Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã chỉ ra vai trò, tác dụng to lớn của TDTT. Người khẳng định “dân cường thì quốc thịnh”. Chính vì vậy, ngay sau khi giành được độc lập, Người đã khuyến khích và kêu gọi toàn dân rèn luyện thân thể, tập luyện thể dục thể thao. Bác khẳng định: “Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được”. Không chỉ mong “đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục” mà bản thân Bác luôn là tấm gương sáng trong việc rèn luyện sức khỏe bằng việc chăm chỉ tập luyện TDTT “tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục”.
Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt mấy thập kỷ qua, nhân dân cả nước nói chung, Hà Nam nói riêng luôn quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức và nâng cao năng lực, chất lượng chuyên môn cho cán bộ làm công tác TDTT từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức cơ cấu cán bộ ở các cấp đảm bảo đủ số lượng, cán bộ, huấn luyện viên, công tác viên thể thao tương đối đồng đều.
Bên cạnh đó tỉnh đã chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT. Hệ thống sân bãi, trang thiết bị cũng như thiết chế về TDTT ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Hiện nay, Hà Nam là một trong những tỉnh có hệ thống cơ sở vật chất về TDTT khá hoàn chỉnh và hiện đại gồm SVĐ, Bể bơi và đặc biệt, từ năm 2014, Hà Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà thi đấu đa năng lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á (công trình có quy mô xây dựng 5 tầng, sức chứa khoảng 7.500 chỗ ngồi với tổng diện tích sàn là trên 50.000m2, các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật: hệ thống điều hòa không khí, bảng điện tử, âm thanh ánh sáng… đều đạt các tiêu chuẩn thi đấu quốc tế). Bên cạnh đó còn hàng loạt các công trình TDTT ở tuyến huyện, trị trấn… đã góp phần thúc đẩy phong trào “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả.
Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các hoạt động TDTT được tổ chức lồng ghép vào các dịp Lễ, tết của địa phương, đất nước đã trở thành những ngày hội của nhân dân. Chính vì vậy, những năm qua, phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, mỗi người đều tìm cho mình những môn thể thao phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân và chăm chỉ luyện tập hằng ngày. Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên là: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bóng bàn, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ.
Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT đã phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc phát triển sự nghiệp TDTT. Hàng năm, ngành VHTTDL Hà Nam đã tích cực vận động các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho hoạt động đào tạo thể thao thành tích cao và đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện thể thao. Cùng với đó, chính quyền các cấp cũng tích cực chung tay xây dựng, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ việc rèn luyện, vui chơi của người dân. Tổng số tiền xã hội hóa phục vụ hoạt động TDTT có năm lên tới trên 20 tỷ đồng.
Việc tập luyện TDTT đã dần trở thành ý thức tự giác và được số đông cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh duy trì thực hiện thường xuyên. Hàng năm, ngoài hệ thống giải thể thao do tỉnh tổ chức, ngành còn phối hợp với nhiều đơn vị như: tỉnh đoàn, Báo Hà Nam, Đài phát thanh truyền hình, Hội Phụ nữ, Nông dân, Công đoàn, ngành Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp… tổ chức thành công nhiều giải TDTT như: giải chạy Việt dã, giải Bóng bàn, Hội thao Công nhân viên chức lao động, giải bóng đá, Bóng chuyền thanh niên, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Hà Nam năm 2016,…
Với hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ cũng như những giải pháp hợp lý, đồng bộ đã giúp cho tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên của tỉnh không ngừng tăng cao. Hiện nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 29,7%. Số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 24,9%. 100% trường học bảo đảm giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà tường thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa cho học sinh; đội ngũ giáo viên luôn đảm bảo về số lượng và đáp ứng được yêu cầu của bộ môn; 100% xã, phường, thị trấn đã quy hoạch xong diện tích đất dành cho tập luyện TDTT, trong đó có 78/116 xã, phường, thị trấn có sân tập TDTT từ 6.000 đến 7.000 m2; 6/6 huyện, thành phố có sân vận động hoặc khu vực dành cho hoạt động TDTT. Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang ở độ tuổi rèn luyện thể lực theo quy định đạt 100%, các hoạt động TDTT được duy trì thường xuyên.
Về thể thao thành tích cao, nhiều tên tuổi VĐV của Hà Nam đã giành được những thành tích cao trên các đấu trường quốc tế, trong đó phải kể đến tấm HCB môn Điền kinh của Nguyễn Thị Tươi tại Olimpic trẻ Châu á năm 2010; Đỗ Xuân Thiện - HCV môn Bơi lặn Sea games năm 2011, HCV Giải Lặn vô địch trẻ Châu á năm 2015; Trần Mai Huệ - HCV Giải Giải lặn vô địch trẻ Châu á năm 2015...
Thứ hạng của thể thao Hà Nam tại Đại hội TDTT toàn quốc đã có những chuyển biến rõ rệt. Tại Đại hội lần thứ VI (năm 2010) Hà Nam xếp thứ 55/65 thì đến Đại hội lần thứ VII (năm 2014) Hà Nam đã vươn lên vị trí 42 trên tổng số 65 đoàn tham dự, đặc biệt tấm HCV lần đầu tiên giành được của đội tuyển Bóng đá nữ Hà Nam đã thỏa mãn sự kỳ vọng của người hâm mộ tỉnh nhà. Số huy chương đạt được hàng năm đều vượt từ 15 đến 20% chỉ tiêu huy chương được giao. Tiếp đến năm 2016, các hoạt động thể thao thành tích cao được duy trì, ngành đã tham gia 24 giải trong nước và quốc tế, đạt 88 huy chương các loại. Và thêm một điểm nhấn cho Thể thao thành tích cao năm 2016, Hà Nam đã phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2016, thu hút gần 4 vạn lượt khán giả trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động TDTT tới mọi người dân còn hạn chế do đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể chưa hiệu quả; các công trình TDTT cấp huyện về cơ bản chưa đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn để tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp huyện; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT của cấp xã chủ yếu là mặt sân tự nhiên;…
Trước những thành tích đã đạt được cũng như những hạn chế trên, bước vào năm Đinh Dậu - 2017, ngành VHTTDL Hà Nam đã đề nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, ở lĩnh vực TDTT sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Đề án Tổ chức đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở tiến tới tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh lần thứ V; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT cũng như khai thác triệt để các thiết chế thể thao của tỉnh; Tập trung phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ Huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao..
VD