Nở rộ phong trào
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, đời sống vật chất nâng lên, nhu cầu tập luyện TDTT của nông dân đã phát triển, trở thành phong trào rộng khắp. Một trong những điểm nổi bật của phong trào TDTT quần chúng ở Long An chính là phát triển phong trào TDTT quần chúng thông qua việc đa dạng về loại hình và mở rộng CLB TDTT. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở.
Đến với Long An, dù ở nông thôn hay thành thị, hình ảnh người dân với nhiều thành phần: nông dân, phụ nữ, cán bộ công nhân viên chức, người cao tuổi,.. tham gia tập luyện TDTT đã trở nên quen thuộc và phổ biến khắp nơi. Có được điều này là do nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của việc tập luyện TDTT đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. “Thể dục thể thao không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, mở rộng mối quan hệ và rất bổ ích” đó là chia sẻ của anh Đặng Thái Thông - thành viên CLB Cầu lông (xã Bình Tâm –Thành phố Tân An).
|
Giải Bóng đá Cúp Bia Sài Gòn - Long An 2016 (Ảnh: DT) |
Tùy theo lứa tuổi, sở thích, mỗi người dân đều tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày. Thanh niên thường chơi Bóng đá, Cầu lông, còn người cao tuổi lại thích Bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh… Ông Nguyễn Văn Trường – hội viên CLB Bóng chuyền hơi tỉnh Long An cho biết “Tôi rất mê Bóng chuyền hơi. Đây là môn thể thao đơn giản, dễ chơi, phù hợp với nhiều người, nhất là người cao tuổi. Tập luyện Bóng chuyền hơi ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao về sức khỏe, tạo không khí phấn khởi sau những giờ lao động vất vả nên thu hút được nhiều người tham gia.
Theo thống kê của ngành VHTTDL Long An, hiện toàn tỉnh có trên 850 Câu lạc bộ TDTT đa môn, đơn môn. Hàng năm, số lượng các các CLB TDTT của tỉnh tiếp tục được mở rộng, quy tụ hơn 130.000 người tham gia sinh hoạt thường xuyên đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân.
Bên cạnh loại hình này, trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn nhóm, đội thể thao khác. Đây là tín hiệu tích cực đối với phong trào TDTT. Do có tổ chức nên phong trào ở từng môn có tính định hướng. Đặc biệt, từ sự nở rộ ấy, chất lượng các môn thể thao quần chúng có chuyển biến tích cực. Chẳng hạn như những môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Quần vợt…, mỗi lần tổ chức giải cấp tỉnh đều thu hút số lượng lớn CLB thi đấu.
CLB TDTT là mô hình hoạt động tự nguyện, nơi tập hợp, quy tụ những người cùng chung sở thích tập luyện thể dục thể thao. Loại hình CLB TDTT ở Long An ngày càng đa dạng và có sức hút lớn đối với đông đảo nhân dân. Thông qua các CLB TDTT giúp người dân rèn luyện sức khỏe, giao lưu cùng nhau xây dựng đời sống lành mạnh ở các khu dân cư và thực hiện nếp sống văn minh, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới
Hướng về cơ sở
Long An là tỉnh hiện có hơn 500 nhà thi đấu, sân bóng chuyền. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở luôn được quan tâm, đầu tư. gần 300 nhà tập luyện có mái che, khoảng một nghìn sân bóng đá, gần 300 sân cầu lông. Với hệ thống cơ sở vật chất khá hoàn thiện và không ngừng được nâng cấp, tu bổ hàng năm, đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện TDTT. Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng không ngừng được duy trì, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tập TDTT dần trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo tầng lớp nhân dân. Từ nền tảng phong trào TDTT quần chúng đã giúp ngành thể thao tỉnh phát hiện nhiều VĐV tài năng, bổ sung cho các đội tuyển của tỉnh, quốc gia. Tuy vậy, còn không ít nơi, nhất là các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người còn thiếu sân chơi, bãi tập, dụng cụ tập luyện. Hiện toàn tỉnh có trên 30% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, 21,4% số gia đình TDTT.
Ông Phạm Văn Trấn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết: Phong trào tập luyện, thi đấu TDTT đã lan tỏa trên khắp các thôn bản, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học trong tỉnh. Chính vì vậy, số người tập luyện TDTT, số gia đình thể thao năm sau tăng cao hơn năm trước. Đời sống của nhân dân được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ tinh thần về văn hóa, thể thao cũng được nâng lên. Để duy trì và phát triển phong trào, trong thời gian tới, ngành thể thao tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động TDTT tại cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, dân tộc ít người, tạo điều kiện để đông đảo người dân được tham gia TDTT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho thể dục thể thao; Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt hoạt động TDTT. Tích cực tập huấn lực lượng HLV, cộng tác viên, trọng tài ở cơ sở và thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển.
Dưới sự nỗ lực chung của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự hưởng ứng của nhân dân, phong trào TDTT của tỉnh hứa hẹn sẽ có những bước phát triển tương xứng.
VD