You must configure this module first via "Module Settings"

Đồng Tháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TDTT

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT tỉnh Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả khả quan. Hàng năm, toàn tỉnh huy động khoảng 18 tỷ đồng cho hoạt động TDTT từ các nguồn lực xã hội. Công tác xã hội hóa đã góp phần đáng kể vào sự phát triển hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh.

Nhiều loại hình tổ chức TDTT ở cơ sở được hình thành đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Không chỉ tổ chức bằng nguồn ngân sách của địa phương, nhiều giải thể thao cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đã thu hút được nguồn tài trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. TX.Hồng Ngự, TP.Sa Đéc, huyện Lai Vung... là các địa phương nổi bật trong công tác xã hội hóa hoạt động TDTT. Điển hình như Lai Vung, nhiều năm qua giải việt dã và đua xuồng truyền thống của huyện được duy trì dưới sự tài trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Có được những kết quả khả quan đó là nhờ sự đổi mới cơ bản quan điểm nhận thức, giải pháp thực hiện xã hội hóa TDTT của ngành TDTT tỉnh Đồng Tháp, tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp TDTT. Bên cạnh đó, ngành TDTT tỉnh Đồng Tháp đã kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các Liên đoàn, Hội thể thao, xây dựng thêm các Liên đoàn, Hội mới và đi vào hoạt động có hiệu quả. Chuyển giao hoạt động tác nghiệp về thể thao cho các Liên đoàn, Hội, đơn vị sự nghiệp TDTT và các cơ sở ngoài công lập thực hiện.

Đại hội TDTT tỉnh Đồng Tháp lần thứ VII năm 2014 (Ảnh: báo đồng tháp)

Từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp TDTT trực thuộc cấp tỉnh và cấp huyện sang áp dụng chế độ tự chủ tài chính, tiến tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT để phát triển phong trào và thể thao thành tích cao. Điều chỉnh quy hoạch, chính sách phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội hóa.

Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức xã hội, tư nhân mở trường, lớp đào tạo năng khiếu thể thao, đầu tư xây dựng cơ sở tập luyện và đào tạo tài năng thể thao. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển TDTT và vận dụng chủ trương xã hội hóa đối với các hoạt động TDTT ở cấp cơ sở. Sơ kết việc thực hiện chính sách ưu đãi về lĩnh vực này để đề xuất những cơ chế ưu đãi, thu hút, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tư nhân tham gia.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng, triển khai chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh tài sản TDTT, coi đây là nền tảng cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững về TDTT tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tạo nguồn kinh phí hoạt động có hiệu quả, ngoài ngân sách nhà nước.

Nghiên cứu thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển các loại hình kinh doanh tài sản TDTT nhằm đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa TDTT tỉnh Đồng Tháp. Khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức và cá nhân phát triển các thiết chế, cơ sở vật chất, các loại hình câu lạc bộ TDTT ngoài công lập. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư đào tạo lực lượng thể thao thành tích cao.

Nhờ những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, thể thao thành tích cao của tỉnh đã và đang được sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp như: Công ty Xổ số kiến thiết, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Doanh nghiệp Cỏ May, Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí, Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp và Vật liệu xây dựng... với tổng số tiền tài trợ cho các đội thể thao thành tích cao của tỉnh từ 15 - 18 tỷ đồng/năm. Trong đó, đội bóng đá Đồng Tháp thi đấu giải chuyên nghiệp nhận được sự tài trợ từ doanh nghiệp bình quân từ 10 - 15 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, những năm gần đây, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT từ ngân sách, nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư xây dựng sân bãi, phòng tập TDTT,... theo hướng làm dịch vụ đã tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân. Hiện toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao (Công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Đồng Tháp và Công ty TNHH Lãm Thủy Đình, tại TP.Sa Đéc), khoảng 18 phòng tập TDTT, 11 hồ bơi Composite, 20 hồ bơi cố định, 12 hồ bơi đơn giản; có 6 nhà thi đấu, 11 nhà tập; 121 sân bóng đá 5 người bằng cỏ nhân tạo.

Với những kết quả đã đạt được, ngành TDTT tỉnh Đồng Tháp cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa sẽ bằng 60% kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động TDTT. Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ xây dựng cơ sơ vật chất TDTT trong chương trình nông thôn mới, Cấp xã: Sân bóng đá (loại 11 người); 01 hồ bơi đơn giản (dành cho tập bơi trẻ em); Một số điểm, phòng tập TDTT các môn thể thao đơn giản; Công viên cây xanh (dành cho câu lạc bộ dưỡng sinh); Tụ điểm văn hóa - thể thao; Mỗi ấp có một sân bóng chuyền và 01 sân bóng đá mini. Cấp huyện: Khu liên hợp TDTT, gồm có 01 sân vận động (quy mô khán đài 500 - 1000 chỗ); 01 nhà tập và thi đấu quy mô từ 500 đến 1.000 khán giả; 01 hồ bơi 50m (hoặc 25m). Cấp tỉnh: Đầu tư mới và nâng cấp các công trình TDTT, tổng đầu tư là 62 tỷ (ngân sách: 56 tỷ + xã hội hoá: 06 tỷ), trong đó giai đoạn 2016 – 2020: 26 tỉ (xã hội hoá: 02 tỷ).

KC

Ảnh trong bài
  •  Đồng Tháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TDTT