You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao ở Vĩnh Tường

Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa, phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã có những bước phát triển mới. Sự phát triển của phong trào thể dục thể thao (TDTT) đã góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập thường xuyên.

Bóng chuyền là giải đấu được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (Ảnh: KD)

Vĩnh Tường là huyện kinh tế điều kiện kinh tế, xã hội khá phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc, chính vì vậy, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, huyện đã huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với số tiền thu được hàng năm lên tới vài trăm triệu đồng. Kết quả này đã phần nào giúp cho các hoạt động TDTT của địa phương có thêm điều kiện phát triển.

Nhiều năm qua, với chủ trương, tổ chức hoạt động TDTT hướng về cơ sở, lấy địa bàn dân cư là trung tâm; thành lập các câu lạc bộ (CLB) thể thao theo sở thích… đã tạo được sự hưởng ứng tích cực của người dân, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT ngày càng được thực hiện hiệu quả. Phong trào TDTT đã có bước phát triển mới, thu hút nhiều người tham gia luyện tập.

Ông Lê Văn Thắng, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vĩnh Tường cho biết: Để đưa phong trào TDTT của huyện phát triển đồng bộ và rộng khắp thì cần phải có hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, tạo điều kiện cho người dân tham gia luyện tập thường xuyên. Tuy vậy, thực tế do nguồn kinh phí nhà nước cấp cho hoạt động TDTT còn hạn chế nên chủ trương xã hội hóa các hoạt động TDTT đã góp phần huy động “sức dân” để dần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động luyện tập, thi đấu. Tại các xã, trong đề án xây dựng nông thôn mới đều chú trọng đến việc dành quỹ đất cho hoạt động TDTT.

Theo thống kê, hiện nay, huyện có 1 sân vận động lớn nằm ở trung tâm huyện, 5 sân quần vợt, 1 nhà luyện tập và thi đấu cầu lông, 2 nhà thi đấu bóng bàn. Tại các xã có 13 trung tâm văn hóa – thể thao, 5 sân vận động đang xây dựng, 28 nhà luyện tập thể dục thể thao đa năng tại các xã, thị trấn, 28 sân bóng đá mini, 120 sân bóng chuyền, 170 sân cầu lông. Cùng với đó, mỗi năm, nhân dân các xã, thị trấn đã đóng góp hàng chục triệu đồng cho các giải thi đấu do địa phương tổ chức. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động tập luyện TDTT lên tới vài trăm triệu đồng.

Điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện chính là sự hình thành và phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng của các CLB thể dục thể thao. Các CLB thành lập trên tinh thần tự nguyện, tự chủ về nguồn tài chính, vừa góp phần thu hút người dân tham gia luyện tập, gây dựng phong trào TDTT ở cơ sở, vừa huy động nguồn lực từ nhân dân trong việc phát triển hoạt động TDTT.

Hiện nay, Vĩnh Tường có 10 CLB văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao cấp huyện, trong đó, có 4 CLB thể thao: Quần vợt, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá. Toàn huyện có 98 CLB TDTT hoạt động ở các thôn, xã. Trong đó, điển hình như xã Tam Phúc đơn vị dẫn đầu phong trào TDTT của huyện. Chỉ trong năm 2015, xã Tam Phúc đã thành lập 6 CLB TDTT: 2 CLB dưỡng sinh, thu hút 65 hội viên người cao tuổi tham gia; 3 CLB bóng chuyền (1 CLB bóng chuyền nam, 2 CLB bóng chuyền nữ); 1 CLB cầu lông, thu hút 147 hội viên tham gia. Các CLB được duy trì luyện tập thường xuyên. Sân luyện tập TDTT ở các thôn có trang bị dàn đèn cao áp và đèn com-pac phục vụ các CLB chơi Cầu lông, Bóng chuyền vào buổi tối. Đây đều là những CLB TDTT được thành lập bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của các CLB TDTT luôn được duy trì thường xuyên.

Ngày nào cũng vậy, cứ từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, các sân tập luyện TDTT lại rộn ràng tiếng cười nói, tiếng đánh bóng, tiếng hò reo cổ vũ những trận đấu bóng kịch tính. Các thành viên của CLB thường xuyên tham dự và đạt thứ hạng cao trong các giải thi đấu do huyện, tỉnh tổ chức (năm 2015, các CLB thể thao ở Tam Phúc tham gia thi đấu giành giải Nhất môn bóng chuyền nữ, giải Nhất môn Cầu lông và giải Ba môn Bóng chuyền nam).

Bác Trần Văn Hiến, hội viên CLB Bóng chuyền nam chia sẻ: “Tham gia luyện tập ở CLB giúp tôi được rèn luyện sức khỏe, được giao lưu với những người cùng sở thích. Hàng tháng, mỗi hội viên CLB đều góp "quỹ" để mua bóng, nước uống... Dù mới được thành lập được 2 năm nhưng hoạt động của CLB được duy trì tốt đã thu hút được người dân trong xã và cả xã bạn tham gia luyện tập. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho chúng tôi”. 

Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT được thực hiện tốt là một trong những nhân tố có tác động khích lệ phong trào TDTT trên địa bàn huyện phát triển. Hiện, phong trào TDTT quần chúng ở Vĩnh Tường đã có sự phát triển sôi nổi và rộng khắp các xã, thị trấn. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu thể thao, các địa phương trong huyện còn phát động phong trào xây dựng gia đình thể thao. Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp, các gia đình được khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các CLB thể thao và duy trì tập luyện thường xuyên. Các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như: Đấu vật, kéo co, đánh du, đánh đáo... được khôi phục và phát triển.

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT đã góp phần đưa số người tập luyện TDTT thường xuyên của huyện không ngừng tăng hàng năm. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 40% số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên, 30% số gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên. Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh tại các thôn, xã trong toàn huyện. Giữa các thôn, làng, khu dân cư thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết trong quần chúng nhân dân. Nhiều câu lạc bộ (CLB) TDTT từ cấp huyện tới cơ sở được hình thành, duy trì và phát triển, thu hút đông đảo người dân tham gia. .

Các bộ môn thể dục thể thao đơn giản, dễ luyện tập như: bóng chuyền, bóng đá thanh thiếu niên, bóng bàn, cầu lông... được nhiều người dân tham gia luyện tập thường xuyên. Để thúc đẩy sự phát triển của phong trào, huyện đã tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Phòng Giáo dục – Đào tạo… Hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức hàng chục giải thi đấu phong trào, thu hút nhiều công nhân viên chức lao động và quần chúng nhân dân tham gia. Thêm vào đó, việc tổ chức và duy trì hệ thống các giải thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp huyện khá đều đặn cũng là động lực khiến người dân hăng say luyện tập.

Năm 2015 vừa qua, CLB bóng đá huyện Vĩnh Tường tổ chức giải thi đấu chào mừng kỷ niệm Ngày thể thao Việt Nam (27/3); các CLB quần vợt, cầu lông, bóng bàn, bóng đá tổ chức các giải thi đấu chào mừng 20 năm Ngày tái lập huyện (1/1/1996 - 1/1/2016), chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng... Ngoài ra, các CLB còn tổ chức giao lưu với các CLB thể thao ở các huyện, thành, thị khác trong toàn tỉnh và các tỉnh khác trong khu vực.

Hy vọng trong thời gian tới, bằng việc huy động “sức dân”, tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động TDTT, phong trào TDTT huyện Vĩnh Tường sẽ gặt hái được những kết quả cao hơn, xứng đáng là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào TDTT của tỉnh Vĩnh Phúc.

VD

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao ở Vĩnh Tường