Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, thể thao cũng vì thế không ngừng được nâng cao ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Ở thành phố Biển – Nha trang tỉnh Khánh Hòa cũng không nằm ngoài sự phát triển chung ấy. Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện đã trở thành thói quen hàng ngày không thể của nhiều người dân Nha Trang.
Trong 5 năm qua, nhiều hoạt động TDTT được tổ chức đa dạng, phong phú và diễn ra sôi nổi từ cấp tỉnh đến cơ sở, từ đó phong trào TDTT đã thực sự đi vào đời sống xã hội. Chính vì vậy, thành phố Nha Trang luôn là đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về thành tích hoạt động thể dục, thể thao. Chỉ tính riêng năm 2015, số người tham gia tập luyện thể dục thể thao của thành phố đạt 48,79% và số Gia đình thể thao đạt 39,40%, trong khi chỉ tiêu đặt ra chỉ là “phấn đấu đạt tỉ lệ người tập luyện thường xuyên là 41% và Gia đình thể thao đạt 34%.
Phong trào TDTT ở cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo bước phát triển mới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành. Đặc biệt phong trào TDTT trong người cao tuổi, người khuyết tật, thanh thiếu niên, học sinh, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phát triển bền vững.
Điểm nhấn trong các phong trào TDTT quần chúng phải kể đến các hoạt động thể dục thể thao trong trường học. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Nha Trang đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học thể dục chính khóa, phát triển thể dục, thể thao ngoại khóa. Bên cạnh đó là việc cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy. Đây chính là điều kiện tiên quyết giúp cho phong trào thể dục thể thao học đường của thành phố phát triển mạnh mẽ. Đến nay, 100% các trường Tiểu học và Trung học cơ sở bảo đảm chương trình giờ dạy cho giáo dục thể chất đối với khối lớp Một là 1 tiết/tuần, từ lớp Hai đến lớp Chín là 2 tiết/tuần .
Hiện nay ngành giáo dục thành phố đã thí điểm tổ chức dạy bơi cho 2 khối lớp học của khối lớp 7 Trường Trung học cơ sở Thái Nguyên và khối lớp 8 Trường Trung học cơ sở Trưng Vương tại Khu bể bơi Yết Kiêu, nguồn kinh phí này do thành phố cấp. Số lượng vận động viên là học sinh năm học 2011-2012 là 3.500 vận động viên và năm học 2014-2015 tăng lên là 5.000 vận động viên. Từ đó giúp cho học sinh nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục toàn diện.
Bên cạnh đó, có 100% các trường Tiểu học và Trung học cơ sở (65 trường) đã thực hiện chương trình ngoại khóa, phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính và sức khỏe của học sinh, bảo đảm quyền được vui chơi giải trí và sự phát triển năng khiếu của học sinh trong nhà trường. Hiện nay có 100% các trường học đều bố trí đầy đủ số giáo viên chuyên trách thể dục, thể thao có trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy của các giáo viên luôn được cải tiến phù hợp với điều kiện của từng lớp học và cấp học, hầu hết giáo viên có tâm huyết với nghề, nên hàng năm có nhiều cuộc thi đấu thể thao, Hội khỏe Phù Đổng không ngừng nâng lên đáng kể về số lượng vận động viên và chất lượng giải thi đấu.
Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong học đường, thành phố Nha Trang rất chú trọng đến việc xây dựng công trình, thiết chế TDTT ở cơ sở. Ngoài ra, hệ thống câu lạc bộ TDTT đơn môn và đa môn như: quần vợt, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể dục thể hình, dưỡng sinh cũng không ngừng được tăng lên hàng năm. Đến nay có 96 Câu lạc bộ thể dục, thể thao được thành lập tại 27/27 xã, phường được hoạt động thường xuyên và cũng là nơi diễn ra tổ chức các giải thể thao quần chúng hàng năm của từng địa phương. Bên cạnh đó, nhiều công trình thể thao được xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của Thành phố, cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là phong trào TDTT mới được phát triển mạnh ở khu vực đô thị. Các thiết chế thể thao cơ bản như sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi... ở trung tâm thành phố đến cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sân vận động của các huyện, thị xã chủ yếu vẫn nằm trên diện tích quy hoạch, chưa được đầu tư làm mới. Khu thiết chế thể thao, sân vận động, sân bóng đá cấp xã chủ yếu được tận dụng từ khoảng không gian trống để hoạt động nên hình thức rất thô sơ và không được nâng cấp thường xuyên nên không đảm bảo cho việc tổ chức thi đấu các giải thể thao.
Ở một số huyện, thị xã đã quy hoạch được quỹ đất dành riêng cho các hoạt động TDTT nhưng kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu còn thiếu và hạn chế. Thành phố đã xây dựng nhiều văn bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các tổ chức TDTT. Thế nhưng tiến độ xã hội hóa các công trình thể thao còn chậm so với tiềm năng.
Từ thực tế trên cho thấy, để phong trào TDTT phát triển rộng khắp, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân tự giác tập luyện thường xuyên phải được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
HP