You must configure this module first via "Module Settings"

Khuyến khích việc hình thành các CLB TDTT: hướng đi mới trong công tác XHH ở Đà Nẵng

Trong những năm qua, hoạt động TDTT ở thành phố Đà Nẵng có những bước phát triển mạnh mẽ cả về thành tích cao lẫn thể thao phong trào. Đà Nẵng đã trở thành trung tâm văn hóa, thể thao lớn nhất khu vực miền Trung và là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu về TDTT trên bản đồ thể thao quốc gia. Những thành công đó có được một phần là nhờ sự chung tay đóng góp của các mạnh thường quân đã luôn đồng hành, tạo điều kiện cho thể thao phát triển thông qua việc tài trợ cho các giải thi đấu thể thao, đóng góp kinh phí xây dựng các công trình thể thao…

Đà Nẵng được biết đến là thành phố Biển với nhiều tiềm năng phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu về tâp luyện TDTT cũng vì thế không ngừng phát triển mạnh mẽ nhằm nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe phục vụ lao động sản xuất. Theo đó, các hoạt động TDTT ở Đà Nẵng cũng từng bước phát triển theo hướng phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình các môn thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo ra một phong trào TDTT sôi nổi, liên tục, rộng khắp trên các địa bàn dân cư.

Hàng năm, ngoài các hoạt động như Hội khỏe Phù Đổng, Hội thao, các giải thi đấu đỉnh cao và phong trào, Hội thi thể thao… và Đại hội TDTT các cấp được tổ chức định kỳ đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu. Có được những kết quả trên trước hết là do Sở VH,TT&DL thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch ký liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh như: Liên đoàn Lao động, Sở Y tế, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Báo Đà Nẵng, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Giáo dục đào tạo Đà Nẵng… để phát triển phong trào TDTT theo từng đối tượng.

Tính bình quân hàng năm có từ 20-30 giải, hội thao được các ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức theo định kỳ, trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm, ngày thành lập ngành… tạo cho phong trào TDTT quần chúng ở Đà Nẵng có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều giải thể thao được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hoá như: Giải việt dã - chạy vũ trang Báo Đà Nẵng, giải bóng đá tranh cúp DRT, hoặc giải quần vợt cúp Sông Hàn…

Cùng với đó, công tác xã hội hóa trong các hoạt động thể thao thành tích cao bước đầu triển khai và đã thu hút thêm nguồn lực xã hội cho phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt đối với bộ môn Bóng đá, Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông, Billiards, Thể dục thể hình (TDTH). Một số liên đoàn thể thao đã tích cực hỗ trợ trong công tác đào tạo và tham gia vào công tác tổ chức hoạt động thi đấu thể thao thành tích cao do Trung ương ủy nhiệm tổ chức.

Đối với bộ môn Bóng đá, được sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Ngành đã chuyển giao toàn bộ các tuyến bóng đá cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tiếp nhận, quản lý Đội Bóng đá Đà Nẵng và toàn bộ các tuyến bóng đá trẻ từ U11 đến U21... Chủ trương xã hội hóa môn Bóng đá là phù hợp với chủ trương xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp, đây là bộ môn được đông đảo quần chúng nhân dân hâm mộ, được các phương tiện thông tin tuyên truyền quan tâm đặc biệt, do vậy thu hút được nhiều tổ chức xã hội quan tâm đầu tư và tài trợ. Tuy nhiên, một số môn thể thao thành tích cao khác như Cờ Vua, Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông,.. việc kêu gọi xã hội hóa lại gặp không ít khó khăn...

Thực tế cho thấy, nếu chỉ có ngân sách Nhà nước sẽ không thể đủ để tổ chức được các giải đấu trong khi nhu cầu của các hoạt động này ngày càng cao. Thế nên, để tổ chức một giải đấu chất lượng, các đơn vị buộc phải đi vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ và đây cũng là con đường duy nhất để ngày càng chuyên nghiệp hóa thể thao.

Bằng những cách làm sáng tạo như tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực TDTT; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh phí tổ chức giải thi đấu thể thao, xây dựng các điểm tập luyện TDTT tư nhân và đặc biệt khuyến khích và đẩy mạnh việc hình thành các loại hình CLB TDTT ở xã, phường, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là trong trường học với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người tham gia rèn luyện thân thể. Công tác xã hội hóa TDTT đã tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho người dân là hướng đi đúng đắn đầy sáng tạo của thành phố Đà Nẵng. Bởi lẽ, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, việc xã hội hóa không đơn thuần là đi xin tiền tổ chức giải đấu mà thay vào đó ngành TDTT cần  vận động doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức các giải đấu có quy mô nhỏ, các tổ chức xã hội như Liên đoàn sẽ đứng đằng sau hỗ trợ về mặt pháp lý. Điều này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và đây cũng chính là cách làm được các đơn vị như Liên đoàn Cầu lông, Cờ Vua, Bóng đá…áp dụng triển khai thực hiện thành công.

Ước tính, hàng năm, nguồn kinh phí thu được từ sự đóng góp của các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia tài trợ tổ chức các giải thể thao của thành phố, quốc gia, quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất tập luyện thi đấu khoảng 2 tỷ đồng (chưa tính đến việc xã hội hóa bộ môn bóng đá hằng năm tiết kiệm cho nguồn ngân sách Nhà nước trên 40 tỷ đồng) đã góp phần quan trọng giảm tải ngân sách nhà nước, đồng thời qua đó thúc đẩy sự nghiệp TDTT của địa phương ngày càng phát triển.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, do việc triển khai các giải pháp xã hội hóa còn thiếu đồng bộ, chưa có những báo cáo, đánh giá đầy đủ về thực trạng…, đặc biệt chưa lựa chọn được các biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa TDTT. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế xã hội luôn có những biến động, doanh nghiệp ngày càng khó khăn thì việc kêu gọi xã hội hóa cũng vì thế mà chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Để công tác xã hội hóa TDTT ở Đà Nẵng phát triển hơn nữa, ông Nguyễn Trọng Thao - Trưởng Phòng Nghiệp vụ TDTT thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần công bố rộng rãi quy hoạch, nhu cầu huy động vốn đầu tư cho các cơ sở vật chất về TDTT để có định hướng phát triển và thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần xem xét định suất cho mỗi xã, phường về cán bộ phụ trách TDTT; đồng thời, có những chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí cho các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước tài trợ cho các chương trình hoạt động TDTT...

Hy vọng rằng, bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT Đà Nẵng sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc hơn, góp phần đưa sự nghiệp TDTT của thành phố Biển ngày càng phát triển mạnh mẽ, đồng thời thực hiện thành công Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và TDTT của Chính phủ.

VD

Ảnh trong bài
  • Khuyến khích việc hình thành các CLB TDTT: hướng đi mới trong công tác XHH ở Đà Nẵng