You must configure this module first via "Module Settings"

Điện Biên thông qua Quy hoạch phát triển Thể dục Thể thao tỉnh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030

Nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-UBND về việc ban hành Quy hoạch phát triển Thể dục Thể thao tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Quy hoạch được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo các hoạt động thể dục thể thao, bảo đảm sự phát triển vững chắc, khắc phục tình trạng phân tán, lãng phí nguồn lực; góp phần thực hiện chiến lược con người, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới.

Bắn nỏ, môn thể thao dân tộc được tổ chức thường xuyên ở Điện Biên (Ảnh: V.Dũng)
Trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ có hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, sự nghiệp thể dục thể thao của tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Hoạt động thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân; đã tổ chức được nhiều hoạt động thể dục thể thao với nội dung phong phú, hình thức phù hợp, trung bình mỗi năm tổ chức được trên 400 giải thi đấu thể thao, với trên 350 câu lạc bộ thể dục thể thao đang hoạt động; các hoạt động thể dục thể thao quần chúng đã thu hút trên 135.200 người tham gia luyện tập thường xuyên chiếm khoảng 24,7% dân số toàn tỉnh.

Thể thao thành tích cao đã tuyển chọn và thành lập được 14 đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh để tham gia thi đấu ở các môn thể thao thế mạnh như: cầu lông, điền kinh, karatedo... các đội tuyển này trong năm 2016 đã giành được 51 Huy chương các loại, trong đó có 11 Huy chương vàng, 16 Huy chương bạc và 24 Huy chương đồng. Tuy nhiên hoạt động thể dục thể thao của tỉnh phát triển chưa toàn diện, chưa có tính định hướng lâu dài cả hoạt động phong trào và thành tích cao; do đó cần thiết phải xây dựng và ban hành quy hoạch phát triển thể dục thể thao làm cơ sở định hướng cho hoạt động thể dục thể thao của tỉnh phát triển góp phần nâng cao thể chất cho đông đảo nhân dân trên địa bàn và phát triển thể thao thành tích cao.

Theo đó, về Thể dục thể thao quần chúng vào giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 28-30%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 16-19%; số câu lạc bộ, tụ điểm, nhóm tập luyện thể dục thể thao cơ sở đạt 400 câu lạc bộ. Từ năm 2021-2025 đặt tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 30-35%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 19-23%; số câu lạc bộ, tụ điểm, nhóm tập luyện thể dục thể thao cơ sở đạt 450-500 câu lạc bộ. Định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đưa ra tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 35-38%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 23-26%; số câu lạc bộ, tụ điểm, nhóm tập luyện thể dục thể thao cơ sở đạt 550-700 câu lạc bộ.

Về Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường sẽ có 100% số trường có giáo viên chuyên trách về thể dục thể thao và đạt chuẩn giáo dục thể chất nội khóa. Đối với thể thao trong lực lượng vũ trang, đến năm 2020 tỷ lệ cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt 85,5%; từ năm 2021-2025 đạt 87,75% và định hướng đến năm 2030 đạt 90%.

Về thể thao thành tích cao đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2020 số lượng huy chương giành được trong các cuộc thi đấu toàn quốc đạt 25-34 huy chương/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt 34-47 huy chương/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 47-64 huy chương/năm. Theo đó giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đưa thể dục thể thao tỉnh Điện Biên xếp hạng từ thứ 8 - 10/19 tỉnh miền núi phía Bắc. Phấn đấu có 2 - 6 huy chương vàng tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao, UBND tỉnh Điện Biên đặt Quy hoạch về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao các cấp. Theo đó ở cấp tỉnh, đến năm 2030 đảm bảo có đầy đủ các công trình thể dục thể thao cấp tỉnh theo quy định, bao gồm: 01 sân vận động với khán đài có sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi; có 01 đến 02 sân tập luyện môn bóng đá và điền kinh; 01 nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp Quốc gia, với khán đài có sức chứa từ 1.500 đến 3.000 chỗ ngồi; có 01 đến 02 nhà tập; có 01 bể bơi ngoài trời hoặc trong nhà; có hệ thống sân tập ngoài trời đối với các môn như Tennis, bóng chuyền, bóng rổ…

Ở cấp huyện, đảm bảo có 3 công trình thể thao cơ bản: Sân vận động, nhà thi đấu và bể bơi. Cụ thể: Giai đoạn đến năm 2020, 03/10 huyện, thị xã, thành phố duy trì hoạt động của sân vận động có khán đài, 05/10 huyện, thị xã, thành phố có bể bơi; giai đoạn 2021-2025 có 07/10 huyện, thị xã, thành phố có sân vận động có khán đài, có 02/10 huyện, thị xã, thành phố có nhà thi đấu (1.000 chỗ ngồi), 07/10 huyện, thị xã, thành phố có bể bơi; giai đoạn 2026-2030 có 10/10 huyện, thị xã, thành phố có sân vận động có khán đài; có 04/10 huyện, thị xã, thành phố có nhà thi đấu (1.000 chỗ ngồi), 10/10 huyện, thị xã, thành phố có bể bơi. Đối với cấp xã, giai đoạn đến năm 2020, cơ sở vật chất thể dục thể thao theo quy định xây dựng nông thôn mới đạt 30%; giai đoạn 2021-2025 đạt 60%; giai đoạn 2026-2030 đạt 100%.

Về xây dựng hệ thống thiết chế thể dục thể thao, ở cấp tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020 thành lập Trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; giai đoạn 2021-2030 thành lập Trung tâm thi đấu thể dục thể thao và xây dựng Nhà văn hóa lao động. Duy trì hoạt động Nhà thiếu nhi tỉnh. Ở cấp huyện, đến năm 2020 có 03/10, năm 2030 có 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao; đến 2020 có 03/10, năm 2030 có 05/10 huyện, thị xã, thành phố có Nhà Thiếu nhi; đến 2020 có 01/10, năm 2030 có 03/10 huyện, thị xã, thành phố có Nhà Văn hóa lao động. Đối với cấp xã, đến năm 2020 có 65/130, năm 2030 có 130/130 xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Đến năm 2020 có 156, năm 2030 có 530 thôn, bản, tổ dân phố xây dựng Khu thể thao.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh Điện Biên đã đề 5 nhóm giải pháp thực hiện, gồm:

1.Giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thưc: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về phát triển thể dục thể thao đến với đông đảo các tầng lớp trên địa bàn tỉnh.

2. Đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác thể dục thể thao: Thực hiện cải cách hành chính gắn với việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh để kịp thời khắc phục các nhược điểm cũng như tồn tại hạn chế trong công tác quản lý.

3. Tăng cường cơ sở vật chất: Kêu gọi và thu hút các nguồn lực đầu tư hợp pháp vào lĩnh vực thể dục thể thao để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao phong trào và thể thao thành tích cao.

4. Cơ chế chính sách: Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư và thu hút các huấn luyện viên, vận động viên giỏi về công tác và thi đấu cho tỉnh qua đó thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.

5. Giải pháp nguồn nhân lực: Tiếp tục đào tạo nâng cao và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực thể dục thể thao của tỉnh để năng cao năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác trong giai đoạn tới. Tăng cường công tác tuyển chọn và phát hiện các vận động viên năng khiếu để kịp thời đào tạo trở thành các vận động viện thành tích cao.

KC

Ảnh trong bài
  • Điện Biên thông qua Quy hoạch phát triển Thể dục Thể thao tỉnh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030