|
Nhì thi đấu tỉnh Kon Tum - nơi diễn ra nhiều giải thi đấu thể thao quốc gia (Ảnh: Thế Thiện ) |
Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Được chia tách ra từ tỉnh Gia Lai – Kon Tum từ nưm 1991, với điều kiện kinh tế xã hội vô cùng khó khăn, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Jẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm… hệ thống bộ máy và cơ sở vật chất cho hoạt động công tác TDTT nghèo nàn và lạc hậu. Từ chỗ toàn tỉnh có 13 cán bộ TDTT (cấp tỉnh 07 người, cấp huyện 02 người (Sa Thầy 01 người, Đăk Tô 01 người); 04 cán bộ ở ngành khác (Giáo dục 03 người, Điện lực 01 người); trong đó chỉ có 04 người có trình độ đại học, 07 người trung cấp, còn lại chưa qua đào tạo.
Cùng với nguồn nhân lực mỏng, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT của Kon Tum gần như chưa có gì. Điều này cũng chính là lý do khiến Kon Tum là một trong những điểm trắng về TDTT trên bản đồ thể thao quốc gia. Tuy vậy, vượt qua những khó khăn, thách thức, Kon Tum đã từng bước hoàn thiện về nguồn nhân lực cũng như hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT, đặc biệt là các chính sách phát triển TDTT của địa phương, trong đó xã hội hóa TDTT được xem là con đường tất yếu để thúc đẩy phong trào TDTT.
Nhằm huy động mọi tiềm năng trí tuệ và vật chất trong xã hội, vào chăm lo, phát triển các hoạt động Thể dụ thể thao; Đồng thời tạo mọi điều kiện để toàn xã hội, nhất là các đối tượng chính sách được hưởng thụ các giá trị văn hóa và tham gia phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu văn hóa tinh thần và rèn luyện nâng cao sức khỏe của mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện đề án, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao ở Kon Tum đã đạt được những bước chuyển biến đáng ghi nhận.
Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm đầu khi tách tỉnh, Kon Tum chỉ có 01 Liên đoàn Bóng đá thì hiện nay Liên đoàn Cầu lông, Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt và 01 Hội Bóng bàn lần lượt ra đời, cùng với gần 100 Câu Lạc bộ cấp cơ sở đã tạo nên một diện mạo mới cho thể dục thể thao Kon Tum phát triển.
Về số lượng các môn thể thao đã tăng dần theo từng năm, từ 4 môn thể thao ban đầu (năm 1991) đến nay toàn tỉnh đã có 24 môn thể thao (tính cả môn thể thao dân tộc), tăng 20 môn so với năm đầu tách tỉnh. Hình thức đã và đang ngày một đa dạng, phong phú; từ hình thức tập luyện đơn lẻ đến nay đã có nhóm tập, điểm tập, cơ quan, ngành, Câu Lạc bộ, Hội… Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế thể dục thể thao của Kon Tum cũng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Toàn tỉnh có 10 sân vận động, 11 nhà thi đấu từ 2 – 3 môn, 5 nhà tập từng môn, 346 sân bóng đá, 539 sân bóng chuyền, 161 sân cầu lông, 36 sân quần vợt, 9 sân bóng rổ, 6 phòng tập thể hình, hơn 800 bàn bida các loại.
Trong 2 năm (2015, 2016), Kon Tum đã huy động nguồn xã hội hóa từ các danh nghiệp, cơ quan, đơn vị và nhân dân vào làm lại mới, sửa chữa các thiết chế văn hóa cơ sở (nhà Văn hóa cộng đồng, nhà rông văn hóa truyền thống); kinh phí làm lại mới từ 300 triệu đến 01 tỷ đồng/ nhà rông, kinh phí làm lại, sửa chữa mỗi nhà từ 20 - 100 triệu đồng. Đặc biệt, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực thể dục thể thao đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 07 sân cỏ nhân tạo, 40 sân bóng chuyền, 10 bàn bóng bàn, 01 bể bơi, 01 sân cầu lông... bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, với số tiền xã hội hóa khoảng trên 7 tỷ đồng.
Hàng năm, mỗi huyện, thành phố duy trì tổ chức từ 08 – 10 giải; từ 20 – 30 giải thể thao do các ngành cấp tỉnh tổ chức. Kết quả, qua 8 kỳ tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, đoàn VĐV của Kon Tum liên tục giành những thứ hạng cao như về thành tích toàn đoàn luôn nằm trong “top” từ thứ 4 đến thứ nhất so với 32 tỉnh thành phía Nam.
