Trong nhiều năm qua, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, đưa phong trào TDTT trở thành nhu cầu thiết yếu của cán bộ, nhân dân. Công tác xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu Thể dục Thể thao được tăng cường. Bằng việc huy động các nguồn lực xã hội, nhiều thôn, xóm, tổ dân phố trong tỉnh đã xây dựng được Nhà văn hóa có khuôn viên Thể thao diện tích hàng trăm m2 với các sân Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng đá mi ni, Bóng bàn, sân tập dưỡng sinh…
Bên cạnh đó, với sự “vào cuộc” của các doanh nghiệp, cá nhân, nhiều sân Quần vợt, bể bơi, sân Bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập Thể hình, thẩm mỹ… được xây dựng. Tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 1 sân vận động đạt tiêu chuẩn quốc gia, 11 nhà thi đấu (trong đó Nhà thi đấu Trần Quốc Toản và Cung Thể thao tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế), 2 bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc gia, 6 bể bơi phong trào, 35 sân Quần vợt, gần 300 nhà tập luyện Thể thao, trên 1.000 sân Bóng đá, 1.320 sân Bóng chuyền… Cơ sở vật chất đầy đủ đã tạo động lực cho phong trào Thể dục Thể thao phát triển. Toàn tỉnh hiện có 30% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; số gia đình Thể thao đạt 18,7% so với tổng số hộ gia đình; 1.500 Câu lạc bộ Thể thao đơn môn, đa môn.
Hoạt động TDTT ở cơ sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo thành phong trào sâu rộng. Các giải Thể thao quần chúng ở cơ sở thường gắn với các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, đất nước, lễ hội, trở thành ngày hội Văn hoá - Thể thao thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Cùng với đó, các môn Thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như Bơi chải, Kéo co, Vật cổ truyền, leo cầu ngô, bắt vịt… được nhiều địa phương khôi phục và phát triển. Phong trào Thể thao trong các trường học phát triển mạnh với 100% trường học thực hiện chương trình thể dục nội khoá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 96% số trường thực hiện Thể dục Thể thao ngoại khoá. Nhiều chương trình tập luyện mới được đưa vào giảng dạy như tổ chức phổ cập bơi phòng chống đuối nước cho học sinh; duy trì việc tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi Thể dục Thể thao, Hội khoẻ Phù Đổng cấp trường, phòng Giáo dục và Đào tạo hàng năm để tuyển chọn các vận động viên tham gia thi giải Thể thao học sinh phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh và toàn quốc. Trong hơn 5 năm qua khối học sinh trong toàn tỉnh đã tham gia và đoạt 28 huy chương (10 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng) tại các giải Thể thao do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, trong đó môn Điền kinh học sinh luôn đứng tốp đầu toàn quốc.
Phong trào Thể thao trong lực lượng vũ trang được đẩy mạnh với đa dạng các môn Thể thao. Hàng năm, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với ngành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra kết quả rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ, kết quả 100% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khoẻ. Phong trào Thể dực Thể thao trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nhiều chuyển biến mới. Hàng năm, các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng, Y tế, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn, Liên đoàn Lao động tỉnh đều tổ chức hội thao chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, ngày truyền thống của ngành tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ, viên chức...
Thể thao thành tích cao cũng duy trì nhiều thành tích trên đấu trường trong nước và khu vực. Tính đến nay đã có hàng trăm Huy chương các loại mà các vận động viên giành được tại các giải Thể thao trong nước, quốc tế và khu vực, trong đó hàng chục vận động viên đạt cấp kiện tướng quốc tế, quốc gia, cung cấp cho đội tuyển quốc gia nhiều vận động viên ở các môn.
Có thể nói, Thể thao thành tích cao của tỉnh Nam Định từ lâu đã rất tiềm năng và có vị thế và được coi là một trong những cái nôi hàng đầu của cả nước trong việc đào tạo vận động viên. Hệ thống đào tạo tài năng Thể thao được hình thành từ nhiều tuyến. Đó là các lớp năng khiếu Thể thao ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông như: Phùng Chí Kiên, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường Nghiệp vụ TDTT, Trung tâm đào tạo VĐV Bóng đá của tỉnh với hệ thống đào tạo cầu thủ từ U11 đến U21. Theo thống kê, mỗi năm tỉnh đào tạo khoảng 300 VĐV các cấp, trong đó, có 40 VĐV kiện tướng và dự bị kiện tướng, 60 VĐV cấp I. Trong 7 năm lại đây, Thể thao Nam Định đoạt trên 1.000 huy chương các loại, nhưng chủ yếu ở các giải trẻ, giải thể thao sinh viên có tính chất “cọ sát”.
Tuy nhiên, nhìn tổng quan có thấy với tiềm năng lớn nhưng Thể thao thành tích cao Nam Định vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, bởi lẽ trong “chiến lược” phát triển Thể thao thành tích cao, tỉnh Nam Định chỉ mới quan tâm và đầu tư nhiều cho môn Bóng đá, chưa thực sự quan tâm phát triển các bộ môn Thể thao Olympic như Karatedo, Taekwondo, Wushu, Pencaksilat, Judo, Cầu lông… Trong khi đó, ở lĩnh vực Thể thao quần chúng, các bộ môn này thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện với trên 1.300 câu lạc bộ Thể dục Thể thao. Ngoài ra, có rất nhiều vận động viên đỉnh cao của tỉnh đã đi đầu quân cho các đơn vị, tỉnh thành khác. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến Thể thao Nam Định “chững lại” và đang mất dần vị thế là Trung tâm đào tạo vận động viên tài năng của khu vực và cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về Thể dục Thể thao vẫn còn nhiều khó khăn. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của Thể dục Thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc bố trí kinh phí cho phát triển sự nghiệp TDTT còn hạn hẹp. Ở nhiều huyện, kinh phí dành cho các hoạt động Thể thao của một số Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao mỗi năm chỉ khoảng 100-200 triệu đồng nên chỉ tổ chức được 1-2 giải Thể thao, thành lập 2-4 đội tuyển Thể thao tham gia Giải Thể thao tỉnh. Công tác xã hội hoá Thể thao chưa được đẩy mạnh trên diện rộng. Bên cạnh đó Thể thao thành tích cao của tỉnh chỉ tập trung giành thành tích ở 2 môn “mũi nhọn” là Điền kinh và Lặn, chưa đồng đều ở các các môn khác…
Để phong trào Thể dục Thể thao của tỉnh phát triển mạnh hơn nữa, thời gian tới, các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển TDTT, xây dựng chương trình hành động gắn với thực hiện chiến lược phát triển Thể thao của tỉnh từ nay đến năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào xây dựng Nông thôn mới. Khuyến khích thành lập các Câu lạc bộ Thể thao ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ phát triển Thể dục Thể thao cho người khuyết tật, người cao tuổi, các chức sắc tôn giáo.
Cùng với đó, ngành Thể dục Thể thao tỉnh Nam Định luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên Thể thao cơ sở. Hoàn thiện hệ thống thi đấu Thể thao quần chúng ở các địa phương; đầu tư xây dựng các sân chơi, công trình Thể thao trong các khu Thể thao, các khu dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân để đầu tư xây dựng thiết chế Thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân. Trên lĩnh vực Thể thao thành tích cao, cần quan tâm phát triển các môn Thể thao mũi nhọn, có khả năng giành thành tích cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác đào tạo vận động viên, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên trọng tài... phấn đấu giành nhiều thành tích trên các đấu trường trong nước và khu vực.
N. H