You must configure this module first via "Module Settings"

Bước chuyển mình về thể thao thành tích cao tỉnh Vĩnh Phúc

Kể từ sau 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển phong trào Thể dục, Thể thao, từ một tỉnh còn mờ nhạt về thành tích Thể thao thành tích cao đến nay Vĩnh Phúc đã có những bước tiến dài, khi các vận động viên của tỉnh thi đấu nổi bật, giành nhiều huy chương tại các giải Thể thao trong nước, khu vực và thế giới.

Những ngày đầu tái lập tỉnh, phong trào thể dục thể thao nói chung, Thể thao thành tích cao nói riêng ở Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cán bộ chuyên trách, kinh nghiệm quản lý, huấn luyện còn yếu. Do đó, công tác đào tạo, chế độ đãi ngộ cho vận động viên, huấn luyện viên còn nhiều hạn chế. Được biết, ở thời điểm ấy Vĩnh Phúc chỉ tập trung đào tạo cho 5 môn Thể thao gồm: Điền kinh, Bắn súng, Bắn cung, Vật, Cầu lông. Cơ sở vật chất, nhà thi đấu, bãi tập luyện chưa có, khâu tuyển chọn vận động viên gặp không ít khó khăn. Các huấn luyện viên đã phải về từng thôn, xóm trong tỉnh để tìm kiếm, phát hiện ra các vận động viên có tố chất, năng khiếu Thể thao để đào tạo, huấn luyện. Từ những nỗ lực qua từng ngày của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên và vận động viên, năm 2000, tại giải vô địch Bắn cung toàn quốc, đoàn Vĩnh Phúc đã giành 1 huy chương Vàng. Thành tích này rất có ý nghĩa trở thành tiền đề, tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành thành tích cao hơn nữa trong những giải đấu tiếp theo.

Trước nhu cầu phát triển và để phục vụ nhu cầu tập luyện Thể thao ngày càng lớn của người dân, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao, đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ quan trọng là thực hiện công tác tuyển chọn và huấn luyện, đào tạo vận động viên Thể thao thành tích cao của tỉnh. Lúc này, Thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển thêm các môn: Võ, Karatedo, Pencak Silat, Bóng chuyền, Cầu lông. Đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên từ 8 người đã tăng lên 14 người. Mặc dù, phát triển rộng hơn về số lượng các môn tập luyện, tăng cường đội ngũ cán bộ nhưng đứng trước những khó khăn về nguồn ngân sách đầu tư cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập và huấn luyện gặp nhiều khó khăn, một số môn như: Vật, Cầu lông thi đấu theo thời vụ, khi có giải mới tập trung luyện tập và thi đấu. Do vậy, thành tích chưa nhiều và chất lượng cũng chưa cao.

Để thể thao thành tích cao của tỉnh chỉ thực sự phát huy được thế mạnh và có bước phát triển đột phá, năm 2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh về phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020 và Nghị quyết số 64 quy định về chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao, tập huấn nghiệp vụ thể thao, chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể dục thể thao tỉnh. Đây là hai Nghị quyết có ý nghĩa định hướng lớn, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, là cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ trong sự nghiệp thể dục thể thao của tỉnh, đặc biệt là đầu tư có trọng điểm đối với các môn thể thao thành tích cao.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến nay, toàn tỉnh có 45 huấn luyện viên, giáo viên, gần 400 vận động viên, học sinh tham gia thi đấu ở 16 môn thể thao thành tích cao: Bắn cung, Bắn súng, Bóng bàn, Bóng chuyền nữ, Bóng đá nam, Cầu lông, Cử tạ, Điền kinh, Đua thuyền, Karatedo, Quần vợt, Xe đạp, Pencak Silat, Vật cổ điển, Vật tự do và Wushu. 10 năm trở lại đây, ngành Thể thao của tỉnh có những bước phát triển mới, số lượng huy chương năm sau cao hơn năm trước. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2006, Vĩnh Phúc đứng thứ 34/63 tỉnh, thành; đến Đại hội năm 2010 đã tiến thêm 10 bậc, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2014, Thể thao tỉnh đã vươn lên đứng thứ 17/65 tỉnh, thành, ngành với 11 huy chương Vàng, 12 huy chương Bạc và 17 huy chương Đồng. Trong đó, một số bộ môn đứng trong tốp đầu như: Pencak Silat, đua thuyền Canoeing, Wushu.

Hàng năm, các vận động viên thành tích cao của tỉnh đều mang về hơn 200 huy chương các loại tại giải thể thao quốc gia và khu vực. Từ đầu năm 2016 đến nay, vận động viên của tỉnh tham gia thi đấu 32 giải Thể thao quốc gia và khu vực, mang về cho Thể thao Vĩnh Phúc 241 huy chương các loại. Trong đó, môn Đua thuyền Canoeing giành được 8 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Riêng Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao giành 144 huy chương các loại với 51 huy chương Vàng, 41 huy chương Bạc, 52 huy chương Đồng.

