|
Đội Bóng chuyền Tiến Nông Thanh Hóa (áo tím) đang thi đấu thành công tại các giải
bóng chuyền trong nước (Ảnh: Thế Thiện) |
Để công tác TDTT của tỉnh có những bước phát triển, một trong những yếu tố quan trọng được xác định đó là đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT. Đây là con đường tất yếu, bởi trong điều kiện kinh phí dành cho TDTT còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước là vô cùng cần thiết. Bởi vậy, trong những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp để huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư xây dựng các công trình TDTT, đóng góp kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện...
Công tác XHH TDTT bước đầu thu được kết quả, đã huy động được nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, TDTT đáp ứng yêu cầu tập luyện cho nhân dân góp phần đưa phong trào TDTT tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới. Thể thao thành tích cao đạt được kết quả xuất sắc trên các đấu trường quốc gia, quốc tế...
Cùng với nguồn lực của nhà nước đầu tư cho TDTT, các tập đoàn tư nhân cũng đã mạnh dạn đầu tư cho TDTT tỉnh như tập đoàn FLC đã xây dựng sân Golf Sầm Sơn, đội Bóng đá FLC Thanh Hóa và Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đã đồng hành cùng với đội tuyển Bóng chuyền nữ Thanh Hóa trong nhiều năm qua.
Hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ TDTT, các tổ chức xã hội TDTT và các hội nghề nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với ngành huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các hoạt động đáp ứng yêu cầu xã hội như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Vovinam, Hội Tâm năng dưỡng sinh, Hội Golf. Hàng năm các Liên đoàn, Hội, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT và hàng chục giải thi đấu thể thao phong trào với quy mô cấp tỉnh bằng nguồn kinh phí XHH.
Phát triển mô hình kinh doanh hoạt động TDTT có điều kiện như: Bóng đá, Bơi, Mô tô nước, Thể dục thẩm mỹ, Thể dục thể hình, Billiards&snooker, patin và các môn võ... hầu hết các mô hình kinh doanh hoạt động thể thao trên đều do các hộ gia đình đầu tư và làm chủ cơ sở. Đến nay Ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao cho 60 cơ sở…
Ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cấp, các ngành rà soát, tham mưu cho Tỉnh ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh công tác XHH. Ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai các thông tư của Bộ VHTTDL về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao cho các đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội TDTT và các hội nghề nghiệp huy động nguồn lực xã hội hóa triển khai các hoạt động đáp ứng yêu cầu xã hội. Chỉ đạo các liên đoàn, hiệp hội hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, phát triển phong trào TDTT trong toàn tỉnh.
|
Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa là nơi tổ chức các hoạt
động thể thao trong và ngoài tỉnh (Ảnh: Thế Thiện) |
Các cấp, các ngành đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng cho các hoạt động TDTT từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay có 100% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập cho hoạt động TDTT; 4806 sân bóng đá (60m x 90m), 70 nhà tập luyện và thi đấu TDTT cơ sở, 3972 sân chơi, bãi tập, 4035 sân bóng chuyền, 4334 sân cầu lông, 2360 bàn bóng bàn, 121 sân quần vợt, 44 bể bơi đơn giản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, dụng cụ tập luyện được tỉnh, ngành quan tâm từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp, trang bị kịp thời phục vụ có hiệu quả cho công tác huấn luyện và tổ chức thi đấu các môn thể thao.
Các thiết chế văn hóa, thể thao đã phát huy tốt tính năng tác dụng, phục vụ có hiệu quả đời sống tinh thần nhân dân, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao là một trong những chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một trong những tiêu chí của phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Lam Anh