You must configure this module first via "Module Settings"

Gia Lai: xã hội hóa TDTT tạo đà cho TDTT quần chúng phát triển

Xác định rõ hiệu quả thiết thực của việc xã hội hóa, những năm gần đây, Gia Lai đã kêu gọi tăng cường xã hội hóa trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có TDTT. Chủ trương xã hội hóa dần thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó nhiều mô hình hoạt động thể dục thể thao tư nhân do một số cá nhân, đơn vị tham gia đầu tư thành lập bước đầu hoạt động có nhiều khởi sắc, tạo những bước tiến đáng khích lệ trong phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao, góp phần vào công cuộc xã hội hóa thể thao trên địa bàn tỉnh

Nhiều giải Bóng đá phong trào được tổ chức tại sân cỏ nhân tạo thuộc khu liên hợp Thể thao - Giải trí Thế Dân (Ảnh: V.Phan )
Đẩy mạnh xã hội hóa TDTT

Xác định được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT  dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong những năm gần đây, Gia Lai đã từng bước thực hiện hiệu quả các giải pháp kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng chung tay đóng góp cho sự nghiệp TDTT của địa phương theo tinh thần nghị quyết số 05/NQ-CP.

Cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao của tỉnh từng bước được củng cố và tăng cường. Ở cấp tỉnh có những công trình thể thao hiện đại, đảm bảo cho các cuộc thi đấu toàn quốc như sân bóng đá Pleiku, nhà thi đấu thể thao tỉnh, các sân quần vợt ở khu vực tỉnh lỵ … Ở tuyến huyện, thị xã, thành phố, hệ thống sân bãi cho các môn bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt thường xuyên được củng cố và nâng cấp không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân mà còn đảm bảo các điều kiện để đăng cai tổ chức các hoạt động thi đấu thể dục thể thao cấp tỉnh.

Một trong những điểm nhấn trong công tác xã hội hóa TDTT ở Gia Lai chính là sự hình thành các CLB TDTT tư nhân. Hiện nay, công tác xã hội hóa thể thao ở các môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Quần vợt và nhiều CLB TDTT ở các môn khác được các doanh nghiệp đầu tư phát triển rộng khắp và được đánh giá rất cao, nếu không muốn nói là mô hình điểm cho các địa phương khác học hỏi.  

Tại Gia Lai, ngoài những địa chỉ tập luyện như Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng của Câu lạc bộ HAGL, Khu Liên hợp Thể thao Binh đoàn 15 và Quân đoàn 3… thì nhiều CLB do tư nhân đầu tư xây dựng và hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Câu lạc bộ Bóng chuyền Đức Long Gia Lai. Và gần đây, những mô hình về khu tập luyện TDTT hoàn toàn do tư nhân xây dựng như Khu liên hợp Thể thao-Giải trí Thế Dân, tại địa chỉ số 31 đường Chu Mạnh Trinh, tổ 15, phường Hội Phú, TP.Pleiku đã có sức hút mạnh mẽ đốivới người dân. Đây được xem là mô hình kiểu mẫu đang được nhân rộng ở thành phố Pleicu và các địa phương khác trong tỉnh.

Khu liên hợp Thể thao-Giải trí Thế Dân được khánh thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2015 có tổng diện tích 1,3ha, bao gồm: 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; 2 hồ bơi (dành cho trẻ em và người lớn); 2 sân tennis có mái che di động; khu vui chơi liên hoàn dành cho trẻ em và khu cà phê sân vườn. Ngoài hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, nơi đây còn có đội ngũ huấn luyện viên chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu luyện tập TDTT của người dân. Chính vì vậy, dù mới ra đời chưa lâu nhưng Khu liên hợp Thể thao-Giải trí Thế Dân luôn thu hút đông đảo người dân đến tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện TDTT.

Thêm một điểm nhấn trong công tác xã hội hóa TDTT ở Gia Lai chính là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng sân bóng đá cỏ nhân tạo. Hiện nay, Gia Lai được coi là một trong số ít địa phương trong cả nước có số lượng sân bóng đá cỏ nhân tạo nhiều nhất: Với 32 sân, với tổng số tiền đầu tư lên tới 10 tỷ đồng (Bình Định chỉ có 5 sân, Đak Lak 6 sân, Kon Tum 3 sân). 

Tạo đà cho phong trào TDTT quần chúng phát triển

Có thể nói, việc gia tăng các loại hình CLB TDTT cũng như hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi và tăng cường đầu tư xây dựng các Khu liên hợp thể thao-giải trí bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước đã góp phần đáp ứng nhu cầu về tập luyện TDTT của người dân. Qua đó, thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, năm 2010, toàn tỉnh chỉ có hơn 21% dân số thường xuyên tham gia tập luyện, trên 16,5% số hộ đạt danh hiệu "gia đình thể thao", và đến nay, các chỉ số này ước đạt tỷ lệ 30% dân số tham gia tập luyện thường xuyên; 23% số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên. Bên cạnh đó, số CLB TDTT đơn môn và đa môn cũng tăng nhanh chóng. Hiện nay toàn tỉnh có trên 400 câu lạc bộ thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn và các công sở nhà nước; trong đó có hơn 300 câu lạc bộ TDTT cơ sở thường xuyên hoạt động có hiệu quả. Các hoạt động thể dục thể thao quần chúng gắn liền với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, trở thành truyền thống và có sức hấp dẫn thu hút các đối tượng tích cực tham gia luyện tập, thi đấu và biểu diễn tạo không khí vui tươi lành mạnh, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian ngày càng được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, góp phần khai thác giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Nhờ đó,100% số xã phường, thị trấn và nhiều cơ quan đơn vị đã xây dựng được sân bãi phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn...

Công tác giáo dục thể chất trong các trường học cũng được quan tâm hơn, hiện có hơn 95% các địa phương trong tỉnh đã triển khai dạy môn thể dục 2 tiết/tuần và thường xuyên tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa. Từ phong trào thể dục thể thao ở cơ sở đã phát hiện những tài năng, góp phần bổ sung lực lượng vào cho đội tuyển thể thao tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động này còn phát triển chưa đồng đều và chất lượng chưa cao, nhất là ở các vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thể dục thể thao trong các trường học vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu giáo viên thể chất và sân bãi, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tập luyện của học sinh các cấp.

Thực tế cho thấy công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT ở Gia Lai bước đầu đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần đưa phong trào TDTT quần chúng của địa phương ngày càng phát triển. Tuy vậy, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, rất cần có những cơ chế chính sách phù hợp về thuế, giá thuê mặt bằng, hỗ trợ nguồn vốn…  để kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư từ vào lĩnh vực TDTT.

HP

Ảnh trong bài
  • Gia Lai: xã hội hóa TDTT tạo đà cho TDTT quần chúng phát triển