Những kết quả đạt được
Tính đến thời điểm này, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Nếu như năm 2010, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh ước đạt 23.611 nghìn người, đạt 21,7% dân số, tăng 5,2% so với năm 2005; số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao 30,5%, tăng 7,0% so với năm 2005. Số câu lạc bộ, nhóm tập thể dục thể thao 182 (tăng 75 CLB, nhóm tập TDTT so với năm 2005), thì đến nay, các chỉ số này đều tăng đáng kể. Trong đó, tỷ lệ người tập thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên đạt 22,5% dân số. 100% trường học trong toàn tỉnh đảm bảo chương trình giáo dục thể chất. 90% các ngành trong tỉnh hiện có câu lạc bộ (CLB) TDTT như cầu lông, bóng bàn, quần vợt… 99% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tham gia tập luyện TDTT và hoàn thành chương trình rèn luyện thể lực. Toàn tỉnh hiện có 350 CLB thể dục thể thao, trong đó có 165 CLB hoạt động nhiều môn. Trung tâm TDTT tỉnh đã xây dựng và duy trì được 15 CLB thể thao, mở 6 lớp TDTT nghiệp dư...
Cùng với việc phát triển sâu, rộng phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân, một trong những điểm nhấn của Thể thao Lào Cai trong 6 năm qua là việc tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT tỉnh Lào Cai lần thứ V năm 2014. Đã có 86% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã tổ chức Đại hội cấp cơ sở. Đại hội cấp tỉnh đã thu hút gần 500 VĐV (thuộc 12 đoàn), thi đấu 7 môn trong Đại hội và có 140 bộ huy chương được trao.
|
Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Lào Cai lần thứ V - 2014 (Ảnh: baolaocai) |
Phong trào TDTT phát triển đã đưa Thể thao Lào Cai trở thành một trong 4 đơn vị hàng đầu trong số 19 tỉnh miền núi phía Bắc tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014, được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Ban tổ chức Đại hội. Tại Đại hội này, đoàn Lào Cai tham gia tranh tài với 60 VĐV, HLC, cán bộ. Các VĐV thi đấu 8 môn cầu lông, điền kinh, cử tạ, boxing, pencak silat, wushu, taekwondo và võ cổ truyền. Sau 10 ngày tranh tài tại Đại hội, đoàn Lào Cai đã hoàn thành mục tiêu với thành tích 3 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ. VĐV boxing Lừu Thị Duyên vẫn là cái tên sáng giá nhất khi giành cả 3 tấm HCV cho Đoàn thể thao Lào Cai. Tấm HCB thuộc về VĐV cử tạ Hoàng Thị Duyên. Các VĐV pencak silat, cử tạ, taekwondo mang về 4 HCĐ. Với thành tích đạt được, Đoàn thể thao Lào Cai xếp thứ 40/65 đoàn tham dự giải.
Kể từ sau Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014, Thể thao Lào Cai đã có những bước phát triển mang tính đột phá, từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao Việt Nam, trở thành một trong những tỉnh đứng trong tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc về thể thao thành tích cao. Mỗi năm, Trung tâm Huấn luyện TDTT được giao tổ chức gần 20 đoàn VĐV đi tham gia các giải thi đấu,trung bình giành được trên 60 huy chương các loại. Các môn được xác định là thế mạnh, được ưu tiên tập trung đầu tư đã mang lại những kết quả khả quan như boxing, teakwondo, wushu… Phần lớn số huy chương hàng năm của thể thao Lào Cai là thuộc về các bộ môn này. Những VĐV góp phần làm rạng danh thể thao Lào Cai cũng được phát hiện từ đây như Lừu Thị Duyên – HCĐ ASIAD 17 và HCV SEA Games 26, đây còn là tấm HCV đầu tiên của boxing nữ Việt Nam tại một kỳ SEA Games, Hoàng Thị Vân – HCV giải Boxing châu Á mở rộng, Bùi Bích Ngọc – HCV giải Teakwondo trẻ thế giới, Lê Trung Kiên – HCV giải vô địch Wushu trẻ thế giới…
Công tác đào tạo VĐV trẻ được chú trọng, tuyển chọn qua hệ thống thi đấu giải thể thao cấp tỉnh, huyện, xã và 1 số ngành trong tỉnh, các lớp năng khiếu bán tập trung, năng khiếu tập trung được duy trì tổ chức và đạt hiệu quả, đóng góp lực lượng VĐV chủ yếu cho các đội tuyển trẻ, tuyển tỉnh và các đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu tại các đấu trường quốc gia, quốc tế và cấp châu lục.
và những khó khăn
Bên cạnh những dấu hiệu và tiền đề tích cực của sự phát triển nói trên, những người làm công tác Thể thao cao Lào Cai cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị đầu tư cho thể thao còn thiếu thốn và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, đội ngũ HLV còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, năng lực chuyên môn chưa đồng đều, nhiều HLV phải kiêm nhiệm thêm một số môn thể thao khác chuyên ngành đào tạo. Lực lượng VĐV còn mỏng, thế hệ kế cận ở một số môn chưa bắt kịp vì đặc thù đào tạo VĐV đỉnh cao cần phải có một quá trình lâu dài. Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cho VĐV vẫn còn thấp so với yêu cầu. Đặc biệt chính sách thu hút, đãi ngộ đối với chuyên gia, HLV, VĐV chưa có. Tỉnh chưa có bác sĩ thể thao.... Việc tìm kiếm chuyên gia, HLV giