Ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai, thực hiện Nghị quyết 08 - CT/TW sự nghiệp Thể dục Thể thao Quảng Ninh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Thể thao Quảng Ninh đã có những bước phát triển tiến bộ, đa dạng, đúng hướng, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Mặc dù ở thời điểm đó điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, song với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong tỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu mà ngành Thể dục Thể thao tỉnh đặt ra cơ bản đã hoàn thành và đang được tiếp tục triển khai đạt kết quả tốt.
Qua 5 năm thực hiện NQ 08 -CT/TW, phong trào Thể thao quần chúng luôn gắn kết chặt chẽ với phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với số người tập luyện Thể dục Thể thao thường xuyên đạt gần 30% dân số; gia đình Thể thao đạt 24%... Các Câu lạc bộ Thể dục Thể thao như: Bóng bàn, Cầu lông, Cờ, Võ thuật, Thể dục dưỡng sinh, Quần vợt, Bóng đá... ngày càng phát triển và tăng cả về chất lượng cũng như quy mô. Có được kết quả đó là do cơ quan, tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và tư nhân đứng ra thành lập, nhân dân vận động góp vốn để tổ chức và quản lý.
Số Câu lạc bộ Thể dục, Thể thao các cấp hàng năm đều tăng, đến nay đã có gần 2.000 Câu lạc bộ, 186/186 xã phường, thị trấn có phong trào và xây dựng các điểm tập luyện Thể dục Thể thao. Trung bình mỗi năm tổ chức 20 giải Thể thao cấp tỉnh, 400 - 500 giải Thể thao cấp huyện, ngành và hàng ngàn giải Thể thao cấp xã. Năm 2014, Đại hội Thể dục Thể thao các cấp và cấp tỉnh lần thứ VII được tổ chức với sự tham gia của 95% xã, phường, thị trấn, 100% các huyện, thị xã, thành phố và 6 đơn vị khối ngành trong tỉnh.
Đồng thời, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh và tham gia Hội khỏe phù đổng toàn quốc đạt thứ hạng cao: Năm 2012, đứng thứ 13/63; năm 2016, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ đơn vị đạt thành tích khá. Phong trào rèn luyện thân thể trong lực lượng vũ trang và tập luyện Thể dục Thể thao trong cán bộ công nhân viên chức, lao động, thanh niên có bước phát triển mạnh. Tính đến nay, đã có 50 cụm văn hóa Thể thao công chức, viên chức và người lao động trong toàn tỉnh với gần 80.000 người tham gia. Hàng năm Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ninh tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao với sự tham gia của hơn 4.500 vận động viên tham gia thi đấu.
Sau 5 năm thực hiện NQ 08 -CT/TW, Thể dục Thể thao Quảng Ninh đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, đặc biệt đối với Thể thao chuyên nghiệp gắn liền với các hoạt động Thể thao giải trí. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư một số môn Thể thao mũi nhọn, truyền thống như: Bóng đá nam- nữ, Bóng chuyền, Bơi, Đua thuyền, Pencaksilat, Cờ vua... Trong thời gian qua, Thể thao Quảng Ninh đã có vận động viên tham gia 6 giải Thể thao quốc tế và đạt 20 huy chương các loại gồm 10 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 4 Huy chương đồng. Trong đó, đáng chú ý là tấm Huy chương Vàng môn Cờ vua thế giới U8 của kỳ thủ nhí đầy tài năng Nguyễn Lê Cẩm Hiền, 2 Huy chương Vàng Đông Nam Á; môn Pencaksilat đạt 2 Huy chương Vàng Châu Á và 1 Huy chương Vàng thế giới...
Cùng với đó, các chỉ tiêu huy chương tại các giải Thể thao quốc gia, số lượng vận động viên đẳng cấp quốc gia hàng năm đều đảm bảo kế hoạch, năm sau vượt hơn năm trước. Năm 2011, Quảng Ninh tham gia 59 giải thể thao toàn quốc đạt 226 huy chương, vượt chỉ tiêu 62 huy chương, 100 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia thì sau hơn 5 năm tỉnh Quảng Ninh đã tham gia hơn 60 giải Thể thao đã đạt gần 300 huy chương. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 14/66 tỉnh, thành, ngành. Năm 2013, đội bóng đá nam hạng nhất Than Quảng Ninh thăng hạng thi đấu tại giải vô địch quốc gia (V.League) và luôn đứng trong tốp 4, trong đó năm 2016 đội đã vô địch Cúp quốc gia. Bóng đá nữ giành Cúp vô địch quốc gia năm 2012, Cúp vô địch U19 năm 2014. Năm 2015, đội Bóng chuyền nữ vô địch giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc, được thăng hạng giải Bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2016...
Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá các hoạt động Thể dục Thể thao luôn được đẩy mạnh và nâng cao, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển Thể dục Thể thao từ quần chúng đến Thể thao đỉnh cao. Kết quả cho thấy, trong những năm gần đây, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh các thiết chế văn hóa, Thể thao, vui chơi giải trí có quy mô lớn, điển hình là các sân Golf Tuần Châu, FLC, Vĩnh Thuận; các công trình văn hóa, Thể thao của Công ty TNHH Hà Lan (Đông Triều), Khu Thể thao Bắc cầu Sông Chanh (Quảng Yên), các trung tâm văn hóa Thể thao của ngành Than như Nhà thi đấu, sân vận động của các Công ty than Vàng Danh, Hà Tu, Hà Lầm, Cửa Ông... Đáng chú ý, Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc với diện tích 200ha, đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để san lấp mặt bằng và đang xây dựng Nhà thi đấu đa năng 5 ngàn chỗ, sân vận động Cẩm Phả được đầu tư nâng cấp đủ điều kiện đăng cai các giải Bóng đá quốc gia, quốc tế; các đội Bóng đá nữ Than Khoáng sản Việt Nam giành Cúp Vô địch giải vô địch quốc gia năm 2012, đội Bóng đá nam Than Quảng ninh lên hạng vô địch quốc gia từ mùa giải 2014 và vô địch Cúp quốc gia năm 2016.
Ngoài ra, còn có hàng trăm công trình dịch vụ văn hóa, Thể thao do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thu hút hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho văn hóa, thể thao từ xã hội. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 44 sân vận động, trong đó có 17 sân có khán đài; 73 sân bóng đá mi ni, trong đó có 23 sân cỏ nhân tạo; 45 nhà thi đấu đa năng; 246 sân Bóng chuyền; 44 sân Bóng rổ; 210 sân Quần vợt; 26 bể bơi và trên 3.000 sân Cầu lông...
Song song với việc thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ Thể thao phong trào cũng như Thể thao thành tích cao thì Thể dục Thể thao Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế như Thể dục, Thể thao phát triển chưa thật sự đồng đều và sâu rộng, thành tích Thể thao các môn Olympic còn thấp, chưa có nhiều vận động viên đẳng cấp quốc gia, quốc tế. Mức đầu tư và huy động các nguồn lực từ cộng đồng cho Thể dục Thể thao còn hạn chế, các văn bản thiết chế hướng dẫn, định hướng cho sự phát triển Thể dục Thể thao của tỉnh còn chưa cụ thể, sát sao...
Với những kết quả mà ngành Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Ninh đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08/TW là sự đánh dấu nỗ lực không ngừng của các cấp Ủy đảng, chính quyền trong tỉnh cũng như những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực Thể dục Thể thao của tỉnh. Để công tác Thể dục Thể thao tiếp tục đi đúng định hướng cũng như gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa trong thời gian tới ngành Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển sự nghiệp Thể dục Thể thao giai đoạn 2016- 2020.
Trong đó, nổi bật là thời gian tới tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Chỉ thị số 12-CT/TU... Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể thao Quảng Ninh trong giai đoạn 2016- 2020.
Cùng với đó, luôn coi trọng và phát triển phong trào Thể dục Thể thao quần chúng rộng khắp trên mọi địa bàn, lứa tuổi và đối tượng, phấn đấu đến năm 2020, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35% dân số; số gia đình thể thao đạt 30%...
Tập trung đầu tư phát triển các môn Thể thao thành tích cao có thế mạnh, đặc biệt là các môn thể thao Olympic như Bóng đá, Bóng chuyền, Cờ vua, Bơi- Lặn, Đua thuyền, Điền kinh, Pencaksilat, Wushu, Taekwondo. Phấn đấu đứng trong tốp 15/66 tỉnh, thành, ngành tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018. Đội bóng đá nam Than Quảng Ninh, Đội bóng đá nữ Than khoáng sản Việt Nam đứng trong trong tốp giành huy chương Giải vô địch quốc gia; Đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh đứng trong TOP 5 giải Bóng chuyền vô địch quốc gia. Lựa chọn và phát triển các môn thể thao giải trí gắn với phục vụ khách du lịch như Đua thuyền buồm, lướt sóng (Môtô trượt nước), Parasailing (Ca nô kéo dù bay), Windsurfing (lướt ván buồn), Kayak; đưa các môn thể thao dân tộc phát triển và trở thành những sản phẩm du lịch...
N. H