You must configure this module first via "Module Settings"

10 năm thực thi Luật Thể dục, Thể thao: hoạt động TDTT của tỉnh Phú Yên có nhiều khởi sắc

TDTT Phú Yên Sau 10 năm (2007-2017) triển khai và thực hiện, Luật Thể dục, Thể thao đã từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc điều chỉnh các hoạt động TDTT, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp TDTT của tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh đó, Luật Thể dục, Thể thao có hiệu lực đã trở thành hành lang pháp lý hữu hiệu góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao của địa phương. Nhiều hộ kinh doanh ra đời, nhiều cơ quan, công ty, xí nghiệp tư nhân và nhà nước có hoạt động kinh doanh về thể dục thể thao được nhà nước cấp phép đủ điều kiện hoạt động...

Tập trung đầu tư cho các môn Võ thuật - thế mạnh của thể thao tỉnh Phú Yên (Ảnh: T.Vỹ)
Những kết quả đáng ghi nhận

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Phú Yên, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh hiện đạt 27,4%, số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên là 22,2%. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học cũng được quan tâm và nâng cao về chất lượng. Theo đó, tại các trường phổ thông trung học đều có giáo viên chuyên trách về TDTT (trước đây giáo viên kiêm nhiệm), đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn thể dục trong các nhà trường. Nhiều tài năng đã được phát hiện tuyển chọn thông qua các giải thi đấu thể thao dành cho học sinh, sinh viên, các Hội khỏe Phù Đổng... 100% số trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chương trình giảng dạy theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, hơn 70% số trường THPT thực hiện hoạt động thể thao ngoại khóa, 40% số trường có CLB TDTT, 70% số học sinh phổ thông và 100% sinh viên được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Hiện Phú Yên đã có 5 nhà tập, 475 sân tập phổ thông, cơ bản đáp ứng công tác giáo dục thể chất trong trường học.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ các phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng có những bước đột phá mới. Trong bối cảnh thể thao Phú Yên còn nhiều khó khăn và vẫn ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền và đặc biệt là từ khi Luật Thể dục, Thể thao chính thức có hiệu lực, nhiều chính sách được thực thi đã tạo điều kiện cho thể thao thành tích cao của tỉnh có cơ hội phát triển. Chặng đường 10 năm thực hiện Luật Thể dục, Thể thao cũng là dấu mốc đáng nhớ khi lần đầu tiên VĐV Nguyễn Thị Minh Mai của Phú Yên giành HCV môn Võ cổ truyền tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V năm 2006.

Đây cũng chính là tấm HCV lịch sử, đánh dấu bước phát triển của thể thao thành tích cao của Phú Yên tại sân chơi lớn nhất cả nước kể từ ngày tái lập tỉnh Phú Yên. Và năm 2016 vừa qua, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng vượt chỉ tiêu đề ra với 10 HCV, 10 HCB và 18 HCĐ (chỉ tiêu đặt ra cho các đội tuyển thể thao của tỉnh chỉ là 06 HCV). Đóng góp vào bảng vàng thành tích cho thể thao Phú Yên là các môn Karatedo (5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ), Taekwondo (2 HCV, 5 HCĐ) , Vovinam (2 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ) và Boxing (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ)…

Thành tích trên được xem là tín hiệu đáng mừng, khẳng định hướng đi đúng đắn của ngành TDTT tỉnh khi lựa chọn những môn thể thao thế mạnh (các môn võ) để đầu tư, thay vì sự đầu tư một cách dàn trải như trước đây. Mỗi năm, tỉnh đào tạo trên 200 VĐV ở các bộ môn thi đấu giành được nhiều huy chương tại các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện TDTT cũng như hệ thống thiết chế TDTT từ tỉnh đến cơ sở cũng được đầu tư nâng cấp và từng bước được hình thành.

Bên cạnh đó, với những cơ chế chính sách cụ thể được quy định trong Luật Thể dục, Thể thao, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường huy động và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển TDTT. Đây một trong những giải pháp đột phá nhằm tạo sự phát triển cho ngành TDTT tỉnh đã mang lại những hiệu quả tích cực. Chỉ tính riêng năm 2016, các đơn vị, doanh nghiệp đã đóng góp hơn 700 triệu đồng để xã hội hóa các giải thể thao cấp tỉnh. Công tác quy hoạch, dành đất cho các công trình TDTT ở cấp huyện và cơ sở được quan tâm. Một số địa phương đã vận dụng các không gian trong các cơ quan để làm sân tập cầu lông, bóng chuyền, bóng đá... nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT trong cán bộ, viên chức và người lao động.

Để có được kết quả trên, trong suốt 10 năm qua, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo sâu sắc đến các cấp, các ngành tổ chức mọi hình thức để tiếp cận và triển khai thực hiện, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển khai đến tận phường xã, thị trấn trong tỉnh về Luật Thể dục, Thể thao. Với nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả, đã làm cho người dân trong tỉnh hiểu sâu rộng hơn về tầm quan trọng của hoạt động Thể dục thể thao, từ đó đã có ý thức trong việc rèn luyện sức khỏe để nâng cao cuộc sống. Việc tuyên truyền Luật Thể dục, Thể thao còn làm cho các cơ quan, xí nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ hoạt động thể dục, thể thao đã đi vào ổn định nề nếp, có khuôn mẫu, hoạt động được pháp luật bảo hộ một cách công bằng và công minh. Đồng thời, thông qua tuyên tuyền bằng trực quan và các phương tiện thông tin đại chúng, giúp hiểu rõ được trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị  đối với hoạt động thể dục, thể thao trong công tác tham mưu triển khai thực hiện để đảm bảo quy định của Luật.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Thể dục, Thể thao vẫn còn những tồn tại bất cập, đơn cử như tại điều 55 "Doanh nghiệp Thể thao", Luật Thể dục, Thể thao và các nghị định của Chính phủ chưa hướng dẫn, phân định cụ thể thế nào là doanh nghiệp thể thao, dẫn đến khi cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể thao nhầm lẫn với giấy phép kinh doanh chuyên ngành hoạt động Thể dục, thể thao do luật Doanh nghiệp quy định... Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao là điều tất yếu

Hướng tới tương lai

Phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm triển khai và thực hiện Luật Thể dục, Thể thao, ngành TDTT Phú Yên phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ đạt được các chỉ tiêu cụ thể là: 33% số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên, 25% số hộ gia đình thể thao, có 500 CLB TDTT, 100% trường học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa, 80% số trường THPT, THCS thực hiện thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa, 55% trường THPT có CLB TDTT, 80% học sinh được phổ cập bơi, 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, công nhân đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe. Thể thao thành tích cao có sự đột phá vươn lên, xếp trung bình khá trong Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.

Trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), Phú Yên phấn đấu đạt 180 huy chương các loại tai các giải đấu quốc gia, khu vực, trong đó có 2 HCB quốc tế, 178 huy chương quốc gia, 35 kiện tướng, 125 VĐV cấp 1, tập trung đào tạo bình quân mỗi năm từ 180-200 VĐV, trong đó có khoảng 140 VĐV trẻ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng đa dạng hóa các hoạt động TDTT, đến năm 2020 có 100% xã, phường, thị trấn có sân tập luyện TDTT, 100% huyện, thị xã, thành phố có trung tâm TDTT, nhà tập và thi đấu đa năng. Triển khai Khu liên hiệp TDTT tỉnh bằng nhiều nguồn vốn (Nhà nước, doanh nghiệp). Toàn ngành sẽ nỗ lực phấn đấu để đưa nền TDTT của tỉnh đến năm 2020 nằm trong nhóm giữa của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Có thể khẳng định, tuy vẫn còn những tồn tại, bất cập và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn nhưng với những tác động tích cực mà Luật Thể dục, Thể thao mang lại, những mục tiêu mà ngành TDTT tỉnh Phú Yên đặt ra hoàn toàn có khả năng thực hiện được.

HP

Ảnh trong bài
  • 10 năm thực thi Luật Thể dục, Thể thao: hoạt động TDTT của tỉnh Phú Yên có nhiều khởi sắc