trực tiếp khi nhận kết quả và nộp phí thẩm định).
Năm 2017, Bộ VHTTDL tiếp tục cung cấp thêm mới 17 dịch vụ công trực tuyến (bao gồm 16 dịch vụ mức độ 3 và 01 dịch vụ mức độ 4). Đến nay, Bộ đã hoàn thành xây dựng quy trình thực hiện điện tử của 17 dịch vụ này. Dự kiến sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm và công bố chính thức tới người dân và doanh nghiệp trong Quý III/2017.
Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 107 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Tuy nhiên, trong tổng số 89 thủ tục hành chính cấp trung ương đã công bố năm 2016 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, có những thủ tục liên quan đến các đơn vị ngoài Bộ như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia thẩm định, phê duyệt và một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ (như lĩnh vực Di sản văn hóa, Thi đua khen thưởng, Quản lý sử dụng vũ khí, súng săn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…)
Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ công Quốc gia và hệ thống dịch vụ công của các Bộ, Ngành chưa được triển khai đồng bộ, khó khăn cho Bộ VHTTDL trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với nhóm các thủ tục hành chính này.
Ngoài ra, một số dịch vụ công liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan hiện đang áp dụng mức độ 2 tuân theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và một số dịch vụ công bao gồm thành phần hồ sơ là văn hóa phẩm như di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia … là những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thẩm định hồ sơ qua môi trường mạng.
Kinh phí dành cho nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và đầu tư cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 nói riêng rất hạn chế, trong điều kiện nguồn ngân sách thường xuyên do cấp có thẩm quyền giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất eo hẹp.
Hiện nay các cơ sở dữ liệu Quốc gia phục vụ cho nhiệm vụ xác thực thông tin người dân chưa được đưa vào khai thác, sử dụng gây khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, xác thực thông tin người dùng qua mạng điện tử.
Trong đợt khảo sát lần này, các đơn vị, Cục, Vụ của Bộ VHTTDL đã đưa ra một số vướng mắc trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến như với Cục Di sản, việc thực hiện hồ sơ trùng tu di tích vướng với Luật Xây dựng; với Cục Văn hóa cơ sở, thực hiện hồ sơ quảng cáo ngoài trời vướng với Luật đất đai… khiến thời gian thực hiện hồ sơ kéo dài, phức tạp...
Đánh giá về công tác thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 của các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, các đơn vị đã chuẩn bị nghiêm túc, đánh giá đầy đủ và xác đáng về vấn đề. Đồng thời, đề nghị các đơn vị của Bộ VHTTDL đánh giá và báo cáo về việc liên thông với các Bộ, ngành khác còn vướng mắc gì và vì sao có những thủ tục không được người dân mặn mà…
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công - bà Trần Thị Quốc Khánh đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ VHTTDL, có nhiều ý kiến đóng góp hiệu quả và thiết thực cho Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công trong việc hoàn thiện dự án. Bà Trần Thị Quốc Khánh đề nghị, Bộ VHTTDL tập hợp, báo cáo đầy đủ về những vấn đề còn vướng mắc với những văn bản của Bộ, những vướng mắc ở các văn bản, quy định của Chính phủ, vướng mắc trong văn bản phối hợp với các Bộ, ngành khác cùng với đó mong muốn Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng điện tử để giảm thủ tục giấy phép hành chính.
N.H