You must configure this module first via "Module Settings"

Kon Tum: đẩy mạnh Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Với trên 25% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 18% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Đặc biệt, có tới 100% trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa và 100% trường có hoạt động ngoại khóa thường xuyên; 100% học sinh được kiểm tra và phân loại thể lực (trong đó: 85% học sinh đạt tiêu chuẩn thể lực; và 15% học sinh không đạt tiêu chuẩn thể lực)… là những con số ấn tượng, khẳng định sự đầu tư đúng đắn của ngành VHTTDL đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển TDTT ở tỉnh Kon Tum.

 Mục tiêu mà ngành VHTTDL tỉnh Kon Tum đặt ra trong Quy hoạch “phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020” đó là sẽ có 30% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; 23% số gia đình tập luyện TDTT/ số hộ gia đình toàn tỉnh; 100% trường THPT thực hiện chương trình giáo dục thể chất; 95% trường học có giáo viên, hướng dẫn viên TDTT; 100% học sinh từ trung học cơ sở trở lên và sinh viên được đánh giá, xếp loại thể lực hàng năm; 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực.

Để hoàn thành được mục tiêu này, ngoài những giải pháp mang tính đồng bộ cần được triển khai thực hiện trong thời gian dài như cơ chế chính sásh, nguồn nhân lực,.. Kon Tum đặc biệt quan tâm đến hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển về văn hóa, thể thao của địa phương, đặc biệt là có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Trước những yêu cầu thực tiễn đặt ra, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm củng cố và từng bước phát triển đồng bộ các công trình xây dựng phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao ở vùng nông thôn miền núi, bao gồm Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, nhà rông truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân; đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân giữa các vùng; tạo nền tảng vững chắc trong phong trào xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đổi mới cơ chế quản lý, khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn phải thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.

Cụ thể, Kon Tum đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50% số xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; 100% thôn, làng có nhà rông, Nhà văn hóa - Khu thể thao; 5% thiết chế văn hóa, thể thao chuyển đổi hình thức quản lý theo cơ chế tự chủ; 30% thiết chế vận dụng chính sách xã hội một phần hoặc toàn bộ hoạt động;…Và đến năm 2030, phấn đấu có 80% số xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn, 100% số thôn, làng có nhà rông, Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn; 100% số xã, thôn, làng có thiết chế văn hóa, thể thao tổ chức các hoạt động đạt tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL. Đây cũng chính là mục tiêu mà Bộ VHTTDL đặt ra trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn trên cả nước (mục tiêu cụ thể đến năm 2020, ở cấp thôn, các thiết chế văn hóa thể thao tổ chức hoạt động thu hút 50% tổng số dân đến sinh hoạt thường xuyên, khu vực miền núi là 30%, trong đó đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Ở cấp xã, tổ chức hoạt động thu hút 25% tổng số dân đến sinh hoạt thường xuyên khu vực miền núi là 20%. Đến năm 2030, 100% số xã, thôn làng có thiết chế văn hóa, thể thao tổ chức các hoạt động đạt tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL.

Thực tế cho thấy, không ít công trình nhà văn hóa, thể thao dù được xây dựng khang trang nhưng luôn trong tình trạng vắng vẻ. Trong khi đó, ở nhiều nơi chính người dân hào hứng vào cuộc thì hoạt động của những thiết chế này lại rất hiệu quả. Những thư viện nhỏ nằm giữa cánh đồng, những nhà văn hóa do người dân tự hiến đất, góp tiền xây dựng luôn thu hút đông đảo nhân dân đến tập luyện, vui chơi... là những minh chứng rõ nhất. Đây cũng chính là tình trạng không hiếm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bởi vậy, Kon Tum đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đó là: Củng cố cơ sở hạ tầng (rà soát, bổ sung quy hoạch, diện tích đất sử dụng cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn; về diện tích đất quy hoạch và quy mô xây dựng thực hiện theo các văn bản của Bộ VHTTDL); xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, củng cố tổ chức bộ máy (xây dựng nguồn nhân lực; tổ chức, bộ máy tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; Tổ chức bộ máy tại Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn; chế độ đãi ngộ); đặc biệt, cần đổi mới cơ chế quản lý và nội dung hoạt động.

Thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn không chỉ cần có về hình thức mà còn cần có những sáng kiến, cách làm thiết thực, hấp dẫn để các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân. Trong đó, việc đổi mới nội dung hoạt động cũng cần gắn với xây dựng các chương trình, tiết mục, hoạt động phong phú, phù hợp đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi; đặc biệt là thu hút những hạt nhân có tài năng nghệ thuật... Bên cạnh đó, tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng, phát triển các CLB về văn hóa, thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn như liên hoan, hội diễn văn nghệ, hội thi thể thao..., tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia hoạt động, sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống.

Hy vọng rằng, với những mục tiêu, nhiệm vụ cũng như những giải pháp thiết thực, phù hợp, các thiết chế văn hóa thể thao ở nông thôn sẽ hoạt động hiệu quả, đưa phong trào văn hóa, thể thao của Kon Tum ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

VD

Ảnh trong bài
  • Kon Tum: đẩy mạnh Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại