You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Long An: đi lên nhờ xã hội hóa

Trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế, xã hội của Long An không ngừng phát triển. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể dục thể thao của người dân cũng ngày một tăng cao, nhất là tại các trung tâm huyện lỵ, thị trấn, thành phố (nơi tập trung đông dân cư), trong khi đó các điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là sân bãi tập luyện còn thiếu, và lạc hậu. Bên cạnh đó, hàng năm, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho TDTT rất hạn hẹp; phong trào TDTT phát triển không đồng đều giữa các phường, xã, vùng, miền còn chênh lệch... dẫn đến khó khăn cho việc duy trì và phát triển các phong trào TDTT của tỉnh. Trước thực trạng đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa là giải pháp hữu hiệu được ngành VHTTDL Long An đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng thêm nguồn lực phục vụ cho các hoạt động TDTT.

Bóng đá là môn nhận được sự đầu tư lên tới vài trăm tỷ đồng từ doanh nghiệp Đồng Tâm Long An(Ảnh: TD )
Sự đồng thuận về chủ trương

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT (Nghị quyết số 05/NQ-CP, Chỉ thị 17-CT/TW, Nghị định 73/NĐ-CP), trong nhiều năm qua (từ 2005 đến nay) UBND tỉnh đã ban hành những chính sách, hành động cụ thể nhằm thực thi hiệu quả việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh văn hóa, y tế, giáo dục và thể dục thể thao. Trong đó, Long An đã chủ động dành quỹ đất, đầu tư xây dựng nhà thi đấu, sân bóng...; đồng thời đầu tư san lấp mặt bằng, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuê, đầu tư xây dựng sân bãi thi đấu TDTT.

Với những chính sách ưu đãi, cơ chế hợp lý Long An đã thu hút được nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các điểm luyện tập và thi đấu TDTT với hàng chục sân bóng đá, sân cầu lông, sân quần vợt... từng bước đáp ứng nhu cầu luyện tập và thi đấu TDTT của người dân. Bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, để có thêm nguồn lực cho các hoạt động TDTT, hàng năm ngoài việc tổ chức các giải thi đấu thể thao của tỉnh, Long An còn xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức các giải thi đấu quốc gia.Với cách làm bài bản trong khâu tổ chức và thi đấu, đã thu hút được ngày càng nhiều các doanh nghiệp đăng ký tài trợ, đồng hành cùng với các giải đấu và sự nghiệp phát triển của TDTT của tỉnh.

Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất

Công tác xã hội hóa đã góp phần đáng kể vào sự phát triển hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh. Cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT ở Long An đã không ngừng phát triển theo nhu cầu, sở thích tập luyện TDTT của người dân ở các địa phương mà nhiều điểm tập, nhiều CLB thể thao tư nhân, CLB xã, phường, trường học, cơ quan được hình thành từ thành thị đến tận vùng nông thôn - tạo diện mạo mới cho người dân lao động có sân thể thao sinh hoạt và hưởng thụ. Theo thông kê của ngành VHTTDL Long An, hiện toàn tỉnh có trên 500 nhà thi đấu, sân bóng chuyền. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở luôn được quan tâm, đầu tư. gần 300 nhà tập luyện có mái che, khoảng một nghìn sân bóng đá, gần 300 sân cầu lông.

Với sự gia tăng về cơ sở vật chất đã đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Trong đó, đặc biệt là loại hình Câu lạc bộ TDTT, điểm tập, nhóm tập… Hiện toàn tỉnh 850 Câu lạc bộ TDTT đa môn, đơn môn (tăng 450 CLB so với năm 2006). Hàng năm, số lượng các các CLB TDTT của tỉnh tiếp tục được mở rộng, quy tụ hơn 130.000 người tham gia sinh hoạt thường xuyên đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân. Trong số 850 CLB TDTT có nhiều CLB như: Dưỡng sinh, Thể dục thẩm mỹ, Cầu lông, Quần vợt, Võ thuật... do các tổ chức, cá nhân tự bỏ tiền ra thành lập và hoạt động rất có hiệu quả. Các CLB này tập trung ở các huyện thị và các cơ quan, ban, ngành, nhất là ở Thành phố Tân An và các huyện Bến Lức, Đức Hoà, Châu Thành, Cần Đước, Thủ Thừa… Tại tỉnh đã hình thành được các Liên đoàn: Võ thuật, Quần vợt, Cầu lông, Bóng đá... Các tổ chức, Liên đoàn trên đã xây dựng kế hoạch hoạt động, trong đó có việc vận động các nguồn kinh phí và tìm được nguồn tài trợ cho việc tổ chức các giải phong trào hàng năm.

Đầu tư cho các môn thể thao

Kể từ những năm đầu của thế kỷ 21, Long An được biết đến là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về xã hội hóa các môn thể thao thành tích cao. Trong đó, đứng đầu là môn Bóng đá. Kể từ năm 2002, đội tuyển Bóng đá Long An được Công Ty TNHH thể thao Đồng Tâm tiếp nhận quản lý và chi toàn bộ kinh phí cho họat động của đội với số tiền hàng năm khoảng 15 tỷ đồng và gần đây là 30 tỷ đồng/năm. Tính đến nay, sau 15 năm, tổng số tiền mà đơn vị này tài trợ cho Bóng đá ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, nếu như không có sự chung tay đồng hành của doanh nghiệp, chắc chắn không thể giúp cho Bóng đá Long An có cơ hội phát triển và trở thành tên tuổi có thế lực trong làng túc cầu.

Bóng đá Long An đã từng bước trưởng thành lớn mạnh với nhiều thành tích đáng nể (giành chức Vô địch quốc gia, Siêu cúp quốc gia và tại các giải hạng Nhất, hạng Nhì quốc gia…). Đến nay sau 15 năm, Long An đã trở thành một trong những địa phương có thành tích bóng đá nằm trong tốp đầu của cả nước. Nói về sự thành công trong công tác xã hội hóa TDTT nói chung, môn Bóng đá nói riêng, ông Phạm Văn Trấn, giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Long An đã cho biết: “Qua gần 15 năm hoạt động, ngoài những thành tích, những thứ hạng đạt được trong bóng đá đỉnh cao, CLB ĐTLA đã thực sự trở thành một đội bóng được nhiều người yêu mến không chỉ trong phạm vi của tỉnh, của khu vực mà còn trong cả nước. Chứng tỏ chủ trương XHH của đảng và nhà nước là một chủ trương rất đúng đắn”.

Cùng với Bóng đá, hai đội Bóng chuyền (nam, nữ) Long An cũng nhận được sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Cụ thể, đội Bóng chuyền nữ Long An được Công ty Dệt Long an tiếp nhận quản lý và chi toàn bộ hoạt động của đội từ năm 1990 đến tháng 8/2004, đến tháng 9/2004 Công ty Phân bón Bình Điền hợp đồng tiếp nhận và chi toàn bộ hoạt động của đội với kinh phí hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng; đội bóng chuyền nam Long An được Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Xây Dựng Hoàng Long tiếp nhận quản lý và chi toàn bộ kinh phí cho đội từ tháng 10/2004 với kinh phí hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng)... Trong suốt những năm qua, các đội Bóng chuyền nam, nữ của Long An cũng đã ghi danh trở thành những đội bóng mạnh nhất trong làng Bóng chuyền Việt Nam.

Không chỉ có Bóng đá, Bóng chuyền mà còn rất nhiều môn thể thao thành tích cao khác như:bơi, lặn, điền kinh, vật, cờ vua, bóng bàn, boxing cũng nhận được sự chung tay của các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí tổ chức các giải đấu, tài trợ trang phục thi đấu,… Ước tính số tiền thu được xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT trong năm 2016 là trên 60 tỉ đồng.

Năm 2016, Long An đạt trên 30% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, 21,4% số gia đình TDTT. Không chỉ phát triển các phong trào TDTT quần chúng, ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao cũng gặt hái rất nhiều thành tích nổi bật. Trong năm, lực lượng VĐV năng khiếu, trẻ, tuyển của tỉnh tham dự 40 giải quốc tế, quốc gia, khu vực, giải mở rộng và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc; giành tổng cộng 470 huy chương, trong đó, 150 huy chương vàng, 160 huy chương bạc và 160 huy chương đồng. Với thành tích này, năm 2016 được đánh giá là năm bội thu của thể thao Long An.

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Long An: đi lên nhờ xã hội hóa