You must configure this module first via "Module Settings"

Thực thi Luật TD,TT: Phong trào TDTT Vĩnh Phúc nhiều chuyển biến

Qua 10 năm triển khai và thực hiện Luật TD,TT, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển rõ rệt. Thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao đều được tỉnh quan tâm đầu tư. Do đó đã thu hút được đông đảo người dân tham gia với nhiều đối tượng, thành phần, lứa tuổi, giới tính ở các khu dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, trường học. Các hoạt động TDTT dành cho người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm. Hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong trường học được ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì thường xuyên. Thói quen tập luyện TDTT hàng ngày đã trở thành nếp sống lành mạnh và là nhu cầu không thể thiếu của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các môn thể thao hiện đại, Yoga là môn thể thao mới nhưng khá phát triển ở các thị xã, thị trấn và thành phố Vĩnh Yên (Ảnh: KD )

Triển khai thực hiện các quy định của Luật TD,TT về việc đầu tư cơ sở vật chất. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu rèn luyện thân thể của người dân được quan tâm đầu tư. Do vậy, ở cấp cơ sở, các thôn, tổ dân phố đều có sân tập luyện TDTT đơn giản; 60/137 xã phường, thị trấn có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (sân vận động, nhà văn hóa, nhà tập luyện TDTT hiện đại, kiên cố) diện tích từ 11.000m2 đến 15.000m2 đạt 43,7%; có 100% các trường học đều có hạ tầng cơ sở vật chất thực hiện tốt chương trình nội khóa về TDTT (số trường phổ thông có hoạt động ngoại khóa có chất lượng đạt trên 80%), 8/9 huyện, thành phố, thị xã có sân vận động và nhà tập luyện, thi đấu TDTT…
 
Hệ thống các giải thi đấu các giải thể thao được tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, cấp thôn tổ chức từ 1-3 giải, cấp xã tổ chức từ 3-5 giải, cấp huyện từ 6-8 giải, cấp tỉnh từ 12-15 giải và tham gia từ 4-5 giải thể thao phong trào do Trung ương tổ chức
 
Giai đoạn 2012- 2015, hàng năm ngân sách tỉnh trích 55 tỷ đồng chi cho phát triển thể thao thành tích cao. Giai đoạn 2016- 2020, ngân sách tỉnh bố trí mức phù hợp với tình hình thực tế. Phát triển TDTT quần chúng, tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ 1 tỷ đồng xây dựng khu thiết chế văn hóa- thể thao của một đơn vị; hỗ trợ xây dựng sân luyện tập TDTT đơn giản mức 20 triệu đồng/sân/thôn, tổ dân phố; hỗ trợ cho tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng với mức xã 10 triệu đồng/năm, phường và thị trấn 8 triệu đồng/năm, thôn 5 triệu đồng/năm, tổ dân phố 4 triệu đồng/năm.
 
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như sự đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động TDTT, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, thu hút mọi đối tượng nhân dân tham gia. Trong đó, nòng cốt là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa rộng khắp từ thành thị, đến các vùng nông thôn. Nhờ đó, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao. Trung bình mỗi năm tăng gần 2%. Hiện nay là 35% dân số và số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao là 25%.
 
Cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định đạt 100%. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học cũng được duy trì thường xuyên, đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 100% trường học có đủ sân chơi, bãi tập cho học sinh rèn luyện TDTT; 100% các trường THPT có nhà tập đa năng, các trường tiểu học và trung học cơ sở đã quy hoạch đất đảm bảo các yêu cầu cho học sinh rèn luyện sức khỏe. Nhờ đó, công tác giáo dục thể chất và thể thao trong học đường không ngừng phát triển mạnh mẽ. Điều này được minh chứng qua các kỳ hội khỏe Phù Đổng, đoàn thể thao học sinh tỉnh Vĩnh Phúc luôn giành thứ hạng cao. Gần nhất tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016, đoàn VĐV Vĩnh Phúc đã giành 160 huy chương (28 HCV, 41 HCB và 91 HCĐ), xếp vị trí 12/63 tỉnh, thành.
 
Thêm nữa, một trong những hoạt động nổi bật về TDTT dành cho thanh thiếu niên chính là phong trào “Thanh, thiếu niên khỏe”, “Khỏe để học tập, lập nghiệp và giữ nước” do tỉnh đoàn tổ chức hàng năm đã thu hút đông thanh, thiếu niên, nhi đồng tham gia. Đây thực sự là sân chơi bổ ích cho lứa tuổi học đường.
 
