Công tác đào tạo vận động viên được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành được đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Công tác xã hội hoá được đẩy mạnh thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các phong trào, xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao.
Những năm qua, phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, mỗi người đều tìm cho mình những môn thể thao phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân và chăm chỉ luyện tập hằng ngày. Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên là: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bóng bàn, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ..
Theo đánh giá của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nam thì sau 10 năm thực hiện Luật Thể dục Thể thao và cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên liên tục tăng qua các năm. Đến nay, số người tập thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh là trên 29.7%, số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 22,9%. Toàn tỉnh cũng đã thành lập được 4 liên đoàn TDTT gồm các liên đoàn: cầu lông, quần vợt, bóng bàn, võ thuật.
Năm 2014, lần đầu tiên tỉnh Hà Nam tham gia đăng cai và tổ chức thành công 4 môn thi đấu trong Chương trình Đại TDTT toàn quốc lần thứ VII gồm: bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền và Taekwondo. Kết quả, Hà Nam xếp hạng thứ 42/65 đoàn tham dự Đại hội với 2 huy chương vàng (bóng đá, bắn súng) và 6 huy chương bạc. Việc tổ chức và tham gia đăng cai các giải thể thao đã khơi dậy tiềm năng TDTT trong quần chúng nhân dân, vận động mọi người thường xuyên tập luyện TDTT để tăng cường sức khỏe phục vụ lao động, học tập, công tác, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, 5 năm qua, đoàn thể thao Hà Nam tham gia thi đấu 124 giải, giành 434 huy chương các loại. Một số VĐV có thành tích nổi bật như VĐV Đỗ Xuân Thiện với 41 huy chương quốc gia môn bơi lội, VĐV Nguyễn Thị Tuyết Dung - Quả bóng vàng Bóng đá nữ Việt Nam năm 2014…
Bên cạnh việc phát triển phong trào TDTT quần chúng, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT ở tỉnh Hà Nam luôn được các cấp, các ngành quan tâm tích cực vận động các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho hoạt động đào tạo thể thao thành tích cao và đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện thể thao. Cùng với đó, chính quyền các cấp cũng tích cực chung tay xây dựng, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ việc rèn luyện, vui chơi của người dân.
Hà Nam cũng đã huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, nhất là sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, mỗi năm thu hút được hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội dành cho TDTT. Như đội tuyển Bóng đá nữ Hà Nam được Tổng công ty Phong Phú đồng hành từ năm 2000 đến nay, số tiền tài trợ hàng năm lên tới hàng tỷ đồng. Doanh nghiệp Xuân Thành tài trợ Giải quần vợt Hà Nam mở rộng năm 2011 với 300 triệu đồng. Công ty cổ phần Sao Thái Dương tài trợ Giải quần vợt các CLB tỉnh Hà Nam năm 2012: 70 triệu đồng...
Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, công ty, xí nghiệp và các cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng nhiều nhà tập, sân tập. Điển hình như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đầu tư xây dựng 2 sân tennis đã đưa vào sử dụng, Công ty Chí Hường xây dựng 3 sân tennis, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn đầu tư xây dựng bể bơi, Công ty Thái Sơn đầu tư xây dựng 1 sân Tennis trị giá trên 1 tỷ đồng.... Hiện nay, 100% xã, phương, thị trấn đã quy hoạch xong diện tích đất dành cho sân tập TDTT phổ thông.
Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố đã có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa TDTT như: Quan tâm quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa TDTT, sân thể thao, thành lập các CLB TDTT, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thường xuyên tài trợ, đóng góp xây dựng sân thể thao và các hoạt động TDTT phục vụ cộng đồng. Tính đến thời điểm này, ở Hà Nam, các xã, phường, thị trấn đã quy hoạch xong diện tích đất dành cho TDTT đạt 100% (2,5m2/người dân), trong đó 78/ 116 xã, phường, thị trấn đã có sân tập TDTT phổ thông với diện tích từ 6 đến 7ha.
Nhờ cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi, trang thiết bị thi đấu ở cơ sở khá đầy đủ nên người dân có thêm cơ hội đến gần hơn với thể dục thể thao. TDTT dần trở thành nếp sinh hoạt lành mạnh của đại bộ phận dân cư. Người dân hào hứng tham gia vào rất nhiều giải thể thao được tổ chức hàng năm như: Giải Vật mùa xuân thượng võ, Liên hoan võ thuật (tổ chức dịp Tết cổ truyền), Giải cầu lông Cúp truyền hình (tổ chức chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5), Giải Bóng bàn cúp Báo Hà Nam (tổ chức chào mừng ngày Quốc khánh 2/9)...
Những con số tích cực này đã trực tiếp khẳng định sự đúng đắn trong các chính sách của Hà Nam về thể dục thể thao nói chung sau 10 năm thực hiện Luật Thể dục, Thể thao.
KC