You must configure this module first via "Module Settings"

Bộ VHTTDL sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị

Có thể nói, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục Thể thao đến năm 2020 Công tác Thể dục Thể thao của cả nước đã tạo được những dấu ấn và kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là nhận thức về vị trí, vai trò của Thể dục Thể thao (TDTT), đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp Thể dục Thể thao được nâng lên.

Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước, thể chế hóa, ban hành và tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, các cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp TDTT có nhiều tiến bộ; phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng, các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng đều được hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra; thành tích thi đấu tại các kỳ Đại hội TDTT và giải Thể thao khu vực, châu lục và thế giới tiếp tục được nâng lên. Tiêu biểu là lần đầu tiên Thể thao Việt Nam có Huy chương Vàng tại Olympic và Paralympic. Hợp tác quốc tế về TDTT được mở rộng và đi vào chiều sâu, huy động được nhiều nguồn lực của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Cụ thể, hàng năm tổ chức các giải Thể thao, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và động lực trong công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã được nâng lên rõ rệt, có tác động lan tỏa tới các ngành đoàn thể và toàn xã hội về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển TDTT, phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân.

Hoạt động Thể dục Thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trên cả nước
(Ảnh: N.H)
Kết quả cho thấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Tổng cục TDTT triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động Thể thao trường học. Nghị quyết 08-NQ/TW được đưa thành nội dung sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho sinh viên, VĐV, huấn luyện viên và cán bộ Đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng Thể dục Thể thao, các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học đã có những chuyển biến, dần đi vào nề nếp. Số trường đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa năm 2016 đạt trên 95%, số trường thường xuyên tổ chức hoạt động Thể dục Thể thao ngoại khóa đạt trên 75%, số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể là 64%. Giờ học Thể dục chính khóa trong nhà trường được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Số tiết học thể dục chính khóa (đối với bậc phổ thông) 2 tiết/tuần. Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện Thể dục Thể thao của học sinh, sinh viên ngày càng đa dạng, phong phú.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên TDTT ở các trường học được đào tạo chính quy đã từng bước đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao trường học các cấp đã bước đầu được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Hệ thống các Câu lạc bộ TDTT trường học có tổ chức, có người hướng dẫn ngày càng được phát triển, hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên được quan tâm.

Cùng với đó, phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi trong các đối tượng trên địa bàn cả nước, thể hiện sự gia tăng về số lượng người tập TDTT thường xuyên, tính đến hết năm 2016 đạt 21,2% sau 11 năm tăng 9,92% (từ năm 2005) sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện, các câu lạc bộ TDTT và chất lượng của các hoạt động TDTT. Cuộc vận động " Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được triển khai rộng khắp trong những năm qua đã phát huy hiệu quả thực tiễn và là động lực thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động Thể thao giải trí gắn kết với hoạt động du lịch được tạo điều kiện phát triển ở nhiều địa phương; công tác được đâu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động Thể thao quần chúng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay có 29.402 sân Thể thao phổ thông, 1.311 phòng tập hoặc nhà tập, 600 bể hơi, 37.760 sân tập từng môn được đưa vào sử dụng trực tiếp phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu Thể thao của nhân dân. Có 54.391/118.034 thôn có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, đạt tỷ lệ khoảng 46%, 4.032/11/161 xã, phường, thị trấn có mô hình Trung tâm văn hóa- Thể thao cấp xã; 700 xã đạt chuẩn 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Phong trào TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có bước phát triển dù còn gặp nhiều khó khăn về thời gian, cơ sở vật chất, sân bãi cho hoạt động TDTT. Hoạt động TDTT trong lực lượng thanh thiếu niên tiếp tục được đẩy mạnh, ngành TDTT đã phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ký chương trình phối hợp đẩ mạnh hoạt động TDTT trong thanh thiếu niên và phát động nhiều phong trào như: "Khỏe để lập nghiệp và giữ nước", tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tại các Cung thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Trung tâm văn hóa - thể thao các tỉnh, thành phố, quận huyện, thị xã... đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng tham gia.

Hoạt động TDTT trong đối tượng người cao tuổi được phát triển rộng khắp cả nước, đặc biệt là ở thành phố, thị xã, thị trấn. Việc tập luyện TDTT đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với người cao tuổi, góp phần nâng cao sức khỏe, tuổi thọ, cũng từng bước góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Ước tính phong trào rèn luyện TDTT đã thu hút từ 15 - 20% người cao tuổi ở nông thôn và trên 60% người cao tuổi ở thành phố, thị xã tham gia tập luyện TDTT thường xuyên.

Hoạt động Thể thao người khuyết tật được quan tâm, ngày càng phát triển, góp phần động viên, cổ vũ, tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia tập luyện TDTT, hòa nhập với cộng đồng. Hiện có 45/63 tỉnh, thành phố duy trì thường xuyên hoạt động TDTT cho người khuyết tật.

Trong những năm qua, việc quy hoạch đất dành cho TDTT được các địa phương đặc biệt quan tâm, một số tỉnh/thành đạt và tăng cao so với chỉ tiêu bình quân đất dành cho TDTT đảm bảo tối thiểu 2 - 3m2/người dân theo chương trình phát triển TDTT ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Tính đến nay có khoảng trên 70% xã đã dành đất cho TDTT, trong đó có khoảng 30% xã có sân bóng, hồ bơi, nhà tập.

Công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT quần chúng ở cơ sở: cấp ủy, chính quyền và đoàn thể ở địa phương đã làm tốt vai trò chỉ đạo việc huy động sức dân để có thể khai thác triệt để sự đóng góp về vật chất và tinh thần của nhân dân, của các tổ chức xã hội, đồng thời tránh việc huy động tràn lan, không phù hợp với điều kiện kinh tế. Nhiều địa phương đã duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực TDTT như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn vận động viên, tổ chức các hoạt động TDTT... Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào từ các xã, phường, thị trấn, đến làng, bản, thôn, ấp, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Song song với các hoạt động Thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, trong những năm qua Thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực, thành tích ở một số môn Thể thao Olympic được nâng cao. Tại Olympic London 2012, số lượng vận động viên và số môn Thể thao đạt chuẩn tham dự Olympic tăng gấp đôi so với các kỳ Olympic trước. Đến Olympic Rio 2016 con số vận động viên đạt chuẩn đã tăng lên ....

Kết quả thi đấu của các môn Thể thao trọng điểm, có thế mạnh tại các kỳ Đại hội Thể thao và các giải Thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, liên tục xếp hạng trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games, một số VĐV ở các môn thể thao Olympic như: Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bơi lội, Cử tạ, Cầu lông... đạt trình độ hàng đầu chấu Á và thế giới. Đặc biệt, tại Olympic lần thứ 31 năm 2016, Thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành 1 HCV, 1 HCB và 1 HCV, 1 HCB tại Paralympic 2016. Trong Giai đoạn 2006 -2010, Thể thao Việt Nam giành được 2.844 huy chương (trong đó 1163 HCV, 870 HCB, 811 HCĐ) tại các đấu trường quốc tế, đến giai đoạn 2011 - 2015 giành được 4.235 huy chương (1644 HCV, 1359 HCB, 1232 HCĐ), tỷ lệ này đã tăng 32,8 so với giai đoạn 2006 - 2010.

Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, vận động viên trẻ có nhiều đổi mới. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tập huấn vận động viên Thể thao và tổ chức thi đấu tiếp tục được đầu tư, nâng cao và mở rộng. Các trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, thường xuyên phục vụ một lượng khoảng trên 2000 vận động viên đội tuyển quốc gia. Một số môn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Tennis, Golf... đang từng bước chuyển sang hoạt động theo hình thức Thể thao chuyên nghiệp.

Công tác giáo dục văn hóa, đạo đức nghề nghiệp vận động viên và cán bộ TDTT được quan tâm. Việc học tập văn hóa của các vận động viên tập huấn tại các cơ sở đào tạo vận động viên, nhất là tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia được đảm bảo; chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên (chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền lương, bảo hiểm, khen thưởng...) được thực hiện đúng quy định của nhà nước và từng bước được nâng cao phù hợp với thực tiễn. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ cho các cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài thể thao được chú trọng.

Hệ thống thi đấu Thể thao thành tích cao ngày càng được hoàn thiện và ổn định, các giải vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia ở từng môn Thể thao, các giải vô địch của tỉnh/thành. Ngoài ra, các Liên đoàn , Hiệp hội Thể thao quốc gia, các doanh nghiệp phối hợp tổ chức nhiều giải thể thao trong nước và quốc tế khác. Hàng năm, ngành Thể dục Thể thao tổ chức khoảng 200 giải thể thao cấp quốc gia, trên 800 giải Thể thao cấp tỉnh và khoảng 20 giải Thể thao quốc tế tại Việt Nam. Công tác phòng, chống các hành vi tiêu cực trong hoạt động Thể dục Thể thao được triển khai thường xuyên, liên tục với nhiều biện pháp quyết liệt. Các hành vi tiêu cực trong hoạt động TDTT từng bước được ngăn chặn triệt tiêu, đến nay hầu như chỉ còn xuất hiện trong hoạt động thi đấu Bóng đá.  

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết tuy đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo công tác TDTT, chưa tạo được sự đồng thuận về mặt nhận thức cũng như trong phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức ở địa phương trong lĩnh vực này. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW chưa cao, sức lan tỏa chưa sâu rộng. Không ít cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức việc tuyên truyền Nghị quyết. Phong trào Thể dục Thể thao tuy có bước phát triển rõ nét nhưng chưa đều, các chính sách phát triển TDTT quần chúng còn chưa đồng bộ...

N. H 

Ảnh trong bài
  • Bộ VHTTDL sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị