|
Cầu lông là môn thể thao thế mạnh của huyện (Ảnh: K.Dung) |
Đầu tư cơ sở vật chất
Để phong trào TDTT phát triển, một trong những yếu tố cần phải có đó là hệ thống cơ sở vật chất. Đây cũng chính là vấn đề then chốt, là yếu tố tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT ở địa phương , bởi có “bột mới gột nên hồ” . Chính vì vậy, trong điều kiện kinh phí dành cho TDTT còn hạn hẹp, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện Yên Lạc, sự chung tay ủng hộ của các cấp chính quyền và sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân, Yên Lạc đã có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT.
Theo đó, từ năm 2005 đến 2010, các xã, thị trấn trong toàn huyện đã hoàn thành quỹ đất quy hoạch xây dựng các thiết chế TDTT theo tinh thần nghị quyết số 05/NQ-UBND huyện. Và trong 5 năm trở lại đây (từ 2011-2016), huyện Yên Lạc đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã và trên 116 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp thôn.
Hiện nay, toàn huyện có 17 trung tâm văn hóa xã có sân vận động diện tích 10.000 m2 trở lên; 455 sân thể thao đơn giản (tăng 24 sân so với năm 2014), trong đó, có 4 sân cỏ nhân tạo của tư nhân, 14 nhà tập luyện thể thao ở các xã , 9 nhà tập luyện thể thao ở các trường học, 2 sân tennis, 13 bể bơi tư nhân và hệ thống sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông...
Không chỉ tập trung phát triển hệ thống cơ sở vật chất ở trung tâm huyện lỵ, hay các trị trấn, mà ở mỗi làng có ít nhất 1 sân thể thao, nhiều làng có 5 - 6 sân cầu lông, bóng chuyền. Nhiều hộ gia đình đầu tư xây dựng sân cầu lông, bóng bàn để phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của gia đình và nhân dân trong xã.
Hàng năm, huyện đầu tư dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động luyện tập TDTT cho 162/162 thôn dân cư và các CLB TDTT điển hình, qua đó, động viên, khuyến khích, thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển. Là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao lớn của huyện Yên Lạc, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện được xây dựng với các hạng mục: Nhà chức năng, sân vận động, nhà bắn súng, cung văn hóa thiếu nhi...
Trong đó, sân vận động được cải tạo, nâng cấp từ năm 2013 với tổng diện tích 15.700 m2 , khán đài có sức chứa 1.000 chỗ ngồi đảm bảo cho việc tổ chức các giải thi đấu thể thao và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn được UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng Quảng trường Văn hóa, tại khu trung tâm thị trấn Yên Lạc. Công trình được xây dựng sẽ là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện, sinh hoạt của nhân dân.
Phát triển phong trào
Phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, phong trào “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển rộng khắp tại mỗi cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư. Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày, phong trào tập luyện TDTT đã trở thành thói quen trong đại đa số nhân dân từ thành thị, đến nông thôn. Thông qua việc duy trì tốt các hoạt động TDTT ở cơ sở, coi đó là nền tảng để phát triển phong trào, tại các xã, thị trấn, thôn, làng, nhiều câu lạc bộ TDTT được thành lập và phát triển theo hướng tự giác, có tổ chức. Nhiều môn thể thao đã trở thành thế mạnh của huyện như: cầu lông, bóng bàn, bóng đá, cờ tướng, đi bộ….
Theo thống kê, tính tới nay, toàn huyện có 121 CLB TDTT từ huyện đến cơ sở được duy trì và hoạt động hiệu quả. Trong đó, nhiều CLB điển hình, tiêu biểu như: CLB Cầu lông làng Vĩnh Đoài, CLB bóng chuyền làng Yên Lạc, CLB bóng chuyền xã Tam Hồng, Câu lạc bộ bóng đá thị trấn, Câu lạc bộ quần vợt, cầu lông khối cán bộ công chức viên chức UBND huyện... Đây cũng chính là những đơn vị hạt nhân, có nhiều đóng góp về thành tích cho phong trào TDTT của huyện.
Sự phát triển tích cực của các câu lạc bộ thể thao đã thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển. Chỉ sau 10 năm (từ 2007 – 2017), số người tập luyện TDTT thường xuyên của huyện đã tăng 16,5% (năm 2007 là 21% và đến nay là 37,5 % dân số), số gia đình luyện tập TDTT thường xuyên tăng từ 11% lên 27,6%) .
Cùng với phát triển phong trào TDTT quần chúng thông qua việc phát triển mạnh loại hình CLB TDTT đơn môn và đa môn, hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức từ 10-15 giải thi đấu nhằm phát động phong trào TDTT quần chúng, đồng thời, qua đó tuyển chọn những hạt nhân tiêu biểu có thành tích cao để tham gia các giải đấu cấp tỉnh và quốc gia. Thông qua các phong trào TDTT quần chúng, nhiều VĐV xuất sắc của huyện Yên Lạc được tuyển chọn vào các đội tuyển của tỉnh Vĩnh Phúc tham gia các giải thể thao quốc gia cũng như quốc tế. Hàng năm, huyện đều cử các đội tuyển tham gia thi đấu tại các giải thể thao do tỉnh tổ chức và nhiều đội tuyển của huyện đã giành thành tích cao như Cầu lông, Bắn súng,..
Ngoài các giải đấu do huyện tổ chức, các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao tại các xã diễn ra thường xuyên, liên tục đã tạo bầu không khí tươi vui trong nhân dân. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế và đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhờ phong trào TDTT quần chúng phát triển, Yên Lạc luôn là một trong những địa phương dẫn đầu tại các Đại hội TDTT các cấp và Hội khỏe Phù Đổng...
Không chỉ dừng lại ở đó, hàng năm huyện Yên Lạc đều có kế hoạch cụ thể, trong việc cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, tập huấn đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài và các vận động viên đáp ứng được các yêu cầu của thể thao hiện đại. Nhằm đưa phong trào TDTT của huyện vững bước theo xu thế phát triển của xã hội, đồng thời xây dựng con nguồn nhân lực có trí tuệ, sức khỏe, góp phần đưa Yên Lạc trở thành huyện giàu đẹp văn minh.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ðảng bộ và nhân dân huyện Yên Lạc tiếp tục phát huy truyền thống, ra sức đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương, trong đó việc vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa nhằm thúc đẩy phong trào thể thao ngày càng phát triển được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
K.Dung