Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, phong trào TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển sâu rộng trong từng đơn vị cơ sở trường học đến tận thôn xóm, vùng sâu, vùng xa và dần trở thành phong trào rộng lớn có sức lan tỏa, thu hút đông đảo mọi tầng lớp, đối tượng trong xã hội. Nhiều giải thể thao được hình thành mới đã quy tụ đông đảo các lực lượng tham gia, các hoạt động này vừa tạo phong trào, vừa phát hiện phát hiện thêm các nhân tài để bổ sung vào lực lượng thi đấu chuyên nghiệp.
Nếu như năm 1986, toàn tỉnh có 2,1% số người tập luyện thể thao thường xuyên thì đến nay tăng lên 29,8% so với số dân; số gia đình thể thao năm 1986 là 2,8% thì năm 2015 là 19,6%; số CLB thể thao năm 1986 là 60 CLB, năm 2015 tăng lên 575 CLB và hơn 250 điểm, nhóm, đội tham gia tập luyện thể thao.
Thể thao Thừa Thiên Huế còn có những thành quả đáng ghi nhận trong việc đăng cai tổ chức những giải đấu lớn, điển hình là Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ VI -2004.
Theo ông Nguyễn Văn Dấu, Giám đốc Trung tâm TDTT Thừa Thiên Huế: Bên cạnh tổ chức những hoạt động như: cờ tướng, biểu diễn võ cổ truyền, cầu lông, bóng đá, các lớp bơi cho lực lượng công an và chương trình phổ cập bơi cho 1.000 học sinh của 20 trường tiểu học trên địa bàn, Trung tâm TDTT thành phố còn tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở đạt 100% ở khối phường và các hoạt động tại chỗ thu hút hàng ngàn lượt người tham gia tập luyện. Điều đáng mừng, công tác xã hội hóa TDTT đạt hiệu quả thiết thực, nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động tham gia Đại hội TDTT cấp cơ sở với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Hiện Trung tâm đang tiếp tục triển khai thi công xây dựng 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo; phấn đấu hoàn thành quy hoạch ngành TDTT thành phố đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Bên cạnh sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh đạt được những kết quả đáng tự hào trên đấu trường khu vực và quốc tế; bảng thành tích của thể thao Thừa Thiên- Huế được điểm thêm nhiều huy chương quốc tế, điển hình là những tấm huy chương ở bộ môn karatedo, điền kinh, cờ vua tại giải Vô địch Châu Á, Vô địch Thế giới, từng bước khẳng định vị thế Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về phát triển thể thao thành tích cao. Từ chỗ đạt được 56 huy chương (12 HCV, 21 HCB, 23HCĐ) năm 1995; từ năm 2008-2015, số lượng huy chương tăng lên đến con số 1.603 (443 HCV), trong đó số huy chương quốc tế là 160 huy chương.
Riêng năm 2015, thể thao thành tích cao gặt hái nhiều thành công với 255 huy chương các loại, trong đó có 28 huy chương quốc tế (12 HCV, 11 HCB, 05 HCD); đặc biệt đây là năm Thừa Thiên - Huế đạt được số lượng huy chương cao nhật tại các giải thi đấu trong hệ thống Giải Vô địch quốc gia kể từ sau khi chia tỉnh Bình Trị Thiên với số lượng 25 huy chương các loại. Ngoài các môn thể thao trọng điểm như, cờ vua, karatedo, điền kinh, vật…các môn thể thao khác như, bơi lội, judo, cầu lông, võ cổ truyền…cũng đã có những tiến bộ vượt bậc, xuất hiện nhiều VĐV trẻ nổi bật. Đến nay toàn tỉnh có 27 VĐV kiện tướng, 55 VĐV cấp độ I, có 13 môn thể thao thành tích cao mũi nhọn được tập trung đào tạo.
Sau thế hệ của Nguyễn Văn Thương, Phạm Văn Rớt, Nguyễn Văn Sao, Lương Thị Bạch Yến, Hoàng Cư, Hồ Đăng Hiếu Hạnh, Nguyễn Thị Thuận Hoá, Lê Đức Anh Tuấn… thì lực lượng kế cận như: Hà Kiều Trang, Hoàng Thị Xuân Hoà, Nguyễn Thanh Sơn, Đỗ Thị Bông, Hoàng Thị Bảo Trâm, Hoàng Xuân Thanh Khiết, Trần Thị Yến Hoa, Hà Anh Thư, Nguyễn Thị Trang, Lê Trung Dũng, Phạm Đình Thuận, Phạm Văn Có, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh… là những VĐV đã tô đậm sắc màu cho bảng thành tích của thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
dấu ấn từ công tác xã hội hóa
Xã hội hóa là một chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng. Cơ chế mới đã tạo điều kiện huy động rộng rãi sự tham gia, hưởng ứng và đóng góp của mọi thành phần kinh tế để phát triển sự nghiệp TDTT của thành phố. Trong những năm qua, bên cạnh quan tâm và chăm lo xây dựng, phát triển các phong trào thể dục thể thao; các cá nhân, đơn vị có khả năng đã đóng góp công sức, kinh phí tài trợ, xây dựng cơ sở vật chất, thúc đẩy phong trào TDTT thành phố đều được thành phố ghi nhận và tạo điều kiện khuyến khích phát triển. Nhờ vậy, phong trào thể thao quần chúng được đẩy mạnh, số người tập luyện TDTT thường xuyên ngày càng cao. Các phường thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất và xây dựng các sân bãi tập luyện, mua sắm thêm các trang, thiết bị thi đấu và huy động mọi nguồn lực để duy trì các hoạt động thể thao, thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập, thi đấu và cổ vũ.
Gần đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các công trình phục vụ thể dục thể thao. Điển hình, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Trường Thành đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Thể thao Tây Lộc, Công ty Cổ phần IMG đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng sân bóng rộng 11.300m2tại khu đô thị mới An Cựu City, Liên đoàn bóng đá Na Uy đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng sân bóng phục vụ cho dự án Bóng đá cộng đồng và CLB trẻ em khuyết tật của Trung tâm Văn thể mỹ tại 11 Đống Đa... là biểu hiện sinh động và minh chứng cho tác dụng của xã hội hóa đối với thể thao.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu nhưng có thể khẳng định rằng, công tác xã hội hóa thể dục thể thao ở Huế đến thời điểm này đã có những chuyển biến tốt. Song, trước sự phát triển không ngừng của thành phố, đòi hỏi ngành TDTT phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền “xã hội hoá thể thao” đến với nhiều đối tượng, nhiều thành phần để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của TDTT. Cùng với việc tiếp tục tạo điều kiện để mỗi người dân được tham gia luyện tập thể dục thể thao và nâng cao sức khỏe, thành phố đang phấn đấu thực hiện tốt chương trình phát triển thể dục thể thao cấp phường, củng cố và phát triển hệ thống câu lạc bộ thể dục thể thao, nhất là thể dục thể thao truyền thống; đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng sân bãi tập luyện tại các địa phương nhằm thực hiện thành công hơn nữa Nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao trên địa bàn.
KC