Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến 2020, UBND tỉnh An Giang sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến quan điểm, đường lối xã hội hóa của Đảng và Nhà nước; nội dung thực hiện xã hội hóa của ngành trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các đơn vị sự nghiệp của ngành; Xây dựng danh mục các công trình, các chương trình, sự kiện cần thực hiện xã hội hóa. Tiến hành rà soát công tác đầu tư các công trình văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường sự phối hợp giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chính quyền địa phương để triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt như: Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao, quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội... trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường khuyến khích vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; ổn định cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Theo đó, mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực văn hóa sẽ từng bước phát động trong nhân dân phong trào tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn học, nghệ thuật; một số địa phương có truyền thống khôi phục và thành lập đoàn cải lương, đoàn hát bội tư nhân đi diễn trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ở nông thôn, khôi phục và phát triển loại hình đờn ca tài tử, câu lạc bộ hát với nhau đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa ở vùng nông thôn, thu hút các mạnh thường quân đỡ đầu cho hoạt động này. Mô hình này cũng được bảo tồn và phát huy trong đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghệ thuật Dì Kê của người Khmer, nghi lễ vòng đời của người Chăm, tuồng cổ của người Hoa...
Bên cạnh đó vận động thành lập các tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp tỉnh trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn học, khảo cổ, mỹ thuật, điện ảnh,... Nhà nước tạo hành lang pháp lý để các tổ chức có điều kiện hoạt động. Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và mạnh thường quân đóng góp kinh phí cho tổ chức các hoạt động văn hóa. Đối với các di sản văn hóa dân tộc đã xếp hạng, ngành văn hóa tham mưu địa phương đầu tư một phần ngân sách để bảo tồn các loại hình nghệ thuật cổ truyền, các nghề truyền thống của vùng sông núi An Giang để lưu truyền cho đời sau.
An Giang phấn đấu đến năm 2020, vận động tài trợ kinh phí tổ chức các hoạt động điểm sinh hoạt VHTT khóm, ấp lên đến 60% kinh phí; Vận động tài trợ kinh phí tổ chức các hoạt động TTVH & HTCĐ cấp xã chiếm 20% tổng kinh phí tổ chức. Đối với cấp Huyện, vận động tài trợ kinh phí tổ chức các hoạt động TTVH huyện chiếm 10% tổng kinh phí tổ chức. Vận động tài trợ kinh phí tổ chức hoạt động nghệ thuật quần chúng chiếm 20% tổng kinh phí tổ chức.
Bên cạnh đó, vận động mọi người nhận thức được lợi ích của việc luyện tập TDTT để từ đó chuyển biến tự nguyện chọn một số môn thể thao thích hợp để luyện tập hàng ngày, nâng cao sức khỏe, thể lực, góp phần nâng cao tầm vóc, tuổi thọ, phát triển nòi giống. Trong đó, chú ý đến loại hình phù hợp cho từng vùng đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, đối tượng là học sinh - thanh thiếu niên, người cao tuổi,...Ổn định hệ thống thi đấu thể thao phong trào hàng năm, nhất là các loại hình thi đấu trong các lễ hội truyền thống của địa phương để vừa thu hút đông đảo người tham gia, vừa tạo sinh khí vui tươi lành mạnh, vừa giữ được các loại hình dân tộc dân gian của từng vùng, từng dân tộc.
