Trên thực tế, hiện nay tại nhiều khu dân cư trong tỉnh đang khó tìm sân chơi, bãi tập Thể dục thể thao (TDTT) thì ngày càng có nhiều khu liên hợp Thể thao của tư nhân được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng. Điều này phần nào giải quyết bài toán về nhu cầu sân chơi, bãi tập cho người dân. Do đó, xã hội hóa TDTT luôn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư, coi đây là động lực thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe. Tiêu biểu như khu liên hợp Thể thao Quang Minh (Quảng trường 3-2) là một trong những mô hình được đầu tư quy mô lớn và hoạt động khá hiệu quả. Đây là tổ hợp các sân Thể thao như: Quần vợt, Bơi lội, Thể hình, mỗi ngày thu hút hàng trăm người tập luyện. Trong đó phải kể đến hệ thống phòng tập thể hình và thể dục thẩm mỹ hiện đại, quy mô lớn mang tên Olympia.
Tính đến nay toàn tỉnh Bắc Giang có 265 sân Cầu lông trong nhà, 575 sân Bóng đá, 328 sân Bóng chuyền và 85 sân Quần vợt… tỷ lệ người tập luyện Thể thao thường xuyên đạt 30% so với dân số của tỉnh. Các hình thức tập luyện phổ biến là Chạy, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Cờ tướng, Võ thuật, Bóng đá, Bóng chuyền, Aerobic. Đa số các sân chơi, bãi tập đều do người dân tự đóng góp kinh phí xây dựng. Các tổ chức, cá nhân đã đầu tư gần 20 sân cỏ nhân tạo hiện đại, nhờ đó phong trào Đá bóng ngày càng khởi sắc. Các tổ hợp sân Thành Long, Windy và Minh Phương, Bảo Long Sơn... đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, thi đấu. Các CLB Bóng đá, một số cơ quan, đoàn thể thường xuyên tổ chức giải thi đấu giao hữu, tạo sân chơi và thỏa đam mê cho những người yêu thích chơi môn Thể thao này. .
Được biết, trên thực tế ở đâu làm tốt công tác xã hội hóa TDTT thì ở đó phong trào có sự phát triển tương xứng. Chính vì vậy, các địa phương trong tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện về mặt bằng, chuyên môn, thủ tục hành chính cho đầu tư lĩnh vực TDTT. Không chỉ trong xây dựng cơ sở vật chất, tại một số địa phương đã xây dựng những cơ sở đào tạo, huấn luyện tư nhân, đây là nguồn cung cấp nhiều vận động viên thành tích cao cho đội tuyển của tỉnh như Võ vật (Việt Yên, Yên Thế, Tân Yên), Điền kinh (Lạng Giang)... Đặc biệt, hàng năm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp cho các giải Thể thao lớn, tạo dấu ấn trong xã hội hóa TDTT của tỉnh. Điển hình như: Năm 2014, Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tài trợ hàng trăm triệu đồng cho các giải Cầu lông, Quần vợt và Việt dã của tỉnh; Công ty Đại Hoàng Sơn tài trợ Giải Quần vợt mở rộng 900 triệu đồng; Công ty Lam Sơn tài trợ 500 triệu đồng Giải Quần vợt tranh giải Lam Sơn; Công ty TNHH Ba Sao tài trợ 200 triệu đồng Giải cầu lông các CLB mở rộng…
Với những kết quả nổi bật trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa Thể dục Thể thao trong thời gian qua, để công tác này tiếp tục đi đúng định hướng của tỉnh cũng như gặt hái thêm nhiều thành tựu mới, trong những năm tiếp theo, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục kêu gọi các nguồn kinh phí từ xã hội hóa xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế Thể thao cơ sở, nhất là khu vực miền núi, nông thôn. Ngoài ra sẽ thu hút vốn xây dựng Khu liên hợp Thể thao tỉnh với nhà thi đấu đa năng và tổ hợp các hạng mục sân Quần vợt, Bể bơi, Bóng chuyền, Bóng đá... Qua đó, đáp ứng yêu cầu tập luyện, thi đấu của vận động viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là đáp ứng điều kiện để Bắc Giang đăng cai các giải Thể thao tầm cỡ quốc gia, khu vực. Trước mắt, mục tiêu ngắn hạn mà ngành quan tâm là huy động tài trợ phát triển lực lượng mạnh và xây dựng thương hiệu cho một số đội tuyển của tỉnh thi đấu thành tích cao. Kèm theo là những cơ chế ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
N. H