You must configure this module first via "Module Settings"

Hiệu ứng tích cực nhờ Xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao tại Hưng Yên

Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho Thể dục thể thao còn hạn hẹp, nhưng với sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, thể thao Hưng Yên không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng. Kết quả này không chỉ góp phần đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại mà còn góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 05/2005/NQ - CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao.

Sân cỏ nhân tạo được xây dựng ở khắp các huyện, thành phố Hưng Yên đã góp phần tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn thể thao Vua, nhất là lực lượng thanh, thiếu niên (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Khi mới tái lập tỉnh, Hưng Yên là một trong những địa phương có phong trào TDTT chưa phát triển, hệ thống cơ sở vật chất dành cho thể dục thể thao còn nghèo nàn, lạc hậu. Ngay cả ở cấp tỉnh, những công trình cơ bản như sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu… vẫn chưa có. Chính vì vậy, ở hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh, việc tìm sân chơi, bãi tập là điều rất khó khăn, nhất là những khu đông dân cư. Trước thực trạng đó, ngành VHTTDL tỉnh xác định, đẩy mạnh xã hội hóa là con đường tất yếu để thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương. Một loạt các giải pháp được thực thi và đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vài năm trở lại đây, cùng với sự đầu tư kinh phí của nhà nước và sự chung tay, sát cánh của các doanh nghiệp, cá nhân, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân đã, đang và từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện.

Giờ đây, đến với Hưng Yên,điều mà ai ai cũng nhận thấy đó là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT của tỉnh mang một diện mạo mới với đầy đủ các công trình TDTT. Theo thống kê của ngành VHTTDL tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 08 nhà tập luyện thể dục, thể thao; 08 sân vận động không khán đài và 05 sân bóng đá cấp huyện; 66 sân vận động, 10 nhà tập luyện và thi đấu thể thao, 115 sân thể thao đơn giản cấp xã, phường, thị trấn; 576 sân tập luyện thể dục thể thao đơn giản, 169 phòng tập luyện thể dục thể thao cấp thôn, làng, khu phố.

Đặc biệt,  Hưng Yên đang triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh với quy mô sân vận động trung tâm có sức chứa 30.000 chỗ ngồi, nhà thi đấu đa năng 3.000 chỗ ngồi, cung thể thao dưới nước, khu luyện tập thi đấu thể dục thể thao và các hạng mục phụ trợ khác. Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động là địa điểm để VĐV các đội tuyển của tỉnh luyện tập và thi đấu các giải trong nước và Quốc tế. Đây cũng là một trong những điều kiện qua trọng để Hưng Yên phát triển Thể thao thành tích cao và đăng cai các giải đấu thể thao quốc gia và quốc tế.

Ngoài ra, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng đã và đang hoạt động hiệu quả, có 486/776 thôn, làng có nhà văn hóa riêng biệt (chiếm 62,6%); 290/776 thôn, làng chưa có nhà văn hóa, phải sử dụng chung với các thiết chế văn hóa khác (chiếm 37,4%). Đây cũng chính là điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao hiệu quả đời sống tinh thần cho nhân dân ở các địa phương trong tỉnh.

Nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay

Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, công tác xã hội hoá lĩnh vực TDTT phát triển mạnh và thu được những kết quả tích cực. Nhiều tập thể, cá nhân đã đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình thể thao phục vụ nhu cầu thi đấu, luyện tập của nhân dân. Trong đó, hệ thống sân bóng đá cỏ nhân tạo mini được xây dựng ở hầu hết các huyện như Văn Lâm, Khoái Châu, Mỹ Hào ....và thành phố Hưng Yên. Trong đó phải kể đến một số đơn vị điển hình như: Trường Cao đẳng nghề kinh tế - kỹ thuật Tô Hiệu liên kết với Công ty TNHH Cường Thịnh đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng 2 sân bóng đá nhân tạo phục vụ các hoạt động TDTT của nhà trường và nhu cầu luyện tập, thi đấu thể thao của nhân dân. Công trình khu liên hợp thể thao phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên có tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng bao gồm sân bóng đá cỏ nhân tạo, phòng tập thể hình, thể lực, thể dục thẩm mỹ....

Công ty TNHH xây dựng Nhật Minh đầu tư trung tâm dịch vụ thể thao tại thị trấn Khoái Châu với diện tích 5000 m2 gồm 2 sân bóng đá nhân tạo và 2 bể bơi. Ngoài thành lập CLB cầu lông gồm 18 thành viên, Công ty TNHH thể thao Đoàn Hiên (xã Đồng Tiến) còn tích cực tài trợ cho các hoạt động TDTT của huyện. Bình quân mỗi năm, công ty tài trợ tiền mặt và dụng cụ TDTT cho các hoạt động TDTT với số tiền khoảng 60 triệu đồng. Gia đình ông Giang Nam Khương ở xã Đông Tảo đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng 3 sân cầu lông phục vụ nhân dân địa phương luyện tập và thi đấu…

Với sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân phong trào TDTT của tỉnh không ngừng phát triển, Hiện nay toàn tỉnh có  tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên chiếm 29% dân số và tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao chiếm 23%. Số trường đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nội khoá đạt 100%; số trường thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất ngoại khoá đạt 50% được duy trì từ năm 2015; số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 75%; Số cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khoẻ đạt 90%... Đây là những tín hiệu đáng mừng cho phong trào thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở.

Nhiều giải pháp được thực hiện

Các hoạt động TDTT ở Hưng Yên từng bước phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo ra một phong trào TDTT sôi nổi, liên tục, rộng khắp trên các địa bàn dân cư, với nhiều hình thức hoạt động TDTT phong phú và da dạng ở các cấp, các ngành như: Hội khoẻ Phù Đổng, hội thao, hội thi, các giải thể thao quần chúng được tổ chức hàng năm. Đặc biệt là việc chỉ đạo và tổ chức định kỳ đại hội TDTT các cấp từ cơ sở đến tỉnh đã thu hút hàng vạn người tham gia tập luyện và thi đấu.

Có được những kết quả trên trước hết là do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng kế hoạch liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh để tổ chức các giải và phát động phong trào TDTT theo từng đối tượng, môn thể thao theo sở thích. Trong đó, các giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa thể thao như:  chính quyền các cấp đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc rèn luyện, vui chơi thi đấu của người dân. Điều kiện sân bãi ở nhiều địa phương được đầu tư nâng cấp, nhiều công trình phục vụ cho hoạt động TDTT được xây dựng mới, hiện đại như sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo, sân quần vợt, nhà luyện tập môn cầu lông…

Cùng với đó, nhiều dụng cụ phục vụ cho việc luyện tập và thi đấu thể thao được đầu tư trang bị mới góp phần làm phong phú thêm không gian luyện tập thể thao cho mọi đối tượng người dân. Các giải thể thao cấp huyện, các giải bóng đá, bóng chuyền liên xã, liên thôn cũng được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức thi đấu, tập luyện phong phú, đa dạng.
 
Có thể thấy, việc quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp cũng như sự tham gia tích chực của các tổ chức, cá nhân cho công tác xã hội hoá hoạt động động TDTT đá góp phần thúc đẩy phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh, trong đó điểm nhấn là việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hỗ vĩ đại" luôn được thường xuyên, liên tục, thu hút ngày càng đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT thông qua việc  mời gọi, đẩy mạnh vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, đóng góp kinh phí xây dựng nhà tập, sân tập thể thao tại các khu dân cơ, cơ quan, đơn vị. Mặt khác, ngành VHTTDL tỉnh sẽ tham mưu, để có những chính sách phù hợp để kêu các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào TDTT như: ưu đãi hỗ trợ về vốn, cho thuê đất, mặt bằng để xây dựg các cơ sở dịch vụ TDTT.

VD

Ảnh trong bài
  • Hiệu ứng tích cực nhờ Xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao tại Hưng Yên