Cùng với sự phát triển về phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của Kon Tum cũng từng bước được cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng huy chương. Nếu như năm 2010, tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc , Kon Tum chỉ đạt 01 HCV, 03 HCB, 10 HCĐ đứng thứ 59/66 đoàn, thì đến năm 2014, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7, Kon Tum đã vươn lên 3 bậc, xếp vị trí thứ 56/65 đoàn tham dự. Năm 2015, đoàn thể thao Kon Tum tham gia vòng bảng Giải bóng đá Hạng Nhì Quốc gia năm 2015 và giải trẻ Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ XVI đạt 01 HCĐ; Tham gia giải vô địch Điền kinh các lứa tuổi trẻ toàn quốc tháng 3 năm 2015 đạt 2 HCV, 1 HCB,1 HCĐ; Tham gia Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc; Tham gia Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc…
Tính đến năm 2015, có 100% trường học trong tỉnh đảm bảo dạy đúng thời lượng, đủ nội dung chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số người tập luyện thường xuyên của Kon Tum đạt 25%; số gia đình thể thao đạt 20%. Những kết quả trên dù vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng đó là thành quả của nỗ lực phấn đấu vượt bậc của tập thể cán bộ công chức, viên chức trong ngành, thể thao Kon Tum đã từng bước hòa nhịp với các tỉnh trong khu vực và của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Quy mô các cơ sở xã hội hoá ngoài công lập còn nhỏ, tập trung vào các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội có nhu cầu cao, có vốn đầu tư thấp, nhanh chóng thu hồi vốn và tập trung ở khu vực có kinh tế phát triển; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai… chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế ngoài công lập; chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa chưa sâu rộng nên chưa khuyến khích đầu tư, huy động nhiều nguồn lực tham gia phát triển cơ sở vật chất, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch; việc tổ chức huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác xã hội hóa lĩnh vực môi trường còn nhiều khó khăn; các đơn vị sự nghiệp công chưa chủ động nghiên cứu, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực và khai thác tài sản được Nhà nước giao để phát triển và mở các hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ, tạo nguồn thu cho đơn vị.
Trước những kết quả cũng như tồn tại hạn chế trong công tác xã hội hóa TDTT, Kon Tum đã đề ra một số giải pháp để tiếp tục triển khai trong những năm tới đó là: Đẩy mạnh các hoạt động TDTT tại chỗ và lưu động, mở rộng hình thức cung ứng dịch vụ (công cụ, dụng cụ, trang thiết bị, trang phục, huấn luyện…) TDTT cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh; Mở rộng mô hình câu lạc bộ các bộ môn thể dục thể thao quần chúng. Từng bước chuyển đổi công tác huấn luyện nâng cao các môn thể thao thành tích cao cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất huấn luyện TDTT.
- Khuyến khích, động viên để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, tạo cơ hội cho mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh kinh tế và mọi hoàn cảnh dân cư đều được tập luyện TDTT, hướng tới một xã hội tập luyện TDTT lành mạnh. Phát triển các môn thể thao hiện đại và các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống dân tộc, để đáp ứng nhu cầu sở thích của các đối tượng. Thực hiện cơ chế hỗ trợ chuyên môn và các điều kiện khác để các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - kinh tế - xã hội và nhân dân đứng ra tổ chức các giải thi đấu TDTT theo các loại hình và quy mô khác nhau.
- Tạo điều kiện để cộng đồng dân cư tự xây dựng các câu lạc bộ, đội thể thao theo hướng nhà nước tiếp tục hỗ trợ phát triển phong trào TDTT ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo mọi đối tượng đều có cơ hội tiếp cận với hoạt động TDTT phổ thông và nâng cao.
- Tăng cường các các hoạt động phối hợp liên ngành để đẩy mạnh các phong trào tập luyện TDTT cho các đối tượng (nhất là học sinh, sinh viên các trường học) trên địa bàn dân cư của tỉnh.
- Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, chương trình “Phát triển TDTT ở cơ sở xã, phường đến năm 2020” và “Chương trình nâng cao tầm vóc, thể lực người dân Việt Nam”, coi đây là chương trình trọng điểm để phát triển sự nghiệp TDTT và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực hoạt động TDTT quần chúng.
- Đổi mới phương thức tổ chức điều hành các hoạt động thi đấu thể thao thành tích cao theo hướng chuyển dần các tổ chức hoạt động của nhà nước sang cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao. Nhà nước hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết để các tổ chức thực hiện. Vận động doanh nghiệp, tư nhân đứng ra tài trợ tổ chức các giải thi đấu đỉnh cao. Thực hiện các chính sách đối với huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên thể thao như: Chế độ tiền lương, tiền công, chế độ thưởng…tạo điều kiện để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp TDTT toàn tỉnh.
- Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội đã được thành lập. Tiếp tục thành lập các liên đoàn, hội còn lại để đến năm 2020 các môn thể thao đang có phong trào phát triển mạnh như: Bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, thể hình, cầu lông, bóng bàn, võ thuật… Thiết lập mối quan hệ phối hợp công việc chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội. Tổ chức phối hợp giữa hai bên, qua đó triển khai các nhiệm vụ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội.
VD