You must configure this module first via "Module Settings"

Hiệu ứng tích cực từ công tác xã hội hóa TDTT ở thành phố Thái Nguyên

Phong trào tập luyện thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn thành phố Thái Nguyên thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân tăng cao và hệ thống dịch vụ trong lĩnh vực này cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng góp phần đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong phong trào TDTT của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Vũ Xuân Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin T.P Thái Nguyên cho biết: thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT trên địa bàn thành phố, nhiều năm qua, thành phố đã hỗ trợ tối đa cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ TDTT; đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các sân luyện tập thể thao. Ngoài ngân sách nhà nước cấp hàng năm để tổ chức các giải thi đấu thể thao, thành phố còn vận động nhân dân, tham gia ủng hộ kinh phí với số tiền thu được trung bình mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo thống kê, trong khoảng 5 năm trở lại đây, toàn thành phố đã xây dựng được 8 sân luyện tập môn bóng đá với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng; hàng chục sân luyện tập các môn thể thao khác nâng tổng số sân luyện tập các môn thể thao lên 800 sân trong đó có 25 sân bóng chuyền, 10 sân bóng rổ, 25 sân tennis và 11 phòng tập thể hình -  thẩm mỹ. Đây đều là những công trình TDTT được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (Toàn tỉnh hiện nay có hơn 1000 sân cầu lông, trên 40 sân tennis, trên 10 sân bóng đá...). Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT mà hàng năm, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện của thành phố không ngừng tăng cao. Năm 2009, toàn thành phố có 40% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, năm 2013, con số này là 46% và đến nay chiếm khoảng 49%.

Nhiều CLB Yoga được thành lập và hoạt động hiệu quả ở thành phố Thái Nguyên (Ảnh: N.Ánh)
Yếu tố quan trọng giúp cho phong trào TDTT của thành phố phát triển mạnh thời gian qua chính là do tinh thần và nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân tăng cao. Có mặt tại CLB C&C (tại tổ 1, phường Gia Sàng -T.P Thái Nguyên) vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, điều mà ai ai cũng dễ dàng cảm nhận được chính là không khí tập luyện của các cầu thủ bóng đá “không chuyên” nơi đây thật sôi động và náo nhiệt. Dù mới đi vào hoạt động được vài năm nhưng CLB luôn thu hút trung bình trên 1 nghìn lượt người tập luyện bóng đá mỗi tháng. Đặc biệt, trong những lúc cao điểm vào mùa hè,  số người đến CLB đá bóng lên tới trên 2 nghìn lượt người tập luyện mỗi tháng trong đó có trên 300 người luyện tập thường xuyên. Anh Đàm Đức Mạnh, quản lý Câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ Bóng đá C&C được thành lập năm 2011 với tổng số tiền đầu tư trên 1,5 tỷ đồng hoàn toàn do những người đam mê môn bóng đá đóng góp xây dựng trên diện tích hơn 2 nghìn mét vuông.

Được biết, giá thuê sân ở Câu lạc bộ C&C từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng mỗi giờ. Đây là mức giá được nhiều người cho là rất phù hợp, chính vì vậy, rất nhiều người, trong đó đông nhất là lực lượng thanh, thiếu niên đã tìm đến CLB Bóng đá C&C để được thỏa sức tập luyện và thi đấu môn thể thao vua.

Anh Nguyễn Hoàng – thành viên của Câu lạc bộ C&C chia sẻ: trước đây, trên địa bàn thành phố rất ít chỗ cho chúng em tập luyện môn Bóng đá. Chúng em thường tập ngay ở vỉa hè, quảng trường Trung tâm thành phố nhưng rất nguy hiểm nên thường bị cấm. Những năm gần đây, các sân bóng mở ra nhiều đã tạo cơ hội tốt cho em và bạn bè được chơi môn thể thao ưa thích này.

Không chỉ có bóng đá, nhiều môn thể thao khác như Yoga, Thể dục dưỡng sinh, Thể dục thẩm mỹ,… cũng ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa. Câu lạc bộ thể hình, thẩm mỹ Thái Sơn số 64, đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) cũng được đầu tư 100% từ nguồn vốn đóng góp của các cá nhân đam mê hoạt động.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thể hình, thẩm mỹ Thái Sơn - Anh Nguyễn Văn Sơn (số 64, đường Lương Ngọc Quyến T.P Thái Nguyên) cho biết: CLB do anh làm chủ nhiệm cũng được đầu tư 100% từ nguồn vốn đóng góp của các cá nhân đam mê hoạt động. Ban đầu, Câu lạc bộ chỉ được trang bị những thiết bị cơ bản với tổng giá trị đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Qua hơn 10 năm hoạt động, để đáp ứng nhu cầu của người luyện tập, câu lạc bộ đã đầu tư thêm nhiều thiết bị luyện tập hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Đài Loan… với tổng đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng. Vào những thời gian cao điểm, Câu lạc bộ Thái Sơn thu hút tới trên 2 nghìn lượt người mỗi tháng với trên 500 thành viên luyện tập thường xuyên, cao gấp 3 lần so với thời điểm mới thành lập năm 2002.

Và Câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh (CLBTD) Phường Gia Sàng cũng là một trong những điểm sáng về TDTT. Vào các buổi sáng sớm, hàng trăm hội viên là những người trung niên, cao tuổi của thành phố lại ra sân tập với các bài tập về thái cực quyền 24, 42 thức, vũ điệu thể thao Sampa và những màn múa quạt đẹp mặt. Đây là hoạt động tự nguyện và có sự chỉ đạo, hướng dẫn của hội Người cao tuổi phường và Sở VH,TT&DL. Hiện nay các phường của thành phố Thái Nguyên đều có CLB Thể dục dưỡng sinh, một số xã ở các huyện cũng có CLB Thể dục dưỡng sinh và ngày càng tăng về số lượng. Hàng năm thành phố  và tỉnh tổ chức hội thi giữa các CLB Thể dục dưỡng sinh nhằm khích lệ động viên phong trào, ngoài ra các CLBTD dưỡng sinh còn tổ chức giao lưu với các tỉnh trong khu vực như: Tuyên Quang, Cao Bằng, TP Hà Nội.

Không chỉ đẩy mạnh việc phát triển các loại hình Câu lạc bộ TDTT mà hàng năm, thành phố Thái Nguyên còn kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân đóng góp hàng tỷ đồng để tổ chức nhiều giải thể thao như: Giải Cầu lông – Bóng bàn công nhân viên chức lao động TP Thái Nguyên 2016; bóng đá công nhân viên chức, lao động và Đoàn Thanh niên lần thứ II năm 2016 tranh cúp BMG; giải thể thao cán bộ công chức viên chức Công đoàn Giáo dục TP Thái Nguyên; giải Việt dã Tiền phong thành phố Thái Nguyên...

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, thành phố Thái Nguyên sẽ tiếp tục mở rộng thành lập thêm các Hội, Câu lạc bộ TDTT; vận động các mạnh thường quân tài trợ kinh phí tổ chức các hoạt động TDTT; khuyến khích người dân đầu tư các cơ sở, hạng mục phục vụ cho việc tập luyện TDTT trên địa bàn ngày một hoàn thiện hơn. Đây cũng chính là những giải pháp để đưa phong trào TDTT của thành phố Thái Nguyên ngày càng phát triển xứng tầm. ông Vũ Xuân Cường nhấn mạnh.

VD

Ảnh trong bài
  • Hiệu ứng tích cực từ công tác xã hội hóa TDTT ở thành phố Thái Nguyên