Khuyến khích phát triển các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập, các tổ chức xã hội về thể dục thể thao. Mở rộng và phát huy hiệu quả các mô hình thể thao quần chúng truyền thống. Khuyến khích chuyên nghiệp lĩnh vực thể thao thành tích cao. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các CLB thể dục, thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp; hoạt động tài trợ và kinh doanh dịch vụ thể thao chuyên nghiệp. Duy trì và phát triển cơ sở tư nhân, các tổ chức đang đầu tư xã hội hóa các cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Phát triển hệ thống Liên đoàn, Hiệp hội thể dục, thể thao; củng cố và nâng cao chất hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể dục, thể thao; chuyển giao từng bước các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực thể dục, thể thao cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể dục, thể thao. Tiến tới triển khai mô hình đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao theo mô hình cung ứng dịch vụ tại các cơ sở đào tạo công lập cũng như ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2030 phần lớn các môn thể thao của An Giang đặt dưới sự điều hành về mặt chuyên môn của các Liên đoàn thể thao theo định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao địa phương.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 công tác xã hội hóa thể dục thể thao cần tập trung vào các hoạt động sau: Tổ chức hiệu quả các giải thể thao, phấn đấu vận động tài trợ đạt 65% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao, hội thao cấp tỉnh và 40% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao cấp huyện. Vận động xã hội hóa thể thao thành tích cao phấn đấu đạt từ 15% đến 20% tổng kinh phí hoạt động không thường xuyên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao An Giang.
Phấn đấu đến năm 2020 các cơ sở luyện tập TDTT trong toàn tỉnh có thể đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên cho 35% dân số trong toàn tỉnh. Các cơ sở thể thao ngoài công lập và các lực lượng khác tham gia vào quá trình xã hội hóa TDTT đảm bảo đáp ứng tối thiểu từ 70% đến 80% nhu cầu dịch vụ TDTT tùy theo từng loại hình. Hoàn thành việc chuyển toàn bộ các cơ sở TDTT công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở TDTT công lập có điều kiện sang loại hình ngoài công lập. Chuyển toàn bộ các câu lạc bộ TDTT do Nhà nước quản lý sang loại hình ngoài công lập.
Đối với lĩnh vực Du lịch, xã hội hóa du lịch là một mục tiêu phát triển quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Đó là xu hướng phát triển tất yếu và phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới. Xã hội hóa du lịch là lộ trình khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là cộng đồng địa phương tham gia sâu rộng, chủ động và có trách nhiệm lâu dài vào các hoạt động phát triển du lịch của địa phương. Xã hội hóa hoạt động du lịch trong thời gian tới là gia tăng ảnh hưởng của các chính sách phát triển du lịch đến toàn xã hội, kêu gọi mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, khai thác và bảo vệ môi trường du lịch. Đặc biệt, vận động nhiều hộ gia đình và cộng đồng dân cư địa phương tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động du lịch, cải thiện thu nhập và xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong công tác xã hội hóa đầu tư du lịch cần tập trung vào các lĩnh vực chính sau: Về nguồn nhân lực: Thu hút 60 - 70% vốn doanh nghiệp đầu tư và chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch theo nội dung chương trình ưu tiên đầu tư. Về đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng du lịch: Thu hút 60 - 70% vốn doanh nghiệp tham gia chương trình đầu tư nâng cấp hệ thống khu du lịch, điểm du lịch và sản phẩm du lịch. Về quảng bá, xúc tiến du lịch: Vận động 40-50% doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong địa bàn tỉnh cùng tham gia chương trình quảng bá xúc tiến du lịch theo phương châm “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” vào các hoạt động cụ thể như: Tổ chức hội thảo, các sự kiện du lịch, hội chợ triển lãm, các lễ hội và các hoạt động giao lưu về văn hóa du lịch trong và ngoài nước; Tổ chức sản xuất, phát hành các ấn phẩm, tuyên truyền, quảng bá du lịch; các loại tranh ảnh, biển quảng cáo tấm lớn, tờ gấp, bản đồ hướng dẫn, băng đĩa,... giới thiệu cảnh quan du lịch và các tiềm năng du lịch trong tỉnh; Tổ chức, hướng dẫn cho các hãng lữ hành trong nước và ngoài nước khảo sát các tuyến, điểm du lịch, quảng bá du lịch An Giang (Famtrip); Xúc tiến các hoạt động khảo sát, hợp tác, liên kết, quảng bá phát triển du lịch với các tỉnh bạn và khu vực để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
KC