You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Hòa Bình sau 10 năm thực thi Luật TD,TT

Hòa Bình là một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống như Kinh, Mường, Dao, Thái, Tày, điều kiện tự nhiên, xã hội còn khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền, công tác TDTT của tỉnh từng bước có những chuyển biến đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, Luật TD,TT chính thức được ban hành và có hiệu lực đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển phong trào TDTT của địa phương cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Lấy TDTT quần chúng làm nền tảng

Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, năm 2016, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt mức 29,6%, số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao là 22,8%. Đâylà kết quả đáng tự hào đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Kết quả này cũng phản ảnh rõ nhất sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh trong 10 năm trở lại đây.

Với phương châm lấy TDTT quần chúng làm nền tảng để thúc đẩy sự phát triển phong trào TDTT của địa phương, ở khắp các huyện, thị, trong đó điển hình là thành phố Hòa Bình đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” do ngành VHTTDL phát động kết hợp cùng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới mọi đối tượng người dân, từ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số… Nhiều môn thể thao dân tộc truyền thống như: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ đã trở thành môn thể thao thế mạnh của địa phương. Các môn thể thao trên đã được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh và gặt hái được nhiều thành tích cao ở các ngày hội văn hóa, thể thao khu vực Tây Bắc và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực I, đoàn Hòa Bình luôn xếp ở vị trí nhất, nhì, ba toàn đoàn. Năm 2015 đoàn thể thao tỉnh tham dự Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ IX khu vực I tại tỉnh Lai Châu đã đạt giải nhất toàn đoàn với 08 huy chương vàng, 04 huy chương bạc và 16 huy chương đồng.

Theo đó, để cuộc vận động đạt hiệu quả, ngành TDTT tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều giải đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Trung bình mỗi năm tổ chức từ 7-10 giải thể thao cấp tỉnh và 55 giải thể thao cấp huyện. Bên cạnh đó, còn có hàng ngàn giải thể thao ở cấp cơ sở, các hội thi, hội thao của các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị, trường học được tổ chức cũng góp phần làm cho phong trào TDTT quần chúng trong nhân dân thêm sôi nổi. Cùng với việc tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, Ngành VHTTDL tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng 7 lớp năng khiếu thể thao gồm: xe đạp, Pencak silat, Điền kinh, Karatedo, Boxing, Cử tạ, Đẩy gậy. Hàng năm, đăng cai 2-3 giải khu vực và toàn quốc. Từ những giải đấu này, nhiều vận động viên triển vọng đã được huyện lựa chọn đào tạo làm hạt nhân cho phong trào, nhiều VĐV tỉnh đã thi đấu đoạt huy chương tại các đấu trường khu vực, quốc gia và quốc tế, nhiều VĐV của tỉnh được phong đẳng cấp VĐV kiện tướng và Cấp I, được tuyển vào đội tuyển quốc gia.

Để có được kết quả trên, trong 10 năm qua, ngay từ khi Luật TDTT có hiệu lực, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sâu sát đến các cấp, các ngành, tổ chức để triển khai luật đến cấp xã, phường, thị trấn. Luật Thể dục, thể thao và các văn bản quy phạm pháp luật ra đời tạo được sự thuận lợi, chuyển biến tích cực đối với ngành thể thao, là cơ sở pháp lý quan trọng, xác định vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của ngành trong hệ thống chính trị. Công tác quản lý nhà nước về thể dục, thể thao được nâng cao. Phong trào TD-TT quần chúng được phát triển mạnh tới cơ sở. Các thiết chế thể thao ngày càng được củng cố, cơ sở vật chất được tăng cường xây dựng và cải tạo phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành VHTTDL tỉnh còn chủ động xây dựng chương trình phối hợp với các ngành: Giáo dục&Đào tạo, Quân đội, Công an…nhằm nâng cao và đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động TDTT trong học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, CNVC-LĐ, chiến sỹ…các hoạt động này đã tích cực và góp phần thúc đẩy phát triển phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn.

…Tạo đà cho thể thao thành tích cao phát triển

Cùng với sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, những năm qua thể thao thành tích cao của tỉnh Hòa Bình cũng đạt được những thành tích đáng khích lệ. Vị thế của Hòa Bình trên bản đồ thể thao quốc gia đã có những bước chuyển biến. Nếu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV, năm 2002 đoàn thể thao tỉnh Hòa Bình xếp thứ 54/67 tỉnh, thành, ngành cả nước. 4 năm sau, tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006 đoàn thể thao tỉnh xếp thứ 32/66 tỉnh, thành, ngành cả nước và Tại đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010 xếp thứ 49/66 tỉnh, thành, ngành cả nước; Tại đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 đoàn xếp thứ 40/65 tỉnh, thành, ngành cả nước với tổng số 8 huy chương, xếp thứ 4/19 tỉnh miền núi, được Bộ VH, TT&DL tặng thưởng cờ thi đua là 1 trong 5 tỉnh miền núi có thành tích xuất sắc. Nhiều vận động viên của tỉnh được phong vận động viên cấp I, kiện tướng cấp quốc gia, có vận động viên được triệu tập và đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc gia đã đạt nhiều huy chương góp phần làm rạng danh cho thể thao tỉnh nhà.

Hiện tại, Hòa Bình đang đào tạo 09 lớp năng khiếu thể thao như: xe đạp, điền kinh, boxing, karatedo, bóng chuyền, vật, cử tạ, vovinam, pencak silat với tổng số 90 học sinh. Tính đến năm 2016 nhà trường đã tổ chức tuyển chọn tập huấn 947 lượt vận động viên tham dự 90 giải thể thao khu vực và toàn quốc đạt 76 huy chương vàng, 93 huy chương bạc, 115 huy chương đồng; phong 21 kiện tướng, 21 vận động viên cấp I.

Tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII năm 2012 tại thành phố Cần Thơ, đoàn thể thao Hòa Bình xếp vị trí 7/63 tỉnh, thành tính theo tổng sắp huy chương và xếp vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành tính theo tổng điểm.

Tuy nhiên, thể thao thành tích cao của tỉnh mới trong giai đoạn bước đầu tiếp cận và phát triển, chưa cơ bản và thiếu vững chắc, không theo kịp những bước tiến bộ của các địa phương khác. Cơ sở vật chất phục vụ cho luyện tập thể thao thành tích cao còn thiếu. Lực lượng vận động viên còn thiếu và yếu, công tác tuyển chọn, đào tạo chưa thật sự khoa học và bài bản. Kinh phí đầu tư cho đào tạo còn thấp, ít cơ hội thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ.

Hướng tới tương lai!

Theo mục tiêu của Đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đoàn thể thao của tỉnh giữ vững vị trí trong Top 3 tại Ngày hội Văn hóa, thể thao khu vực Tây Bắc, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực I; phấn đấu đứng trong Top 10/63 tỉnh, thành tại Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ IV, năm 2016; phấn đấu đến SEA GAMES lần thứ 29 năm 2017 tỉnh Hòa Bình có vận động viên tham dự ở nội dung xe đạp địa hình….

Để đạt được các mục tiêu trên, riêng mảng thể thao thành tích cao của tỉnh cần tập trung phát triển các môn thể thao có trong chương trình thi đấu tại các giải vô địch quốc gia, Đại hội TDTT toàn quốc, đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA GAMES). Tăng cường đầu tư đối với các môn thể thao mà vận động viên Hòa Bình có thế mạnh, đã từng đạt được thành tích cao tại các giải đấu lớn như xe đạp, điền kinh, boxing, karatedo, taekwondo.

Qua 10 năm triển khai và thực thi Luật TD,TT đã có những tác động to lớn đối với sự phát triển của nền TDTT nước nhà nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng. Cùng với những tác động tích cực, qua thực thi cho thấy Luật TD,TT hiện còn những tồn tại bất cập, cần sửa đổi để đáp ứng với thực tiễn xã hội cũng như sự hội nhập quốc tế, tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Trung ương xem xét sửa đổi một số nội dung, điều khoản của Luật TD,TT như: Quy định rõ trách nhiệm và chế tài tăng cường đầu tư kinh phí cơ sở vật chất thể dục, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Quy hoạch đất dành cho thể dục thể thao. Đầu tư cơ sở vật chất thể thao trường học theo quy chuẩn quốc gia. Bổ sung quy định các hình thức xử lý kỷ luật như: cấm thi đầu, cấm tham gia các giải, môn thể thao có thời hạn, không thời hạn đối với cá nhân, tập thể vi phạm các điều bị cấm trong Luật TD,TT mà thực tế khi xử lý không đủ điều kiện để xử phạt hành chính hoặc phạt tiền tại giải thể thao phong trào ở địa phương. Thẩm quyền phê duyệt Điều lệ các môn thể thao thành tích cao nên giao cho Sở Văn hóa, Thể thao& Du lịch thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh như hiện hành. Quy định về tổ chức sân chơi thể thao trên sông, hồ. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động kinh doanh lĩnh vực thể thao của doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh; việc cấp phép hoạt động kinh doanh lĩnh vực thể thao của hộ dân nên giao cho Sở Văn hóa, Thể thao& Du lịch…

VD
 

Ảnh trong bài
  • TDTT Hòa Bình sau 10 năm thực thi Luật TD,TT