You must configure this module first via "Module Settings"

Sơn La hướng tới mục tiêu đạt 31% dân số tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2020

Là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây bắc Việt Nam, Sơn La có 12 dân tộc anh em sinh sống. Điều kiện tự nhiên rất thuật lợi, bởi vậy trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến công tác TDTT, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, cùng với nhân dân cả nước thực hiện Luật TD,TT phong trào thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Cùng với việc đầu tư cho các môn thể thao hiện đại, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như Đẩy gậy, Kéo co, Tung còn... được gìn giữ và phát triển ở Sơn Lao (Ảnh: HQ)
Theo thống kê, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 26% số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 20% số gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao; duy trì 477 câu lạc bộ TDTT; 100% các trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; có 25 sân bóng đá, 20 sân tennis, 25 nhà tập luyện, 4 bể bơi, 140 sân bóng chuyền ngoài trời, 350 sân cầu lông và các khu thể thao, vui chơi giải trí... Đây là một kết quả đáng biểu dương đối với một tỉnh miền núi như Sơn La. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là đối với bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của thể dục thể thao đối với sức khỏe con người còn ở mức thấp.

Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh ngay sau khi Luật Thể dục, thể thao có hiệu lực ngày 1/7/2007, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt đến các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố; giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên trong toàn ngành. Trên cơ sở Luật, UBND tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các chỉ thị, nghị quyết và các chủ trương, biện pháp quản lý nhằm phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong toàn tỉnh, trong đó, nòng cốt vẫn là đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".

Xác định phong trào TDTT quần chúng có vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì vậy những năm qua với các biện pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng, sinh động, nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe ngày càng được nâng lên. Nhờ đó, cuộc vận động đã có sức lan tỏa sâu rộng, phong trào tập luyện TDTT đã trở thành hoạt động không thể thiếu đối với đông đảo nhân dân. Phong trào luyện tập TDTT quần chúng luôn được duy trì và phát triển theo hướng tự giác, có tổ chức. Nhiều môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian có tính thể thao được khôi phục và phát triển.

Hàng năm, tỉnh tổ chức hàng trăm giải thể thao cơ sở, tổ chức các đoàn VĐV tham dự các hoạt động văn hóa, thể thao do trung ương tổ chức như Ngày hội VH,TT&DL các dân tộc Tây Bắc; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô; tham gia các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, hàng năm, trong các dịp lễ, tết, nhiều hoạt động thể thao phong trào được tổ chức lồng ghép đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Với đặc thù là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống, hàng năm, Sơn La có nhiều lễ hội như: Lễ hội mợi, lễ kéo si, lập tịnh, lễ hội hoa ban, xíp xí, cầu mưa, cầu mùa... trong các lễ hội, nhiều môn thể thao dân tộc và các trò chơi  dân gian như: đua thuyền, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, giã bánh dầy, kéo co, đẩy gậy, đánh tu lu, rồng ấp trứng, tó mak lẹ... được tổ chức cùng với những điệu  điệu xòe, múa xạp, múa nón, múa khèn, múa ô, nhảy tha kềnh, múa chuông, múa cống tốp, au eo đã góp phần làm phong phú thêm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc anh em.

Bên cạnh đó, phong trào TDTT ở các khối trường học, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và khối nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng phát triển rộng khắp với nhiều hình thức, phong phú và đa dạng. Công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp theo chu kỳ 4 năm một lần được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn chỉ đạo phong trào TDTT quần chúng tiếp tục được triển khai rộng khắp từ tỉnh tới cơ sở xã, phường, nhiều hoạt động thi đấu thể thao được đưa về cơ sở không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và qua đó còn thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tích cực tham gia tập luyện thể dục thể thao, tránh xa các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

Song song với việc phát triển phong trào TDTT quần chúng, ngành đã tập trung chỉ đạo phát triển thể thao thành tích cao. Xác định lựa chọn những môn thể thao mà địa phương có tiềm năng, thế mạnh để đầu tư như: Môn Điền kinh, Taekwondo, Cầu lông, Pencaksilat, xe đạp …do đó thể thao thành tích cao của tỉnh từng bước có những bước chuyển biến rõ rệt. Trogn đó, công tác đào tạo lực lượng Vận động viên đỉnh cao được quan tâm ngay từ đầu. Cụ thể, ngành VHTTDL tỉnh chỉ đạo các bộ môn cử các HLV chủ động bám sát cơ sở để phối hợp tuyển chọn VĐV đưa về trung tâm TDTT tỉnh để tập luyện tập trung, thường xuyên kiểm tra bổ sung các VĐV có năng khiếu, thải loại những VĐV không có khả năng phát triển. Hiện nay, tỉnh hình thành 03 tuyến đào tạo ở các môn mũi nhọn: Cầu lông, Điền kinh Taekwondo, Pencaksilat, trong đó các lớp tập trung tuyến tỉnh 26 VĐV, tuyển trẻ 67 VĐV, đội tuyển năng khiếu 83 VĐV. Do được đào tạo một cách có hệ thống, và đầu tư có trọng điểm, cho nên một số VĐV đã đạt thành tích cao trong quá trình thi đấu.

Hàng năm, các đội tuyển của tỉnh tham dự các giải quốc gia và quốc tế. Qua thành tích đạt được tại các giải hàng năm của đoàn thể thao Sơn La tại các giải quốc gia, quốc tế, một số VĐV của tỉnh được tập trung tập luyện tại đội tuyển trẻ Quốc gia. Đây là điều kiện tốt để các VĐV của tỉnh được bồi dưỡng và phát huy tài năng thể thao và cũng là thành công bước đầu cho công tác tuyển chọn và đào tạo.

Trong 10 năm triển khai Luật TD,TT, nhiều chính sách đầu tư cho TDTT được thực thi, công tác đạo đạo, tập huấn cho VĐV thành tích cao được quan tâm đặc biệt theo  hướng tập trung, tránh dàn trải và chủ yếu tập trung vào những môn thế mạnh, trong đó chủ yếu là các môn võ thuật. Nhờ đó, nhiều VĐV của Sơn La đã giành được những thành tích cao trên đấu trường quốc tế trong đó phải kể đến tâm HCV Pencak silat của võ sĩ Vì Văn Tuân trên đấu trường Giải vô địch trẻ thế giới tổ chức tháng 1/2016 tại Malaysia; 2 HCV của Cà Thị Mai tại Giải thể thao sinh viên Đông Nam Á tổ chức 7/2016 tại Singapo và Giải thể thao bãi biển châu Á tháng 10/2016 tại Đà Nẵng cùng nhiều VĐV khác nữa

Cùng với những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, bất cập như:chưa kịp thời ban hành cơ chế, chính sách trong thu hút nhân tài; đào tạo nguồn nhân lực cho thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao; huy động xã hội hóa cho hoạt động thể dục, thể thao còn hạn chế; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thành tích cao của tỉnh còn thiếu, chưa đồng bộ...  Đây cũng chính là những vấn đề cần sớm được bổ sung, điều chỉnh và có những thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm hướng tới mục tiêu đạt 31% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 24% hộ gia đình thể thao, 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất có nề nếp và là một tỉnh có thành tích thể thao khá đối với các tỉnh miền núi trong cả nước, có VĐV đóng góp cho các đội tuyển quốc gia vào năm 2020 mà ngành VHTTDL tỉnh Sơn La đặt ra.   

VD

Ảnh trong bài
  • Sơn La hướng tới mục tiêu đạt 31% dân số tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2020