You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Tĩnh sau 5 năm thực hiện và triển khai nghị quyết số 08-NQ/TW

Sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 33-HD/BTGTU, ngày 11/4/2012 về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh; Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự Đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW phù hợp với tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao của tỉnh.

Các hoạt động TDTT của Hà Tĩnh luôn thu hút được người dân tham gia hưởng ứng
(Ảnh: Thế Thiện)
Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 03 nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 01 quyết định, 03 kế hoạch, 01 văn bản chỉ đạo ;  các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên; Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012 - 2020 tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức có bước chuyển biến tích cực. Các cấp, ngành đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các giải thi đấu có quy mô rộng lớn hơn những năm trước. Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn; một số môn thể thao dân tộc được khôi phục, duy trì và phát triển trong hệ thống trường học.

Xác định TDTT trường học là bộ phận quan trọng của phong trào TDTT, một phần của giáo dục toàn diện nhân cách học sinh, sinh viên, do đó cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo quan tâm nghiên cứu, đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng và các hoạt động ngoại khóa khác; triển khai thực hiện “Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học”, "Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam", thực hiện tốt giáo dục thể chất theo chương trình nội khóa; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, góp phần đào tạo năng khiếu, phát hiện các tài năng thể thao.

Ngành giáo dục đào tạo được đầu tư, xây dựng, đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác giáo dục thể chất trong nhà trường. Nhiều trường học đã đầu tư tốt cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học và hoạt động thể thao ngoại khóa của học sinh, sinh viên. Hầu hết các trường học đều có sân bãi tập luyện, nhiều trường còn đầu tư sân bóng rổ, bể bơi, nhà tập luyện đa năng như Trường Trung học cơ sở Lê Văn Thiêm, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Thành phố Hà Tĩnh; Trường tiểu học Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh; Trường dạy nghề Việt Đức; Trường Đại học Hà Tĩnh…

Cùng với phát triển TDTT trong trường học, phong trào “Toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nhân rộng. Các xã phường, thôn xóm, tổ dân phố đều có các đội thể thao hoặc câu lạc bộ hoạt động thể thao. Đối tượng tham gia hoạt động thể thao đông đảo các thành phần, độ tuổi, giới tính. Ngoài các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng… một số môn thể thao mới, môn thể thao dân gian được khôi phục và tập luyện như bóng hơi của các cụ cao tuổi, kéo co...

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT được các địa phương, đơn vị quan tâm đầu tư. Xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT có bước chuyển biến mạnh mẽ, đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thiết chế thể thao cơ sở. Tổ chức các hoạt động nổi bật như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hàng năm… hướng dẫn tập luyện và tham gia các trò chơi dân.

Nghị quyết số 08-NQ/TW đang đồng hành cũng với nhân dân Hà Tĩnh (Ảnh: Thế Thiện)
Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ của Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng đối với công tác phát triển thể dục, thể thao có những chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với lĩnh vực thể dục, thể thao (TDTT) được tăng cường và quan tâm hơn.

Số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ trên 31%; số gia đình thể thao đạt trên 19%; toàn tỉnh hiện có 910 câu lạc bộ TDTT; 100% số trường học tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa; 100% các đơn vị trong lực lượng vũ trang tổ chức kiểm tra tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe. Thiết chế thể thao ở cơ sở được tăng cường, toàn tỉnh có: 180 sân bóng đá 11 người; 1.580 sân bóng chuyền; 61 sân quần vợt; 25 phòng tập TDTT; 45 sân bóng đá cỏ nhân tạo (do cá nhân đầu tư); 680 sân cầu lông; 715 bàn bóng bàn; gần 500 hộ, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động TDTT phong trào TDTT phát triển toàn diện và từng bước nâng cao chất lượng;

Từ năm 2013 đến nay, đã thành lập 02 tổ chức xã hội lĩnh vực TDTT gồm Liên đoàn Quần vợt Hà Tĩnh và Hiệp hội Golf Hà Tĩnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức này tham gia đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ quản lý...

Chỉ đạo rà soát, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý, các đơn vị sự nghiệp TDTT; tổ chức sáp nhập Trung tâm dịch vụ và thi đấu thể thao với Trung tâm đào tạo huấn luyện thành Trung tâm thể dục, thể thao tỉnh. Sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, viên chức hợp lý, có đủ phẩm chất năng lực để làm công tác TDTT. Đến nay, cấp tỉnh có 25 cán bộ, huấn luyện viên; cấp huyện có 24 cán bộ làm công tác TDTT.

Xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực TDTT; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT trong phát triển các phong trào và đào tạo, bồi dưỡng TDTT. Xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các câu lạc bộ TDTT. Qua đó, quan tâm tạo điều kiện, cử nhiều huấn luyện viên, vận động viên đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại các Trung tâm thể thao lớn trong nước; tăng cường hợp tác, giao lưu hoạt động thể dục thể thao với các tỉnh của nước bạn Lào.

Cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý công tác TDTT, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển TDTT, ban hành các cơ chế chính sách phát triển TDTT phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; huy động nguồn lực để xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT ở xã, phường, thị trấn gắn với trường học. Hỗ trợ phát triển TDTT ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn...

Lam Anh

Ảnh trong bài
  • Hà Tĩnh sau 5 năm thực hiện và triển khai nghị quyết số 08-NQ/TW