You must configure this module first via "Module Settings"

Quảng Bình: Khởi sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW

Với mục tiêu phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, nhân dân để phát triển TDTT tỉnh Quảng Bình mang tính dân tộc, khoa học góp phần tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần hội nhập quốc tế. Trong những năm qua hoạt động Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Bình đã để lại những dấu ấn đáng nhớ trên nhiều phương diện. Từ công tác quản lý nhà nước, tới Thể thao thành tích cao, Thể thao quần chúng đã và đang có những hướng đi đúng đắn và đạt hiệu quả đáng ghi nhận.

Do thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn về điều kiện tự nhiên cũng như các sự cố về môi trường đã ít nhiều ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nhiều nơi hư hỏng, trực tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức một số hoạt động của ngành cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể chất của nhân dân. Chính trong khó khăn thử thách ấy thì ý chí quyết tâm cao cùng những giải pháp chỉ đạo hiệu quả quyết liệt, sáng tạo mang tính đột phá của cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình luôn đồng thuận hưởng ứng.

Trong chuyến thăm tỉnh Quảng Bình đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: Trong khó khăn thử thách như vậy, nhưng ngành Văn hóa và Thể thao Quảng Bình đã đoàn kết đồng sức đồng lòng và giành được nhiều thành tựu nổi bật, được Đảng bộ nhân dân Quảng Bình và cả nước đánh giá cao, tạo niềm tin và tiền đề cho hoạt động văn hóa, thể thao trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của ông Trần Vũ Khiêm - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình: Với tinh thần khắc phục khó khăn, đề cao ý thức trách nhiệm, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh nhà đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác đề ra. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường; các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao diễn ra khá sôi nổi, thiết thực phục vụ lễ kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tốt các phong trào, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Cùng với đó, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh luôn đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020; Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 của tỉnh Quảng Bình; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Mục tiêu mà ngành TDTT hướng đến trong giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 là đặc biệt ưu tiên, chú trọng tới Thể thao trường học (thế hệ tương lai của đất nước), cụ thể từ năm 2016 trở đi có 100% số trường đủ giáo viên chuyên trách TDTT, đối với các trường Mẫu giáo thực hiện hoạt động giáo dục thể chất phù hợp với độ tuổi năm 2016 đạt 45%, đạt 60% vào năm 2020 và đạt trên 90% vào năm 2030. Đối với các trường Tiểu học đạt 100% đảm bảo cở sở vật chất dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Tiểu học-môn Thể dục đến năm 2030 đạt 15-17% trường Tiểu học có Nhà thi đấu đa năng. 100% trường có sân chơi, bãi tập đáp ứng nhu cầu giảng dạy nội khóa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa về TDTT cho học sinh.

Phấn đấu đến năm 2020 có 7-10% trường và đến năm 2030 có 25-35% trường có bể bơi phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập môn Bơi lội. Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2016 đạt 85% và đến năm 2020 đạt 90% và đạt 100% vào năm 2030. Riêng đối với học sinh phổ thông, trung cấp, cao đẳng đến năm 2016 đạt 100% theo tiêu chuẩn đánh giá và phân loại thể lực

Đối với phong trào TDTT quần chúng tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát triển rộng rãi trong các đối tượng, các địa bàn dân cư. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2016 đạt 30,4%,; Số gia đình Thể thao đạt 25 %; Số huyện, thị xã, thành phố có đầy đủ sân vận động, nhà tập, bể bơi đến năm 2016 đạt 15%; Số xã, phường, thị trấn xây dựng được các địa điểm tập luyện TDTT theo quy định đến năm 2016 đạt 50%; Số cán bộ chiến sỹ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đến nay đạt 95%.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng hoàn thiện hệ thống thể thao thành tích cao ở trình độ hiện đại, đưa thành tích thi đấu thể thao đạt ổn định ở trình độ khá trong nước và một số thành tích thể thao đạt cao Đông Nam Á, Châu Á. Hằng năm tổ chức đào tạo khoảng 400-500 VĐV năng khiếu thể thao nghiệp dư tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, tùy thuộc vào điều kiện và tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. VĐV năng khiếu thuộc các đội tuyển của tỉnh tổ chức đào tạo tại Trung tâm HLTT tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 80 -100 VĐV, giai đoạn 2020-2030 đạt 130-150 VĐV. VĐV tham gia vào đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia đến năm 2016 có 15 VĐV, năm 2020 có 20 VĐV và năm 2030 có 30 VĐV. Trong các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII giành thứ hạng ổn định thứ 15-20 trong toàn quốc; giai đoạn 2020-2030, phấn đấu xếp hạng từ 12 - 15 toàn quốc. Số lượng huy chương đạt được bình quân hàng năm từ 145-150 huy chương các loại, trong đó phấn đấu đạt từ 7-10 huy chương quốc tế; giai đoạn 2020- 2030, phấn đấu đạt từ 150-180 huy chương các loại, trong đó phấn đấu đạt từ 10-12 huy chương quốc tế.

Song song với các mục tiêu cụ thể về thành tích và công tác đào tạo VĐV, tỉnh Quảng Bình thường xuyên quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu huấn luyện nâng cao thành tích cho các môn thể thao trọng điểm; phát triển các trường phổ thông năng khiếu thể thao trong hệ thống giáo dục; Nhà nước gia tăng đầu tư kinh phí cho TDTT năm 2015 gấp 2 lần, đến năm 2020 gấp 4 lần so với năm 2010. Tham mưu xây dựng Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 -2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt.

Hằng năm, đăng cai tổ chức 1-3 giải thể thao cấp Quốc gia; tổ chức khoảng 3-5 môn thể thao dân tộc và thể thao hiện đại gắn với các lễ hội của tỉnh như Lễ hội Đua thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy, Lễ hội Rằm tháng 3 huyện Minh Hóa và các hoạt động Thể thao phục vụ cho “Tuần Văn hóa Đồng Hới” và khai trương mùa Du lịch hàng năm.

Để công tác TDTT tiếp tục gặt hái được những thành công trong thời gian tới, trong chiến lược phát triển TDTT tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2016 - 2020 nêu quyết tâm, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ phát triển văn hóa, gia đình, thể thao của Trung ương, Bộ VHTTDL, của tỉnh đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; chăm lo phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và con người Quảng Bình có lối sống cao đẹp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ngành nỗ lực xây dựng phong trào TDTT quần chúng gắn với phát triển thể thao thành tích cao ở các môn, các lĩnh vực có thế mạnh; triển khai Đại hội TDTT các cấp để chuẩn bị tốt nhất lực lượng tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.

N.H

Ảnh trong bài
  • Quảng Bình: Khởi sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW