You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Phước tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của đại bộ phận nhân dân tỉnh Bình Phước không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hoá, thể thao ngày càng được nâng cao. Theo đó, công tác thể dục, thể thao (TDTT) của địa phương cũng từng bước có những chuyển biến tích cực góp phần ổn định an ninh, trật tự và hạn chế các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một trong những yếu tố quan trọng đưa phong trào TDTT của địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ chính là nhờ việc triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại do Bộ VHTTDL phát động. Đến nay, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

Xác định TDTT quần chúng là nền tảng, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển hài hòa các yếu tố về thể lực, tinh thần và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương, trong những năm qua cấp ủy đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội triển khai cuộc vận động. Hằng năm, ngành VHTTDL đều tổ chức đáng giá, bình xét việc thực hiện phong trào TDTT ở cơ sở; kịp thời khen thưởng các cá nhân, hộ gia đình, gương điển hình tiêu biểu trong sự nghiệp phát triển phong trào TDTT.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 27% số dân trên tổng dân số tập luyện TDTT thường xuyên (trung bình mỗi năm tăng 2,1%) và số gia đình tập luyện thể thao là 15% trên tổng hộ dân. Phong trào TDTT ở cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo bước phát triển mới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành. Đặc biệt phong trào TDTT trong người cao tuổi, người khuyết tật, thanh thiếu niên, học sinh, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phong trào TDTT học đường cũng được quan tâm chú trọng với 100% trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo chương trình giáo dục thể chất nền nếp. Nhiều trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa, tích cực tham gia “Hội khỏe Phù Đổng” các cấp...

Từ vị trí 32/66 tỉnh, thành, ngành tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010, đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Bình Phước đã đứng vị trí 24/65 tỉnh thành, ngành (tăng 8 bậc) và có 5 lượt vận động viên tiêu biểu, xuất sắc tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế, SEA Games 26, SEA Games 27 và đạt thành tích cao.

Cùng với sự phát triển về phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của Bình Phước cũng từng bước có những chuyển biến đáng ghi nhận. Chỉ tỉnh riêng trong năm 2015, tỉnh đã đào tạo được 95 vận động viên năng khiếu; 78 vận động viên đội tuyển trẻ; 93 vận động viên đội tuyển tỉnh; 80 vận động viên đạt đẳng cấp (23 kiện tướng, 19 dự bị kiện tướng, 38 cấp I). Các đội tuyển của tỉnh đã thi đấu và giành được 182 huy chương các loại, đạt 152% so với kế hoạch năm, gồm 40 huy chương vàng, 57 huy chương bạc, 85 huy chương đồng. Câu lạc bộ bóng đá Bình Phước được lên chơi ở giải hạng nhất quốc gia năm 2015 và đã hoàn thành mục tiêu trụ hạng mùa thứ nhất.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên công tác xã hội hoá hoạt động TDTT đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát huy các nguồn lực trong xã hội thúc đẩy phong trào TDTT phát triển. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT được đẩy mạnh, hình thành và phát triển nhiều công trình như sân bãi, nhà thi đấu. Đến nay, việc xây dựng công trình, thiết chế TDTT phục vụ rèn luyện thân thể cấp tỉnh đã xây dựng được 2 sân vận động, 4 sân tennis, 1 nhà tập thể thao đa năng, sân tập cho các môn bóng chuyền bãi biển, bóng đá, cầu mây, bóng rổ, 1 nhà tập thể thao dành cho các môn teakwondo, boxing, silat... Cấp huyện, 11 huyện, thị xã đã thành lập trung tâm văn hóa - thể thao và xây dựng được 4 nhà thi đấu thể thao đa năng, 1 nhà tập thể thao đa năng, 5 sân vận động có khán đài.

Ngoài ra, các huyện còn tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân bóng chuyền hoặc cho các cơ sở kinh doanh đầu tư làm sân bóng đá mini. 18/111 xã phường, thị trấn thành lập trung tâm văn hóa - thể thao, 94 sân bóng đá, 279 sân bóng chuyền. Bên cạnh đó còn có 80 câu lạc bộ TDTT như quần vợt, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể dục thể hình, dưỡng sinh và hàng trăm công trình thể thao được xây dựng theo mô hình xã hội hóa. Trong đó có 100 sân bóng đá, 91 sân quần vợt, 50 bể bơi, hàng chục câu lạc bộ thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ... hoạt động tốt, thu hút nhiều người tham gia.

Nhiều hoạt động TDTT được tổ chức đa dạng, phong phú và diễn ra sôi nổi từ cấp tỉnh đến cơ sở, từ đó phong trào TDTT đã thực sự đi vào đời sống xã hội. Theo đánh giá của UBND tỉnh, cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là phong trào TDTT mới được phát triển mạnh ở khu vực đô thị. Các thiết chế thể thao cơ bản như sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi... từ tỉnh đến cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sân vận động của các huyện, thị xã chủ yếu vẫn nằm trên diện tích quy hoạch, chưa được đầu tư làm mới. Khu thiết chế thể thao, sân vận động, sân bóng đá cấp xã chủ yếu được tận dụng từ khoảng không gian trống để hoạt động nên hình thức rất thô sơ và không được chăm sóc thường xuyên nên xuống cấp.

Để cuộc vận động ngày càng lan tỏa, theo ôngVõ Quốc Thắng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, trong thời gian tới ngành VHTTLD Bình Phước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển TDTT đến các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với công tác TDTT cơ sở; cần quan tâm và có những đề án lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế, các công tình TDTT để kịp thời đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể cho nhân dân địa phương; thực hiện tốt việc quy hoạch đất và đầu tư xây dựng các công trình TDTT nhất là ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Chú trọng nâng cao phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tích cực tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân tầm quan trọng của TDTT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

VD

Ảnh trong bài
  • Bình Phước tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại