|
Giờ thể dục ngoại khóa của học sinh trường PTTH Văn Giang (Ảnh: Y. Nhi) |
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, điều kiện kinh tế xã hội của Văn Giang có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau khi tỉnh Hưng Yên được tách ra từ Hải Hưng. Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, do vậy nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao cũng theo đó phát triển.
Nhiều năm qua, với chủ trương, tổ chức hoạt động TDTT hướng về cơ sở, lấy địa bàn dân cư là trung tâm; thành lập các câu lạc bộ (CLB) thể thao theo sở thích… đã tạo được sự hưởng ứng tích cực của người dân, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT ngày càng được thực hiện hiệu quả. Với phương châm mỗi người dân tự lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực, các môn như: cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng chuyền hơi… đã tạo thành phong trào rộng khắp. Qua đó, đưa phong trào TDTT quần chúng của huyện ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập.
Ông Lê Ngọc Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Du lịch huyện cho biết: trong những năm qua, phong trào TDTT của huyện có những bước phát triển mạnh mẽ, số người tập luyện TDTT thường xuyên năm sau cao hơn năm trước. Để phong trào TDTT của huyện phát triển đồng bộ và rộng khắp ngoài việc đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, hàng năm ngành VHTT huyện tổ chức từ 7-12 giải thi đấu thể thao ở nhiều môn, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia. Đặc biệt, do nguồn kinh phí dành cho TDTT còn ở mức thấp, nên chúng tôi đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT nhằm huy động các nguồn lực xã hội để dần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động luyện tập, thi đấu. Tại các xã, trong đề án xây dựng nông thôn mới đều chú trọng đến việc dành quỹ đất cho hoạt động TDTT.
Đây cũng là một trong những chủ trương được triển khai thực hiện ngay sau khi tái lập tỉnh (nghị quyết số 06/ NQ-TU ngày 15/7/1997 về quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT giai đoạn 1997-2000). Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng cho hoạt động TDTT. Nghị quyết quy định rõ cấp uỷ, chính quyền các địa phương, ngành quan tâm tạo điều kiện quy hoạch mặt bằng các công trình hoạt động TDTT ở cấp mình, thống nhất dành diện tích đất cho hoạt động TDTT bảo đảm tiêu chuẩn: Mỗi thôn: giành 02- 03 ha đất cho hoạt động TDTT. Mỗi xã, (phường, thị trấn) giành 05- 06 ha đất cho hoạt động TDTT và Mỗi huyện ( thị xã): giành 2- 3 ha đất làm mặt bằng sân vận động.
Theo đó, đến nay hầu hết các địa phương, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện đã có các sân cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền… cho cán bộ và nhân dân luyện tập. 100% trường học đều có sân chơi, bãi tập TDTT để học sinh rèn luyện thể chất trong nhà trường. Phong trào TDTT trong các trường từ phổ thông trung học đến tiểu học và mầm non được duy trì đều đặn và theo đúng quy định của Bộ Giáo Dục và Đào tạo. Tại các kỳ Đại hội TDTT cấp cơ sở, Hội khỏe Phù Đổng, Văn Giang luôn là một trong những đơn vị đứng trong top đầu. Cùng với đó, mỗi năm, nhân dân các xã, thị trấn đã đóng góp hàng chục triệu đồng cho các giải thi đấu do địa phương tổ chức. Đặc biệt, tại giải Điền kinh tỉnh, huyện xếp thứ nhất...
Điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện chính là sự hình thành và phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng của các CLB thể dục thể thao. Các CLB thành lập trên tinh thần tự nguyện, tự chủ về nguồn tài chính, vừa góp phần thu hút người dân tham gia luyện tập, gây dựng phong trào TDTT ở cơ sở, vừa huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân trong việc phát triển hoạt động TDTT.
Các mô hình câu lạc bộ TDTT, câu lạc bộ Văn hoá - Thể thao, Trung tâm Văn hoá - Thể thao, Nhà Văn hoá - Thể thao, Cụm Văn hoá – Thể thao, các điểm vui chơi của trẻ em được thành lập ở thôn, xóm và trong các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đã tạo thành một hệ thống các thiết chế thể thao gắn với văn hoá hoạt động có hiệu quả, đã tạo điều kiện cho phong trào tập luyện TDTT của người dân có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ước tính trên toàn huyện có khoảng 70 CLB, nhóm sở thích hoạt động các môn thể thao. Các CLB TDTT đơn môn, đa môn hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Trong đó, điển hình như CLB bóng chuyền hơi của người cao tuổi thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang. CLB được thành lập từ năm 2012, ban đầu chỉ có vài người tham gia, nhưng đến nay, CLB đã có 55 thành viên, với độ tuổi từ 50-70 tuổi. CLB duy trì tập luyện đều đặn các ngày trong tuần...
Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT được thực hiện tốt là một trong những nhân tố có tác động khích lệ phong trào TDTT trên địa bàn huyện phát triển. Hiện, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao đạt 29%; số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao là 26 %. Các bộ môn thể dục thể thao đơn giản, dễ luyện tập như: bóng chuyền, bóng đá thanh thiếu niên, bóng bàn, cầu lông... được nhiều người dân tham gia luyện tập thường xuyên.
Để thúc đẩy sự phát triển của phong trào, huyện đã tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Phòng Giáo dục – Đào tạo… mỗi năm tổ chức hàng chục giải thi đấu phong trào, thu hút nhiều công nhân viên chức lao động và quần chúng nhân dân tham gia. Thêm vào đó, việc tổ chức và duy trì hệ thống các giải thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp huyện khá đều đặn cũng là động lực khiến người dân hăng say luyện tập.
Trong năm 2016, nhiều hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở các xã, thị trấn được tổ chức để mừng Đảng, mừng xuân, mừng các ngày lễ lớn của dân tộc. Đồng thời, huyện cũng thường xuyên động viên các CLB tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu… để tạo hạt nhân cho phong trào ở cấp cơ sở. Sự phát triển đồng bộ của phong trào TDTT quần chúng từ cấp cơ sở đến cấp huyện, từ các cá nhân đến các đoàn thể đã tạo đà để đưa phong trào TDTT quần chúng của huyện đi lên. Hàng năm, các đội tuyển thể thao của huyện đều tham gia các giải thể thao do tỉnh tổ chức và giành thành tích cao.
Để phong trào TDTT của huyện tiếp tục có những bước phát triển mới, trong thời gian tới, ngành thể thao huyện tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại”; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của việc tập luyện TDTT thường xuyên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm tranh thủ sự đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân để đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bãi, nhà tập luyện, mua sắm trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT.
VD