You must configure this module first via "Module Settings"

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW: hiệu quả từ áp dụng khoa học công nghệ và hiệu lực quản lý các tổ chức xã hội, hợp tác quốc tế

Để có được những kết quả đáng ghi nhận từ công tác Thể dục Thể thao (TDTT) sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 thì việc áp dụng khoa học công nghệ và hiệu lực quản lý các tổ chức xã hội, hợp tác quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Có thể nói, sau 1 thời gian khá dài thực hiện và triển khai Nghị quyết, công tác quản lý nhà nước, thể chế hóa các văn bản, ban hành và tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, các cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp TDTT có nhiều tiến bộ. Hợp tác quốc tế về TDTT được mở rộng và đi vào chiều sâu, huy động được nhiều nguồn lực của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.  

Nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

Xác định hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển sự nghiệp TDTT nên trong những năm qua công tác định hướng và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ TDTT đã có sự chuyển biến, chất lượng nghiên cứu khoa học từng bước được nâng cao.

Hệ thống tổ chức đào tạo khoa học và công nghệ TDTT được tổ chức tương đối đồng bộ từ trung ương tới cơ sở. Ở Trung ương có 10 đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ TDTT bao gồm: Viện khoa học TDTT, 3 Trường Đại học TDTT, 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia, Trung tâm Doping và Y học TDTT, Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Tại một số địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh, đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đều có đơn vị (cấp phòng) thuộc sở chuyên môn được giao chức năng tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực TDTT.

Số lượng các nhà khoa học có trình độ cao, có kinh nghiệm, tâm huyết đóng góp cho sự phát triển ngành TDTT nói chung và khoa học và công nghệ TDTT nói riêng tương đối lớn (hiện nay các nhà khoa học TDTT có trình độ tiến sỹ trở lên là 202 người, trong đó có 7 giáo sư và 28 phó giáo sư). Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành, cấp địa phương trong các lĩnh vực hoạt động TDTT đã được thực hiện và ứng dụng vào thực tiễn.

Trong thời gian qua, đã triển khai thực hiện 30 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 720 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về các lĩnh vực: TDTT cho mọi người, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, tuyển chọn thể thao, y sinh học thể thao, công nghệ gene, dinh dưỡng thể thao, thể thao giải trí, du lịch thể thao... trong đó, nhiều công trình khoa học, đề án, quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt phục vụ cho công tác quản lý và phát triển ngành đã được triển khai nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế, tiêu biểu như: Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Giải pháp phát triển kinh tế TDTT ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” mã số: KX.01.05/11-15. Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu ứng dụng hệ thống các giải pháp khoa học trong đào tạo vận động viên cấp cao các môn thể thao Olympic cơ bản” (Bao gồm 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ).

Sự đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị khoa học hiện đại ở các tổ chức khoa học và công nghệ được quan tâm, chú trọng, đặc biệt trong những năm gần đây (Viện Khoa học TDTT, Trung tâm Doping và Y học thể thao được nâng cấp, xây dựng mới và đầu tư một số trang thiết bị tương đối hiện đại). Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ TDTT cũng đã có bước phát triển và đạt được những kết quả nhất định; việc phổ biến thông tin khoa học và công nghệ TDTT trên các tạp chí khoa học và công nghệ của Viện Khoa học TDTT, các tạp chí của các Trường Đại học TDTT và trên các website, các kênh thông tin trên Internet…đã trở nên thường xuyên và cập nhật những thành tựu khoa học và công nghệ mới, các kết quả của các công trình khoa học… đã góp phần truyền tải thông tin khoa học mới hỗ trợ đắc lực cho nghiên cứu, ứng dụng trong các hoạt động của ngành TDTT.

Công tác phòng, chống và kiểm tra Doping cho các VĐV, HLV Thể thao đã được triển khai kịp thời tới các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia và các cơ sở đào tạo của các địa phương. Tại ABG5 đã lấy 324 mẫu kiểm tra Doping cho VĐV và chuyển xét nghiệm tại Thái Lan; 17 mẫu ngoài theo yêu cầu tổ chức phòng chống Doping Đông Nam Á (SEARADO), 11 mẫu của đoàn Thể  thao Việt Nam trước khi tham dự Olympic.

Đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát triển các tổ chức xã hội về TDTT, tăng cường hợp tác quốc tế

Hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT được kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động. Các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao ở Trung ương cũng đã được kiện toàn về tổ chức, bộ máy và mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động nhằm thích ứng với cơ chế mới. Đến nay, có 02 tổ chức xã hội về TDTT (Uỷ ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội Paralympic Việt Nam) và 26 tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT là các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao cấp quốc gia của từng môn hoặc một nhóm môn Thể thao: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền, Liên đoàn Điền kinh, Liên đoàn Thể dục... Bộ VHTTDL đã xây dựng Đề án chuyển giao một số hoạt động tác nghiệp về TDTT cho các tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp.

Trong thời gian qua, ngành TDTT đã tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách lớn về TDTT, cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 chiến lược, 2 quy hoạch, 4 đề án phát triển ngành. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về TDTT, trình Chính phủ: Ban hành 01 Nghị quyết, 4 Nghị định về công tác TDTT; 5 Quyết định phê duyệt quy hoạch lĩnh vực TDTT; 4 quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT và các chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên TDTT; 3 Quyết định phê duyệt Đề án (Phụ lục 02). Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền và liên tịch ban hành 51 thông tư quản lý và chương trình phối hợp hoạt động TDTT, trong đó có 06 thông tư liên tịch, 37 Thông tư quy định về hoạt động chuyên môn, 08 Chương trình phối hợp liên ngành.

Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, ngành TDTT đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, đề án phát triển ngành; hệ thống các văn bản quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực TDTT đã được ban hành khá đầy đủ, bao quát hầu hết các vấn đề liên quan đến hoạt động TDTT, giúp cho việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức các hoạt động TDTT ngày càng được chặt chẽ và có hiệu quả, đồng thời tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành trong những năm qua và những năm tiếp theo.

Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế về TDTT ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng, Nhà nước. Thể thao Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ủy ban Olympic Việt Nam là thành viên chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Ngoài ra Việt Nam còn là thành viên chính thức của 64 tổ chức Thể thao quốc tế và có trên 30 cán bộ Thể thao là thành viên của các tổ chức Thể thao quốc tế.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã ký kết nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo VĐV, HLV, đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, y học, trao đổi chuyên gia, huấn luyện viên với các quốc gia có nền thể thao phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga, Hungary, Nhật Bản …

Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, đã tranh thủ được sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của các tổ chức thể thao quốc tế lớn, như: Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA), Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và từ các quốc gia có nền thể thao tiên tiến trên thế giới, chủ yếu bằng các hình thức hỗ trợ kinh phí trực tiếp, hỗ trợ trang thiết bị, mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ quản lý, hỗ trợ chuyên gia và hỗ trợ tập huấn, thi đấu dài hạn, ngắn hạn tại nước ngoài. Hợp tác quốc tế về TDTT ở các địa phương cũng được tăng cường. Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai các hoạt động như: trao đổi đoàn, tổ chức các giải thi đấu thể thao… điều này góp phần không nhỏ vào phát triển sự nghiệp TDTT của cả nước

Với những thành tựu đạt được kể từ khi triển khai và thực hiện Nghị quyết 08NQ/TW đến nay, bước vào gian đoạn tới từ năm 2017 - 2020 ngành TDTT đẩy mạnh, chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Cụ thể như, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào hoạt động TDTT. Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nghông lực ở trong và ngoài nước đầu tư vào khoa học và công nghệ TDTT. Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, y học TDTT cho các cơ sở y học TDTT và các cơ sở khác, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, kiểm tra y học, đánh giá thể chất, phòng ngừa, chữa trị, hồi phục chấn thương, nhất là đối với Thể thao thành tích cao.

Theo đó, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với các tổ chức Thể thao quốc tế, với các quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang có quan hệ hợp tác truyền thống về TDTT, chú trọng hợp tác đào tạo VĐV thể thao thành tích cao một cách bài bản ở nước ngoài.

N. H

 

Ảnh trong bài
  • Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW: hiệu quả từ áp dụng khoa học công nghệ và hiệu lực quản lý các tổ chức xã hội, hợp tác quốc tế