You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa TDTT ở Tây Ninh

Trong nhiều năm qua, thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU về việc phát triển TDTT đến năm 2010, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP và Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa TDTT theo quy định của Luật TD,TT, công tác xã hội hóa thể dục thể thao của tỉnh Tây Ninh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển.

Theo thống kê, trên địa bàn Tây Ninh hiện có trên 500 cơ sở kinh doanh TDTT do tư nhân đầu tư xây dựng như: 28 sân quần vợt, 3 sân bóng đá 11 người, 101 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 24 hồ bơi, 2 nhà tập thể thao, 7 phòng tập bóng bàn, 6 nhà tập cầu lông, 330 bàn billiards, 40 phòng tập thể hình, 2 sân bóng chuyền, 40 phòng tập khiêu vũ thể thao và thể dục thẩm mỹ. Ngoài ra, còn có 131 điểm tập các môn võ thuật với trên 4.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có trên 30 CLB dưỡng sinh (trên 900 hội viên), 11 CLB thẩm mỹ, 30 CLB Bóng đá mini, 52 CLB Võ thuật, 30 CLB Cầu lông, 40 CLB Bóng bàn, 18 CLB Bơi lặn, 20 CLB Quần vợt, 12 CLB Cờ vua – Cờ tướng, hơn 42 Khu Văn hóa, Thể thao dân lập, 22 CLB Patin, hơn 60 CLB Billdards, nhiều tụ điển sinh hoạt thể thao ngoài trời và nhiều điểm tập thể thao ở các cơ quan đơn vị, trường học…

Hiện toàn tỉnh có 6 Liên đoàn, Hội, CLB TDTT được thành lập là Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Hội Vovinam, Hội Thể dục dưỡng sinh, CLB Mô tô thể thao. Dự kiến thành lập mới Liên đoàn Lân Sư Rồng vào quý I.2017. Công tác quản lý các bộ môn TDTT được san sẻ phần nào cho các tổ chức Liên đoàn, Hội, CLB nhằm tăng thêm sức mạnh về chuyên môn và tài chính cho ngành TDTT. Hằng năm, mỗi Liên đoàn, Hội, CLB của tỉnh vận động nguồn tài chính từ các tổ chức xã hội để tổ chức ít nhất 1 giải thi đấu với kinh phí từ 30 - 150 triệu đồng/giải.

Ngoài các Liên đoàn, Hội, CLB trên, Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh cũng là một trong những đơn vị xã hội nghề nghiệp làm công tác xã hội hoá TDTT. Hằng năm, công ty vận động nguồn tài trợ cho đội bóng đá Tây Ninh với số tiền từ 15 - 20 tỷ đồng. Kết thúc giải hạng Nhất quốc gia năm 2016, đội Bóng đá Xi măng Fico Tây Ninh xếp thứ 5 trên tổng số 10 đội tham gia. Đây là xu hướng xã hội hoá thành công nhất về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp của tỉnh Tây Ninh.

Ước tính tổng số tiền dành cho cơ sở vật chất về TDTT do tư nhân đầu tư đến nay đã trên 70 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là sự đầu tư của các doanh nghiệp cho hệ thống xây dựng các sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, quần vợt, hồ bơi, phòng tập các môn: thể dục thẩm mỹ, thể hình, Taekwondo và trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động TDTT ở các cơ sở, với số tiền ước tính khoảng trên 20 tỷ đồng.

Điển hình trong công tác xã hội hoá, cơ sở vật chất là khu thể thao bao gồm hồ bơi, sân quần vợt và phòng tập thể hình thuộc Trung tâm thương mại giải trí Cà Na có số vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở cũng đã đầu tư trên 1 tỷ đồng cho việc kinh doanh các hoạt động TDTT ở mỗi cơ sở. Hiện tại, Trung tâm thương mại Cà Na là một trong những địa chỉ lý tưởng được nhiều dân lựa chọn để tham gia tập luyện TDTT. Bởi ngoài việc đáp ứng tốt các yêu cầu về cơ sở vật chất (sân bóng, bể bơi, phong tập luyện các môn thể thao khác...).

Anh Nguyễn Minh Hà, thành viên CLB Bóng đá mini ở thành phố Tây Ninh cho biết: “Những năm gần đây, thành phố có nhiều sân bóng đá mini được doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, với giá thuê sân từ 100 - 200 ngàn đồng/giờ, lúc cao điểm có khi lên tới 300 -400 ngàn đồng/giờ nhưng lúc nào cũng thu hút đông đảo thanh niên, học sinh tham gia tập luyện và thi đấu. Có những thời điểm như vào các dịp hè, ngày nghỉ, các sân đều kín lịch. Tôi cho rằng, giá thuê trên là hợp lý giúp tôi và bạn bè có nhiều cơ hội tập luyện môn thể thao yêu thích môn thể thao này”.

Hiện, một số doanh nghiệp của tỉnh đang tiếp tục đầu tư cho các hoạt động về văn hoá, thể thao, giải trí với số tiền từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng như: Dự án của Công ty TNHH TM & SX Bình Đức xây dựng Khu liên hợp văn hoá, thể thao Bình Đức - thị trấn Trảng Bàng, Trung tâm văn hoá, thể thao tổng hợp huyện Gò Dầu, dự án đầu tư cải tạo hồ bơi Thiên Ngân ở thành phố Tây Ninh.

Sự ra đời của các CLB, hệ thống sân bãi do tư nhân đầu tư xây dựng đã phần nào giảm tải cho ngân sách nhà nước đồng thời đáp ứng nhu cầu tập luyện của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng được duy trì và phát triển rộng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cụ thể, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2016 là 29,6%; số hộ gia đình thể thao là 22,66%. Một số môn thể thao phát triển ở TP. Tây Ninh phát triển chủ yếu là do yếu tố xã hội hóa như: Thể dục nhịp điệu, thể dục thể hình, thể dục dưỡng sinh, Bóng đá mi ni, Yoga...

Để có kết quả trên, ngành VHTTDL tỉnh Tây Ninh đang từng bước thực hiện lộ trình chuyển các cơ sở TDTT công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở TDTT công lập có đủ điều kiện sang loại hình TDTT ngoài công lập. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hình thành các cơ sở TDTT ngoài công lập và thành lập các tổ chức xã hội về TDTT. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư một số hạng mục công trình thuộc khu liên hợp TDTT của tỉnh; khuyến khích xây dựng các CLB, các điểm TDTT ở các cơ quan, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn đặc biệt là ở nông thôn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập các liên đoàn, CLB các bộ môn thể thao có thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp hóa; cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, từng bước chuyển công tác tổ chức thi đấu thể thao cho các liên đoàn thể thao, các tổ chức xã hội về TDTT, các đơn vị kinh tế có đủ năng lực; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để tổ chức các giải thể thao của tỉnh.

Cùng với những thành tích đã đạt được, việc triển khai thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT ở Tây Ninh trong những năm gần đây cũng gặp không ít khó khăn. Bởi các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT tuy đã được ban hành nhưng chưa cụ thể, chưa thu hút được doanh nghiệp. Ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa đủ điều kiện để giải phóng mặt bằng. Thêm nữa do điều kiện kinh tế xã hội trong những năm gần đây thường xuyên có biến động, cơ chế chính sách còn chồng chéo nên việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các công trình thể thao lớn gặp nhiều khó khăn.

Để công tác vận động xã hội hóa TDTT được thực hiện tốt, ngành Thể thao cần phải nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao thành tích, nâng cao quy mô tầm cỡ các giải đấu như đăng ký, đăng cai các giải vô địch quốc gia. Phong trào thể thao quần chúng phải phát triển mạnh, từ đó mới thu hút được nhiều người dân quan tâm theo dõi các giải đấu, tạo cơ sở để vận động, thu hút được nhiều nhà tài trợ ủng hộ giải để quảng bá thương hiệu.

VD 

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa TDTT ở Tây Ninh