You must configure this module first via "Module Settings"

Quảng Bình thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa

Ở các địa phương, trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì nguồn ngân sách của Nhà nước dành cho các hoạt động thể thao còn thiếu, chính vì vậy việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa là một trong những giải pháp cấp thiết. Để đẩy mạnh công tác này, nhiều địa phương đã ban hành những chính sách, chế độ ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện công tác xã hội hóa trong hoạt động TDTT. Điển hình như tỉnh Quảng Bình với chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa đã phần nào giúp cho công tác xã hội hóa ở tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Quảng Bình hiện vẫn là một tỉnh nghèo do hậu quả của chiến tranh để lại, cộng với điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Vì vậy, ngân sách đầu tư cho sự nghiệp thể dục thể thao nói chung và công tác đào tạo vận động viên vẫn còn nhiều hạn hẹp. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu trên địa bàn tỉnh vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu. Đến nay, về quy mô cấp tỉnh, Quảng Bình vẫn chưa đảm bảo được ba công trình thể thao cơ bản là sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu; mới chỉ có sân vận động và bể bơi. Còn tại địa bàn các huyện, thành phố hầu như chưa có một công trình nào, mới chỉ có 1/7 huyện đầu tư xây dựng sân vận động với sức chứa khoảng 5000 chỗ ngồi.

Từ năm 1996 thực hiện chỉ thị 274/TTg của Thủ tướng Chính phủ về dành quỹ đất cho hoạt động thể dục thể thao đến nay đã có 154/159 xã, phường, thị trấn đã quy hoạch đất dành cho hoạt động thể dục thể thao, bình quân đạt từ 2- 3m2/người. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu thể dục thể thao trên các địa bàn còn thiếu. Đây chính là vấn đề nan giải nhất của ngành thể dục thể thao Quảng Bình. Chính vì vậy, trong thời gian qua, bên cạnh việc tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ từ Trung ương và tỉnh, ngành, thể thao tỉnh Quảng Bình đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập luyện và tổ chức thi đấu thể dục thể thao cơ sở để thúc đẩy phong trào thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển.

Từ cuối năm 2016, một trong những chính sách mà tỉnh Quảng Bình đưa ra để khuyến khích đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đó là việc thực hiện Quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nhờ chính sách này, nhận thức về công tác xã hội hóa ở tỉnh Quảng Bình đã có nhiều sự đổi mới. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị, ban, ngành, doanh nghiệp đã mặn mà với công tác xã hội hóa TDTT. Vì vậy có một số giải phong trào đã có đơn vị lo tới gần 70 % kinh phí.

Điển hình như giải vô địch Cầu lông tranh cúp Tấn Phát SPORT do Công ty TNHH TM và XD Tấn Phát SPORT tài trợ. Với phương thức này, giải Cầu lông được duy trì từ 2013 đến nay thu hút sự tham gia của gần 300 VĐV đến từ khắp các địa phương trong tỉnh. Giải vô địch quần vợt tranh cúp Phú Ninh mở rộng do Công ty Phú Ninh tài trợ, được đánh giá cao ở nhiều phương diện, từ cách tổ chức khoa học, trị giá giải thưởng cao, sự hăng say nhiệt tình của VĐV tham gia. Giải Việt dã truyền thống Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng được duy trì liên tục hơn 9 năm do Ngân hàng Sacombank Chi nhánh tại Quảng Bình tài trợ. Đây cũng là 3 doanh nghiệp đi đầu trong công tác xã hội hóa thể thao ở tỉnh Quảng Bình.

Hay Lễ hội Đua thuyền trên sông Kiến Giang cũng là một trong những giải đấu thành công từ công tác xã hội hóa trong các hoạt động TDTT.  Theo đó, con số huy động từ sự tự nguyện đóng góp của nhân dân mỗi kỳ diễn ra lễ hội đua thuyền huyện Lệ Thủy có khi đạt tới mức hàng tỷ đồng. Từ đó hàng năm, lễ hội được duy trì trong niềm tin yêu ngưỡng mộ của hàng vạn cổ động viên và hàng trăm VĐV đua thuyền quần chúng.

Bên cạnh đó, Công ty TNHHTM và XD Tấn Phát SPORT đã tài trợ cúp vô địch, dụng cụ thi đấu thể thao, áo quần với số kinh phí hàng trăm triệu đồng. Trong đó đơn vị đã có nhiều hoạt động tích cực như tổ chức giải cầu lông, thu hút HLV, VĐV giàu thành tích ở các giải toàn quốc về tập luyện cho các VĐV cầu lông của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, đơn vị còn duy trì CLB thể hình, CLB khỏe- đẹp thu hút trên 300 người luyện tập thường xuyên.

Ông Lê Phú Sơn, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh Quảng Bình cho biết: hoạt động xã hội hóa thể thao đang là cứu cánh cho việc đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng. Hàng năm tổng kinh phí trung tâm TDTT tỉnh huy động được nhờ nguồn xã hội hóa đã lên tới gần 1 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, cơ sở vật chất thi đấu thể thao. Nhờ vậy phong trào TDTT quần chúng đang phát triển mạnh ở khắp nơi trong tỉnh ta. Thời gian qua, Tổng cục TDTT cũng đã ủy nhiệm cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Bình tổ chức giải bóng đá mini cúp Bia Sài Gòn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Xã hội hóa thể dục thể thao là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước ta .Với sự chung tay của các tổ chức xã hội, các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua việc đầu tư các công trình TDTT, tài trợ kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ  tập luyện TDTT đã góp phần giảm thiểu gánh nặng về kinh phí cho ngân sách nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự nghiệp TDTT của tỉnh Quảng Bình nói riêng, Thể thao nước nhà nói chung ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế.

KC  

Ảnh trong bài
  •  Quảng Bình thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa