You must configure this module first via "Module Settings"

Ngành VHTTDL Lâm Đồng: 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03- chuyển biến về nhận thức cũng như hành động

Triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đến nay, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, có thể khẳng định cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã mang lại những chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng cũng như lối sống và việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đang công tác trong ngành VHTTDL Lâm Đồng. Đặc biệt, trong 5 năm thực hiện cuộc vận động, nhiều tấm gương điển hình đã được biểu dương kịp thời và ngày càng nhân rộng.

Theo đó, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của toàn ngành, hiệu quả hoạt động của ngành cũng đạt được nhiều tiến bộ rõ nét, cả trong công tác quản lý Nhà nước lẫn hoạt động chuyên môn. Công tác tham mưu văn bản, nhất là văn bản quy phạm pháp luật được triển khai kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn địa phương. Nhiều đề tài, dự án, đề án đã được triển khai thực hiện đúng tiến độ. Công tác cải cách hành chính luôn được quan tâm, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong mọi giao dịch hành chính. Triển khai thực hiện có hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí, không để xảy ra tham nhũng, tham ô trong đơn vị, công tác tiết kiệm cũng đạt hiệu quả hơn trước. Nhiều đề tài khoa học và sáng kiến, kinh nghiệm được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tế.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thường xuyên được duy trì thực hiện tốt, số lượng di tích được xếp hạng ngày càng tăng. Chất lượng hoạt động của Bảo tàng tỉnh ngày càng được nâng cao, phong phú, lượng khách tham quan tăng trưởng gấp đôi qua mỗi năm. Di tích khảo cổ Cát Tiên được quản lý tốt và tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp để sớm đưa vào khai thác. Hoạt động sự nghiệp văn hóa, tuyên truyền, biểu diễn nghệ thuật tiếp tục được tổ chức tốt, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết của các cộng đồng dân tộc trong tỉnh.

Trung tâm Văn hóa tỉnh và Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh có nhiều sáng kiến, cải tiến để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư đảm bảo duy trì và phát triển chất lượng chương trình, tăng số lượng buổi biểu diễn. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng cũng đã có nhiều nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu để hoàn thành nhiệm vụ. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã được củng cố nâng cấp, từng bước đưa công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, hoạt động đưa sách đến với bạn đọc được thực hiện phong phú, hấp dẫn dưới nhiều hình thức.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương và trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng để xây dựng, phát huy truyền thống thuần phong, mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Kết quả thực hiện phong trào đến nay đã đạt và vượt chỉ tiêu đến năm 2015 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả cao. Xây dựng được nhiều mô hình mẫu về gia đình hoạt động hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh và được nhân rộng hàng năm.

Lĩnh vực thể dục – thể thao mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện luyện tập, thi đấu, nhưng cũng đã nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt, nhất là thể thao thành tích cao. Số huy chương ở các giải quốc gia, khu vực và quốc tế tăng dần theo từng năm và luôn vượt tỷ lệ cao so với kế hoạch được giao. Phong trào TDTT quần chúng được duy trì và ngày càng phát triển, tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao không ngừng tăng lên. Hiện nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 24% dân số và số gia đình thể thao là 15% (từ nay đến năm 2020, tỷ lệ người dân Lâm Đồng tham gia luyện tập TDTT thường xuyên sẽ là 28 - 30%; tỷ lệ gia đình tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt từ 18 - 20% số hộ trong tỉnh). Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về phong trào TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, chỉ tính riêng năm 2015, Lâm Đồng đã đăng cai và tổ chức thành công 09 giải quốc gia, quốc tế và khu vực; Số huy chương đạt 153% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực du lịch không ngừng đổi mới, tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng khá, lượng khách đến tham quan, du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng tăng mạnh qua các năm nâng. Tăng cường mở rộng liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố, các trung tâm du lịch lớn trong nước; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được củng cố và nâng cao cả số lượng và chất lượng, nhiều dự án về du lịch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai thực hiện; Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao.Hoạt động du lịch tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đón 5,1 triệu lượt khách (khách qua lưu trú 3,3 triệu lượt, khách quốc tế 220.000 lượt) doanh thu xã hội và ngày lưu trú bình quân tăng; cơ sở vật chất kỹ thật ngành du lịch tiếp tục được đầu tư, nâng cấp phát triển.

Trong 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động (2011-2015), Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lâm Đồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2012, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2013 và nhiều bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh tặng cho nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Để có được kết quả trên, trong 5 năm thực hiện cuộc vận động, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lâm Đồng đã tích cực tổ chức tốt công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị dưới nhiều hình thức, như: các hội nghị của ngành, các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, các buổi sinh hoạt chính trị của các tổ chức đoàn thể….

Các chủ đề hàng năm về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức cũng như ý thức phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức; tạo được sự lan tỏa và hưởng ứng rộng rãi góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị cũng như cá nhân.

Ngoài việc tuyên truyền trong nội bộ ngành, Sở còn thường xuyên chỉ đạo gắn nhiệm vụ tuyên truyền của ngành với tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua nhiều hình thức như: pa-nô, áp phích, băng rôn cờ phướn; triển lãm, trưng bày giới thiệu sách, tư liệu theo chuyên đề; các hoạt động của đội thông tin lưu động và đội chiếu bóng lưu động…

Công tác tổ chức thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên hàng năm của đảng ủy, chi bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong toàn ngành triển khai thực hiện, do đó đã tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành. Hàng năm đều có chủ đề cụ thể gắn liền với các chuẩn mực đạo đức. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được gắn kết chặt chẽ với thực nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trong tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL đều duy trì thường xuyên việc chào cờ đầu tuần và tổ chức học tập, nghiên cứu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các bài viết của Bác, các bài viết về Bác nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ đó, liên hệ tình hình thực tế của cơ quan, cá nhân để kiểm điểm những việc đã làm được, chưa làm được và đề ra phương hướng, biện pháp làm theo một cách cụ thể, thiết thực.

Bên cạnh những kết quả trên, việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục như: cần đề ra được nhiều biện pháp, cách làm năng động, sáng tạo, mới mẻ; cụ thể, thiết thực hơn. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đối với việc học tập và làm theo còn chưa đầy đủ và sâu sắc dẫn đến thiếu chủ động, tự giác trong thực hiện. Một số cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng hoặc triển khai mang tính hình thức. Việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo chậm, do đó chưa xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình.

VD

Ảnh trong bài
  • Ngành VHTTDL Lâm Đồng: 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03- chuyển biến về nhận thức cũng như hành động