You must configure this module first via "Module Settings"

Công tác xã hội hóa TDTT ở Quảnh Ninh: những kết quả đáng ghi nhận

Theo thống kê, tổng kinh phí xã hội hóa do nhân dân đóng góp để xây dựng các thiết chế văn hóa và điểm vui chơi trẻ em ở 2 cấp thôn/khu và xã/phường/thị trấn là 419 tỷ đồng (trong đó kinh phí do các đơn vị doanh nghiệp tài trợ là 350 tỷ đồng). Đây là con số ấn tượng trong việc đẩy mạnh xã hội hóa đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Chính phủ của tỉnh Quảng Ninh…

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao

Với mục tiêu trở thành một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh; góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng, tầm vóc và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, lối sống lành mạnh của con người vùng đất Mỏ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, trong những năm qua, Quảng Ninh đã xác định cần làm tốt công tác xã hội hóa, nhằm tăng nguồn thu, vì thực hiện cơ chế tự chủ, bảo đảm chủ động chi tiêu có hiệu quả.

Hiện nay, ở cấp tỉnh, có Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ đang được xây dựng tại phường Đại Yên (TP Hạ Long), dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm 2017, Nhà luyện tập và thi đấu, Trường thể dục thể thao, SVĐ thành phố Cẩm Phả. Quảng Ninh có 6/14 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa thể thao; 86/186 Trung tâm văn hóa thể thao xã, phường, thị trấn; Cấp thôn có 1543/1571 nhà văn hóa thôn/khu; Đối với các xã, phường, thị trấn có 33/186 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá - thể thao và 53 đơn vị có nhà văn hoá. Bên cạnh các thiết chế văn hoá, thể thao do Nhà nước đầu tư, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khu vui chơi, rạp chiếu phim, sân tennis, bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo... đã góp phần làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, nguồn kinh phí thu được từ công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT đã góp phần giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cũng như tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao ở cơ sở, góp phần tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân. Cũng nhờ sự làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh có hệ thống công trình phục vụ cho thể thao có chất lượng, hiện đại, đạt tiêu chuẩn và đủ khẳ năng đăng cai nhiều giải thể thao quốc gia cũng như quốc tế. 

Để có được kết quả trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 3611/UBND-GD “Về việc xây dựng chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cácc ông trình văn hóa, thể thao và xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được triển khai đồng bộ như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt: Hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hỗ trợ lãi suất vay thương mại:..

Với những chính sách phù hợp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, các nhân đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh các thiết chế văn hóa, thể thao có quy mô lớn, góp phần giúp Quảng Ninh hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cơ sở. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự nghiệp thể thao của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Bước tạo đà cho TDTT phát triển 

Với hệ thống thiết chế thể thao khá hoàn chỉnh đã tạo điều kiện để phong trào TDTT Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ. Đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên của Quảng Ninh đạt 30% dân số; gia đình thể thao đạt 24%. Các CLB TDTT phát triển với nhiều quy mô khác nhau, trung bình mỗi năm có 20 giải thể thao cấp tỉnh, 400-500 giải thể thao cấp huyện, ngành được tổ chức. Bên cạnh đó, thể thao thành tích cao của Quảng Ninh cũng có những bước tiến vượt bậc. Từ năm 2010 đến nay, các VĐV của Quảng Ninh tham gia đội tuyển Quốc gia đã tranh tài tại 6 giải thể thao quốc tế và đoạt 20 huy chương (10 vàng, 6 bạc, 4 đồng). Đặc biệt VĐV cờ vua Nguyễn Lê Cẩm Hiền đoạt HCV thế giới U8; 2 VĐV pencaksilat là Nguyễn Thái Linh và Nguyễn Viết Duy đạt 2 HCV Châu Á và 1 HCV thế giới. Các đội Bóng đá, Bóng chuyền đều giành vị trí cao tại các giải hạng nhất quốc gia, Vô địch quốc gia.

Ông Đỗ Khánh Tùng, Phó Giám đốc Sở VHTT, khẳng định: “Nghị quyết 05 đã giúp cho ngành TDTT có được sự định hướng đúng đắn trong việc triển khai sự nghiệp phát triển TDTT. Nhiều môn thể thao được huấn luyện tập trung trọng điểm hơn, đặc biệt phong trào rèn luyện thân thể đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều hoạt động thể thao như: Đại hội TDTT, Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII… đã để lại dấu ấn nổi bật”.

HP

Ảnh trong bài
  • Công tác xã hội hóa TDTT ở Quảnh Ninh: những kết quả đáng ghi nhận