|
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật TD,TT, phong trào TDTT quần chúng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng từ 20% (năm 2006) lên 36,72% năm 2016 (Ảnh: Y Trang )
|
Qua 10 năm thực hiện Luật TD,TT đã có tác động tích cực đến sự quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quản lý nhà nước về TDTT, huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia đóng góp phát triển TDTT. Hoạt động TDTT quần chúng được tăng cường và chất lượng ngày càng được nâng cao. Thực hiện các quy định của Luật TD,TT ngành TDTT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành như Giáo dục Đào tạo trong việc triển khai thực hiện các hoạt động TDTT nội khóa, ngoại khóa cho lứa tuổi học đường theo kế hoạch từng năm, 5 năm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh, và toàn quốc. Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang cũng được duy trì thường xuyên và đảm bảo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công tác TDTT cho người khuyết tật, người cao tuổi cũng được chăm lo thường xuyên. Nhờ đó, tỷ lệ người tham gia tập luyện thường xuyên hàng năm đều tăng. Năm 2016, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36,72% trên tổng số dân của tỉnh, tăng 16,72% so với năm 2006 (20%); Số hộ gia đình đạt chuẩn thể thao cũng tăng từ 14% năm 2006 lên 39% năm 2016.
Thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ 2006 - 2016 số VĐV cấp cao có 1.184 VĐV, số VĐV được triệu tập ĐTQG là 89 VĐV; đạt hơn 3 ngàn huy chương quốc gia các loại; 147 huy chương quốc tế các loại. Trong đó, đáng chú ý là từ năm 2011 đến nay, thực hiện Quyết định số
796/QĐ-UBND ngày 08/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao thể thao thành tích cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020” thể thao thành tích cao của tỉnh có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Ngoài việc phát triển các môn thể thao thế mạnh của tỉnh như: Judo, Vovinam, Petanque... Xây dựng và phát triển một số môn thể thao mới với nguồn VĐV trẻ nhiều tiềm năng như: Kickboxing, Võ cổ truyền... duy trì 2 tuyến đào tạo: tuyến Tuyển và Trẻ của 15 môn thể thao, hàng năm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, có những môn đại diện cho quốc gia tham gia biểu diễn hoặc thi đấu ở nước ngoài như Vovinam, Cờ tướng, Judo... Tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, thành tích của đoàn Bà Rịa Vũng Tàu cũng từng bước được cải thiện. Gần nhất, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu đạt thứ hạng 34/ 65 đơn vị tỉnh thành ngành.
Đặc biệt trong năm 2016 - năm đầu tiên triển khai và thực hiện Đề án “Nâng cao thể thao thành tích cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020”, kinh phí dành cho Thể thao thành tích cao của tỉnh là hơn 9,1 tỷ đồng. Hiện tỉnh duy trì được 3 tuyến (tuyển, trẻ, năng khiếu) với 31 HLV, 147 VĐV của 15 môn, 24 đội tuyển.Đây là sự đầu tư khá lớn so với những năm trước, và kết quả, năm 2016, VĐV các đội tuyển của tỉnh đã giành tổng cộng 307/251 huy chương các loại, đạt 122,3% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó VĐV các tuyến Đề án nâng cao TTTTC tỉnh dành được 189/185 huy chương, đạt 102,1% chỉ tiêu kế hoạch (năm 2006 chỉ đạt được 139 huy chương).
Đặc biệt, các môn thể thao thế mạnh của tỉnh như Judo, Vovinam, Petanque, Cờ vua, Cờ tướng vẫn đang duy trì thành tích ổn định tại đấu trường quốc gia. Nhiều VĐV xuất sắc, tiêu biểu của Thể thao Vũng Tàu như: Nghiêm Thảo Tâm (Huy chương vàng giải Vô địch Cờ vua Trẻ Châu Á năm 2011), Phan Thị Bích Ngọc (Huy chương bạc giải Vô địch Vovinam Đông Nam Á năm 2011 và năm 2013), Lê Thị Huỳnh Như (Huy chương bạc giải Vô địch Muay Châu Á năm 2012), Nguyễn Trung Kiên (Huy chương bạc cá nhân tại giải Võ cổ truyền Quốc tế năm 2012), Nguyễn Thị Diệu Tiên (Huy chương vàng cá nhân tại giải Vô địch Judo Đông Nam Á năm 2013), Uông Dương Bắc (Huy chương đồng đồng đội tại giải Cờ tướng Vô địch thế giới năm 2013), .
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao... UBND tỉnh đã phê duyệt đề án nguồn nhân lực, chế độ dinh dưỡng, chế độ tiền công, chế độ tập huấn và thi đấu cho các HLV, VĐV đã được nâng cao theo quy định của Luật TD,TT nhằm tiếp tục nâng cao vị thế thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu đối với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Cụ thể, ngành TDTT tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đạt thứ hạng 25-30 tại kỳ Đại hội TDTT 2018; đóng góp VĐV vào thành phần đội tuyển quốc gia, đạt huy chương tại các kỳ SEA Games. Trong đó, tập trung phát triển đầu tư có trọng điểm một số môn thể thao thuộc thế mạnh của tỉnh (Vovinam, Judo, Petanque, Bóng chuyền bãi biển...) và các môn thể thao có triển vọng để phát triển thành môn chủ lực của tỉnh nhà; thường xuyên tổ chức các giải thi đấu đỉnh cao cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; mở rộng giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo tài năng thể thao; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT; xây dựng hệ thống các chính sách, cơ chế quản lý; đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia đầu tư cho lĩnh vực TDTT.
Để đạt được những kết quả trên, ngay từ những ngày đầu khi luật TD,TT có hiệu lực, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã rất quan tâm và chỉ đạo sâu sắc đến các cấp, các ngành tổ chức mọi hình thức để tiếp cận và triển khai thực hiện tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai tới tận phường, xã thị trấn trong tỉnh về Luật TD,TT. Theo đó, đã có 32 cơ quan với 720 người tham dự lớp tập huấn Luật TD,TT do tỉnh tổ chức, ở cấp huyện có 8 huyện, thành phố tổ chức thông qua Luật TD,TT với 400 người tham dự. Có 15 pano tuyên truyền trên các tuyến đường phố chính của tỉnh; 8 pano tuyên truyền tại các huyện; 400 băng rôn, cờ phướn được treo khắp các tuyến đường, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình...
Các hình thức tuyên truyền về Luật TD,TT được phổ biến rộng rãi tới mọi đối tượng người dân như người cao tuổi, cựu chiến binh, người khuyết tật, nông dân, phụ nữ, Đoàn thanh nhiên và các đơn vị độc lập hoạt động TDTT như trường học, lực lượng vũ trang (công an, bộ đội), đặc biệt là các đối tượng đang công tác, hoặc đang thực thi trong ngành TDTT như HLV, hướng dẫn viên, Cộng tác viên TDTT, cán bộ công chức, viên chức ngành TDTT phải thực sự hiểu biết để hướng dẫn và thực thi luật TD,TT một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, còn áp dụng triển khai trong các cơ quan cải cách hành chính trong lĩnh vực TDTT để hướng dẫn nhân dân và các doanh nghiệp có hoạt động TDTT hiểu và chấp hành nghiêm luật TD,TT. Nhờ đó, đã có tác động sâu sắc tới nhận thức của người dân, giúp người dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động TDTT, từ đó có ý thức trong việc rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Việc tuyên truyền Luật TD,TT còn giúp các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức, cá nhân nhận thức rõ hoạt động TDTT đã đi vào ổn định, nền nếp, có khuôn mẫu, hoạt động được pháp luật bảo hộ một cách công bằng, văn minh, hiểu rõ được trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị đối với hoạt động TDTT trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện để đảm bảo quy định của Luật.
Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm trên, qua 10 năm triển khai và thực hiện Luật TD,TT cho thấy vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần phải sửa đổi. Cụ thể, Luật TD,TT cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ở địa phương nhất là cấp huyện, xã trong việc đầu tư, khai thác, sử dụng các sân bãi thể thao, tránh trường hợp đất TDTT bị chuyển đổi mục đích sử dụng; có chính sách ưu đãi cụ thể đối với VĐV sau khi có đóng góp thành tích xuất sắc nhằm động viên khuyến khích sự cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà; đối với các giải thể thao phong trào ở địa phương, việc hướng dẫn xử lý vi phạm Luật TDTT và các văn bản quy phạm dưới luật hiện nay chưa cụ thể nên việc xử lý kỷ luật còn nhiều lúng túng, bất cập; Thể dục thể thao quần chúng chưa có quy định chế độ trợ cấp cho công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác TDTT ở xã, phường, thị trấn; tại Điều 55 Luật Thể dục Thể thao, cần khái niệm cụ thể thế nào là doanh nghiệp thể thao và thế nào là doanh nghiệp có hoạt động TDTT, để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động TDTT.
VD