You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Tiền Giang nhìn lại một chặng đường

Là một trong những địa phương có phong trào Thể dục Thể thao phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thành tích của Thể dục Thể thao Tiền Giang đã có sự phát triển đáng ghi nhận, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà.

Để có được những chuyển biến đáng biểu dương về công tác Thể dục Thể thao tại tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, có thể thấy một trong những tiền đề quan trọng cho ngành Thể dục Thể thao tỉnh phát triển là sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy và Uỷ ban Nhân dân tỉnh đối với công tác Thể dục Thể thao. Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Thể dục Thể thao.

Từ chủ trương về chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục Thể thao. Có thể nói, phong trào Thể dục Thể thao tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.

Về cơ sở vật chất ban đầu (một số sân vận động ở cấp tỉnh và huyện) được tiếp quản từ một số cơ sở thi đấu Thể thao của chế độ cũ, đến nay đã được đầu tư xây dựng bài bản từ tỉnh đến phường, xã. Ở cấp tỉnh đã xây dựng sân vận động với hệ thống đường pitch phủ nhựa tổng hợp, nhà thi đấu đa năng đạt tiêu chuẩn quốc gia, nhà tập luyện các môn thi đấu, nhà nghỉ cho vận động viên (VĐV)...

Đối với cấp huyện đều có sân vận động, các xã, phường đều có nhà văn hóa cùng các công trình phục vụ các hoạt động thể thao phong trào như Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Bóng chuyền... Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động Thể thao là nền tảng quan trọng giúp phong trào Thể dục Thể thao quần chúng từng bước phát triển. Theo báo cáo mới nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, số lượng người dân tham gia tập luyện Thể dục Thể thao thường xuyên của toàn tỉnh thời gian gian qua có khoảng 600.000 người, đạt tỷ lệ 31,81%.

Một trong những dấu ấn nổi bật của Thể dục Thể thao tỉnh Tiền Giang trong chặng đường phát triển qua là sự quan tâm, đầu tư phát triển Thể thao thành tích cao. Cụ thể, vận động viên các môn Thể thao trọng điểm của tỉnh đã đạt nhiều thành tích tại các giải thi đấu khu vực, quốc gia và quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là: Môn võ Pencak Silat với 1 huy chương Huy chương Bạc thế giới và 1 Huy chương Bạc Đông Nam Á; môn võ Vovinam với 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng thế giới, 1 Huy chương Vàng Đông Nam Á; môn Thể hình đạt 1 Huy chương Bạc châu Á; môn Bóng bàn đạt 3 Huy chương Bạc Đông Nam Á và 1 HC Đồng châu Á; môn Taekwondo đạt 1 Huy chương Vàng Đông Nam Á; môn Điền kinh đạt 2 Huy chương Bạc Sea Games.

Trong khi đó, ở các giải quốc gia, đội Bóng bàn nữ Tiền Giang đã xuất sắc tạo dấu ấn khi đạt danh hiệu vô địch đồng đội nữ giải vô địch Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân lần thứ 30 năm 2012; nhiều lần đạt huy chương Bạc của nội dung đơn nam, nữ ở các Giải vô địch Bóng bàn toàn quốc qua các năm,...

Tại các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao Đồng bằng Sông cửu Long gần đây, đoàn Thể thao Tiền Giang luôn nằm trong tốp 3 đơn vị đứng đầu về thành tích. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn Thể thao Tiền Giang đạt 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng, xếp hạng 36/65 đoàn tham gia Đại hội. Cùng với đó, ngành Thể dục Thể thao tỉnh Tiền Giang đã cung cấp cho đội tuyển quốc gia rất nhiều VĐV và huấn luyện viên các môn như: Bóng đá, Pencak Silat, Bóng bàn, Cầu lông và Điền kinh... Tính đến nay toàn tỉnh Tiền Giang có 16 VĐV đạt danh hiệu kiện tướng quốc gia.

Để tìm được hướng đi đúng đắn và phát triển hiệu quả, ngành Thể dục Thể thao tỉnh Tiền Giang đã sớm xác định những môn Thể thao thế mạnh và phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, đồng thời gắn với chiến lược Thể thao thành tích cao quốc gia như: Điền kinh, Cử tạ, Taekwondo, Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá, Pencak Silat, Thể hình, Vovinam Boxing,... Từ đó, tham mưu Uủy ban Nhân dân tỉnh có chính sách ưu tiên cụ thể thông qua việc xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện cho từng môn được thực hiện bài bản, khoa học và theo đúng lộ trình từ cấp cơ sở, Trường Năng khiếu TDTT và các đội tuyển cũng như kế hoạch tập huấn tại các trung tâm Thể thao hàng đầu trong nước. Nhờ đó, Thể thao thành tích cao của Tiền Giang trong những năm trở lại đây từng bước được cải thiện, đóng góp nhiều vận động viên cho đội tuyển quốc gia, góp phần lập thành tích, mang vinh quang về cho Tổ quốc, nâng cao vị thế tỉnh nhà.

Ngoài ra, điểm nổi bật khác của Thể thao tỉnh là công tác tổ chức thành công các giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia và hội thao khu vực. Cụ thể như việc tổ chức thành công Đại hội TDTT Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ V năm 2013, do Tiền Giang đăng cai đã tạo được tiếng vang về quy mô tổ chức và chất lượng chuyên môn, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh, thành đánh giá cao.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Thể thao tỉnh vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển và thành tích chung của ngành. Cụ thể, về cơ sở vật chất, khu liên hợp Thể thao tỉnh hiện còn thiếu một công trình hết sức quan trọng là bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc gia cho vận động viên, mặc dù trong đề án quy hoạch tổng thể của Trung tâm Thể dục Thể thao đã có, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được, vì kinh phí quá lớn; Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao tỉnh cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo chuyên môn, đào tạo vận động viên năng khiếu tỉnh.

Đối với công tác xã hội hóa vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư đúng tầm, để đưa Thể thao Tiền Giang phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Kinh phí đầu tư cho công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên ở các bộ môn còn hạn chế, nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc giành thành tích cao tại các kỳ Đại hội TDTT Đồng bằng Sông cửu Long, Đại hội TDTT toàn quốc và các giải vô địch quốc gia.

Từ thực tế cho thấy, vì kinh phí đầu tư cho các hoạt động và đầu tư cho Thể dục Thể thao không nhiều nên tỷ lệ tham gia môn thi đấu ở các giải đấu quốc gia còn thấp. Đơn cử, đội tuyển Tiền Giang chỉ tham gia được 7 môn trong 36 môn và 2 phân môn thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014; tham gia 11 môn trong 25 môn thi đấu tại Đại hội TDTT Đồng bằng Sông Cửu long năm 2015.

Cùng với đó, công tác đào tạo vận động viên Thể thao thành tích cao chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Lực lượng huấn luyện viên đã đến ngưỡng, cần được nâng chất, bổ sung chuyên gia huấn luyện. Chế độ đãi ngộ đặc biệt cho huấn luyện viên, VĐV ưu tú chưa có, dẫn đến tình trạng "chảy máu tài năng"; trang thiết bị hiện đại bổ trợ cho hoạt động tập luyện thi đấu còn thiếu,...

Với những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, để ngành Thể dục Thể thao của tỉnh Tiền Giang tiếp tục đạt được những thành tích cao trong những năm tiếp theo, Ngành Thể dục Thể thao xác định đặt ra các giải pháp cụ thể, trong đó có việc nâng cao công tác quản lý Nhà nước về TDTT; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động Thể thao trong trường học; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng, khuyến khích phong trào mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao để luyện tập nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc người dân. Tập trung thực hiện đạt kết quả Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2020; đổi mới cơ chế tổ chức và nội dung tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo hướng hiệu quả, khoa học và chuyên nghiệp...

Ngoài ra, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện những chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh như: Thể dục Thể thao tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục tập trung nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ huấn luyện viên, cán bộ quản lý để bổ sung nguồn nhân lực cho lĩnh vực TDTT tỉnh nhà; hệ thống và sắp xếp lại các giải đấu của tỉnh; sắp xếp lại các liên đoàn; tăng cường phát triển thể thao trường học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TDTT; đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT, phong trào rèn luyện thân thể trong mọi lứa tuổi, mọi đối tượng để phát triển phong trào TDTT vùng nông thôn.

N.H

Ảnh trong bài
  • TDTT Tiền Giang nhìn lại một chặng đường