You must configure this module first via "Module Settings"

Ghi nhận những chuyển biến trong phong trào Thể dục Thể thao ở Lai Châu

Những năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của ngành Thể dục Thể thao cả nước, phong trào Thể dục Thể thao (TDTT) của tỉnh Lai Châu không ngừng lớn mạnh, phát triển đa dạng cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và vị thế của Thể thao tỉnh nhà. Đặc biệt trong 11 năm qua, từ khi chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu mới, ngành TDTT từng bước mở rộng nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng, lấy thể thao dân tộc làm nền tảng, thúc đẩy phát triển Thể thao thành tích cao, phấn đấu có huy chương tại các giải thi đấu khu vực và toàn quốc, mở rộng xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao… Nhờ vậy, ngành TDTT tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Để có được những kết quả đáng ghi nhận đó, tỉnh Lai Châu trong hơn 5 năm qua đã và đang tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 04/10/2013 của UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng phát triển TDTT cho các huyện, thành phố đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng Nhân dân phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu; không ngừng nâng cao chất lượng các lớp năng khiếu thể thao cho thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh.

Đồng thời, Tỉnh luôn chú trọng tổ chức nhiều giải thi đấu TDTT các cấp, phối hợp với các ngành triển khai đa dạng về bộ môn tập luyện và thi đấu, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Theo chia sẻ của ông Trần Văn Chí – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Sau hơn 10 năm chia tách thành lập tỉnh, sự nghiệp TDTT Lai Châu đã có bước phát triển, phong trào TDTT quần chúng, cơ sở vật chất TDTT từ tỉnh tới cơ sở ngày càng được mở rộng và tăng cường. Hiện nay toàn tỉnh có 4 sân vận động, 76 nhà tập luyện thể thao, 17 sân quần vợt, 8 sân bóng đá cỏ nhân tạo. TDTT đã từng bước nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho Nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Đẩy gậy là một trong những môn Thể thao thế mạnh của TDTT tỉnh Lai Châu (Ảnh: Thế Thiện)
Cùng với đó, với sự quan tâm sát sao của tỉnh, các cấp, các ngành, phong trào TDTT quần chúng ngày càng được phát triển rộng khắp và đi vào chiều sâu. Với phương châm hoạt động Thể thao xuyên suốt thời gian qua là Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", hàng năm có tới 300 giải thi đấu cơ sở, 100 giải thi đấu cấp huyện, ngành và từ 15- 17 giải thi đấu cấp tỉnh được tổ chức, với không khí sôi nổi, hấp dẫn liên tục. Không riêng các môn Thể thao truyền thống như: Cầu lông, Bóng đá, Bóng chuyền, Chạy Việt dã luôn thu hút lực lượng người tham gia tạp luyện động đảo. Các môn Thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, Đẩy gậy, Tù lu, Kéo co được đưa vào thi đấu liên tục trong năm, qua mỗi giải đấu thu hút ngày càng đông đảo số lượng vận động viên tham gia. Cùng với Hội thi Thể thao các dân tộc, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần, Hội khoẻ người cao tuổi mỗi năm 1 lần; dấu ấn của 03 kỳ Đại hội TDTT toàn tỉnh, 03 lần tổ chức thành công Hội khoẻ phù đổng toàn tỉnh lần thứ II, thứ III, thứ IV… là những điểm sáng nổi bật cho thấy bước phát triển của phong trào TDTT của tỉnh Lai Châu trong những năm qua.

Nổi bật về thành tích Thể thao của tỉnh Lai Châu phải kể đến vận động viên tài năng Tao Văn Sỏ ở bản Hon, xã Bản Hon (huyện Tam Đường) giành HCV môn Đẩy gậy tại Đại hội TDTT các dân tộc tỉnh, Huy chương Đồng tại Giải Đẩy gậy toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức tại Tỉnh Bắc Giang, Huy chương Đồng môn Đẩy gậy tại Đại hội TDTT các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VII được tổ chức tại tỉnh Điện Biên …

Từ thực tế trên số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao, số câu lạc bộ (CLB) TDTT ngày càng tăng nhanh. Đến nay toàn tỉnh đã có 23,22% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, 13.000 gia đình thể thao, 261 cơ sở tập luyện Câu lạc bộ TDTT cơ sở. Từ các cơ quan, các ngành, khối thi đua, trường học, lực lượng vũ trang đến các xã, bản, trong năm đều có 1- 3 giải thi đấu các môn, đã cho thấy hoạt động TDTT đã trở thành nhu cầu không thể thiếu và ngày càng làm thay đổi nhận thức các cấp chính quyền và người dân về lợi ích sức khỏe cũng như những giá trị tinh thần cao đẹp mà hoạt động TDTT mang lại.

Cùng với hoạt động TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao trong những năm qua đã có những bước tiến dài đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mặc dù là tỉnh mời được tách ra hơn 10 năm, với kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động TDTT còn hạn chế, tỉnh Lai Châu chưa có trường năng khiếu TDTT, nhưng ngành TDTT tỉnh Lai Châu luôn xác định đầu tư có trọng điểm các môn có Thể thao thế mạnh. Chính vì thế tại các giải khu vực và toàn quốc, đoàn VĐV tỉnh Lai Châu đều phấn đấu có huy chương, nếu năm 2004 Lai Châu chỉ giành được 01 Huy chương Đồng tại Hội khỏe phù đổng toàn quốc, thì đến nay tỉnh đã giành được 54 huy chương các loại ở sự kiện này. Bên cạnh đó, tính từ ngày tách tỉnh đến nay, ngành TDTT tỉnh Lai Châu đã giành được gần 300 huy chương các loại tại các giải khu vực và toàn quốc. Đây là thành quả rất đáng biểu dương về sự vươn lên phát triển mạnh mẽ của ngành Thể dục Thể thao tỉnh Lai Châu trong thời gian qua.

Về cơ sở vật chất, khi thành lập tỉnh mới chỉ có 2 nhà tập luyện TDTT của huyện Tam Đường thì đến nay toàn tỉnh đã có 77 nhà tập, 100% các huyện, thành phố đều có nhà tập, 17 sân quần vợt, 9 sân bóng đá mini thảm cỏ nhân tạo, 5 sân vận động cấp huyện, các trang thiết bị phục vụ cho tập luyện thi đấu được mua sắm đáp ứng yêu cầu của phong trào. Cùng với đó đội ngũ cán bộ TDTT từng bước được tăng cường…

Bên cạnh những thành tựu đạt được từ hoạt động TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu xác định để phong trào TDTT có điều kiện phát triển hơn nữa, ngoài việc tăng cường đầu tư mọi mặt cho các hoạt động TDTT, các cấp, ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khi nhận thức của người dân thay đổi, nắm được ý nghĩa to lớn của việc tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe thì phong trào TDTT mới có cơ hội vươn lên lớn mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm luyện tập TDTT cũng như tăng ngân sách dành cho việc tổ chức các hoạt động TDTT ở các cấp. Các địa phương, đơn vị cần quan tâm đưa chỉ tiêu về công tác văn hóa, thể thao... vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.

Được biết, hiện nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu đang thông qua Đề án “Đào tạo năng khiếu Thể dục Thể thao và vận động viên Thể thao thành tích cao tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”, đó chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào thể TDTT của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đưa TDTT tỉnh Lai Châu hoà nhập với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Như vậy, sau khoảng thời gian không quá dài kể từ khi tách tỉnh cũng như triển khai thực hiện số 08-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, tỉnh Lai Châu với đặc thù của một tỉnh miền núi biên giới có nhiều dân tộc, xa Trung ương, giao thông đi lại khó khăn thì để có được những thành tựu kể trên là nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh nắm vững và biết vận dụng đúng đắn đường lối quan điểm TDTT của Đảng, được quan sự quan tâm của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự phối kết hợp trách nhiệm của các ngành, sự nghiệp TDTT của tỉnh Lai Châu đã vượt qua mọi khó khăn, từng bước đi lên vững chắc, mặc dù vẫn còn những khó khăn song những kết quả đạt được sẽ là tiền đề thuận lợi để ngành TDTT tỉnh nhà phấn đấu xứng đáng với phương châm xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

N.H

Ảnh trong bài
  • Ghi nhận những chuyển biến trong phong trào Thể dục Thể thao ở Lai Châu