Một trong những gương mặt vận động viên nổi bật được nhiều người biết đến là nữ võ sĩ Nguyễn Thị Yến (môn Pencak Silat). Cô gái này chỉ sau 5 năm bước vào nghề, Nguyễn Thị Yến đã trở thành kiện tướng môn Pencak Silat. Tham gia đội tuyển từ tháng 12/2006, đến nay, Yến từng bước khẳng định trình độ của mình ở các giải đấu quốc gia và quốc tế: 2 huy chương Vàng liên tiếp giải vô địch thế giới năm 2010, 2011; huy chương Vàng giải vô địch Đông Nam Á năm 2010; huy chương Vàng Seagame 26, huy chương Vàng Giải trẻ toàn quốc.

Chia sẻ về thành công của mình võ sĩ Nguyễn Thị Yến cho hay: Có được những thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự dìu dắt tận tình của huấn luyện viên và sự nỗ lực của bản thân thì điều quan trọng chính là từ chế độ đãi ngộ kịp thời của Tỉnh đối với các vận động viên thi đấu đỉnh cao. Ngoài chế độ ăn, ở, tiền lương, thưởng hợp lý đến trang phục và dụng cụ luyện tập, thi đấu, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch còn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi đến đời sống của các vận động viên. Cùng với đó là nhiều chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vận động viên đi tập huấn, luyện tập ở những nơi có phong trào mạnh, tham gia thi đấu các giải trong nước để học hỏi và cọ xát nâng cao kỹ năng, tâm lý thi đấu.

Sẽ là thiếu nếu chúng ta không nhắc tới gương mặt vận động viên trẻ đầy tài năng Trương Thị Phương của môn Đua thuyền Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tích tại các giải đấu như: Huy chương Vàng Giải vô địch châu Á năm 2015, huy chương Bạc Giải Canoeing trẻ châu Á diễn ra tại Indonesia, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, tại Sea Games 28 năm 2015 được tổ chức tại Sinhgapore, Phương xuất sắc giành huy chương Vàng nội dung C1 500m nữ. Ngoài ra, trong bảng Vàng Thể thao thành tích cao Vĩnh Phúc còn rất nhiều vận động viên giành nhiều huy chương quốc tế và khu vực, tạo đà cho Thể thao thành tích cao của tỉnh có những bước tiến xa như: các võ sĩ Phạm Thế Hùng, môn Pencak Silat; Lăng Thị Hoa, môn Karatedo…

Để Thể thao thành tích cao có được thành công và phát triển tương đối ổn định bền vững, trong những năm qua, ngành Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc chắc chắn đặc biệt quan tâm và thường xuyên đổi mới công tác đào tạo vận động viên theo hướng chuyên sâu. Trong chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao của tỉnh luôn phân định rõ hệ thống đào tạo vận động viên đỉnh cao được chia làm ba tuyến: Tuyến năng khiếu, tuyến trẻ và tuyến đội tuyển. Trên cả ba tuyến, các vận động viên được huấn luyện, đào tạo khoa học, đồng thời được sàng lọc kỹ trước khi tuyển chọn lên các tuyến dự tuyển tham gia thi đấu hệ thống giải vô địch quốc gia. Các bộ môn tham gia huấn luyện đều nâng cao yếu tố chất lượng đầu vào, chú trọng đến công tác kiểm tra chuyên môn theo định kỳ, thường xuyên rà soát, tiến hành phân loại các vận động viên. Đội ngũ huấn luyện viên có trình độ chuyên môn cao, thường xuyên tham gia các lớp nâng cao trình độ do các liên đoàn, hiệp hội Thể thao trong nước và quốc tế tổ chức, trong đó nhiều huấn luyện viên đã trưởng thành từ thi đấu như: Huấn luyện viên Ngô Chí Thanh, Nguyễn Xuân Hùng, Lưu Văn Hoàn, Nguyễn Văn Cường…”

Từ những thành quả có được trong công tác phát triển Thể dục Thể thao tỉnh nhà, đặc biệt là Thể thao thành tích cao tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch Vĩnh Phúc đã xác định cần xây dựng chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao. Trong đó, lựa chọn những môn thế mạnh phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, xã hội và đặc điểm tầm vóc, thể lực người Vĩnh Phúc. Cùng với đó, tỉnh kịp thời đưa ra các chính sách ưu tiên tập trung đào tạo những môn Thể thao mũi nhọn. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch dài hạn xác định mục tiêu trọng tâm nhằm nâng cao thành tích thi đấu thể thao, tăng cường hội nhập với nền thể thao trong nước và quốc tế. Đề ra mục tiêu cụ thể như thành tích tham gia tại các giải đấu lớn như: Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á để từ đó có định hướng lựa chọn, đào tạo vận động viên phù hợp, đúng hướng.

N. H

Ảnh trong bài
  • Bước chuyển mình về thể thao thành tích cao tỉnh Vĩnh Phúc