Toàn tỉnh có gần 600 câu lạc bộ TDTT đơn môn, đa môn hoạt động thường xuyên. Trong đó, các môn thể thao dân tộc truyền thống như Vật, Kéo co, Cờ tướng, Cờ người, Bắn cung, Bắn nỏ... các trò chơi dân gian như Bịt mắt bắt dê, Đi cà kheo, Chọi trâu, Chọi gà, Chơi ô ăn quan… thường xuyên được tổ chức và trở thành hoạt động không thể thiếu vào các dịp Lễ, Tết. Ngoài ra, các môn thể thao như Yoga, Múa bụng, Dansport.. cũng đang có xu hướng phát triển mạnh ở các thị trấn, thị xã.
 
Cùng với việc phát triển TDTT quần chúng, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật TD,TT, ngành TDTT tỉnh đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm. Nhiều môn thể thao đạt trình độ cao so với trong nước, đó là: Wushu, Karatedo, Đua thuyền, Vật dân tộc, Bắn súng…, nhiều VĐV của tỉnh đã được gọi vào các đội tuyển quốc gia. Đến nay, tỉnh thành lập được 16 môn thể thao, trong đó có 13 môn trọng điểm, nhiều môn xây dựng được đủ 3 tuyến vận động viên (vận động viên năng khiếu, tuyển trẻ, đội tuyển); tuyển chọn và đào tạo được 339 vận động viên; có 116 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia, trong đó có 48 vận động viên được phong kiện tướng. Các môn thể thao mũi nhọn giành được nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như: Đua thuyền, Pencaksilat, Bắn súng.
 
Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ V năm 2006, tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ hạng trung bình toàn quốc (34/66 tỉnh, thành, ngành) thì đến Đạihội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn Thể thao Vĩnh Phúc vươn lên xếp vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành, ngành tham dự Đại hội với 38 huy chương các loại (11 V, 10 B và 17 Đồng). Kết quả này là sự tiến bộ vượt bậc, khẳng định hướng đầu tư đúng đắn của thể thao Vĩnh Phúc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Theo đó, các môn thể thao trong hệ thống thể thao thành tích cao của Vĩnh Phúc hiện nay được xác định theo xu hướng phát triển thể thao thành tích cao của quốc gia, khu vực và phù hợp với truyền thống, các điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh
 
Không chỉ khẳng định vị thế của mình tại đấu trường quốc gia, các VĐV đỉnh cao của Vĩnh Phúc cũng từng bước ghi tên mình tại các sân chơi quốc tế. Có nhiều vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải châu lục và khu vực như: Nguyễn Bá Trình (Pencak silat) huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà (AIG3), huy chương vàng SEA Games 25; Ngô Chí Thanh (Vật tự do và Vật cổ điển), Trần Văn Thảo (Bắn súng) huy chương đồng tại Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà (AIG3); Trần Văn Thảo (môn Bắn súng) huy chương đồng SEA Games 25 và gần đây nhất, VĐV môn Đua thuyền của Vĩnh Phúc là TrươngThị Phương đã giành nhiều HCV tại các giải đấu quốc gia và giành HCV châu Á môn Canoeing khi em mới 16 tuổi.
 
Để có được kết quả trên, ngay sau khi Luật TD,TT được ban hành và có hiệu lực, tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 07 nghị quyết gồm chính sách đối với VĐV, HLV thể th ao thành tích cao và chế độ chi tiêu cho các giải thi đấu thể thao thành tích cao; nghị quyết về hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố (mức hỗ trợ 100%). Tỉnh cũng tích cực trong việc tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên thể dục; các cán bộ, trọng tài cũng được tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, VĐV các đội tuyển của tỉnh được tham gia tập huấn tại các trung tâm HLTTQG, trong đó một số môn như Bóng chuyền, Wushu, Điền kinh được tập huấn tại Trung Quốc, môn Bắn súng tập huấn tại Thái Lan…
 
 Một trong những điểm nổi bật trong việc triển khai thực thi các quy định của Luật TD,TT đó là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư. Hàng năm tỉnh đã phối hợp với Viện khoa học TDTT tiến hành kiểm tra các chỉ số liên quan đến sức khỏe, vận động của VĐV, HLV...
 
Trong quá trình thực thi Luật TD,TT vẫn còn những tồn tại, bất cập cần sửa đổi. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất, kiến nghị bổ sung một chương về hoạt động TDTT cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2007/NĐ-CP trong đó quy định rõ trách nhiệm và chế tài việc tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất TDTT từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT, quy hoạch đất dành cho TDTT...; Bổ sung các hình thức xử lý kỷ luật như: cấm thi đấu, cấm tham gia thi đấu các giải thể thao đó có thời hạn, không thời hạn đối với cá nhân tập thể vi phạm các điều cấm trong Luật TD,TT...

K.Dung

Ảnh trong bài
  • Thực thi Luật TD,TT: Phong trào TDTT Vĩnh Phúc nhiều chuyển biến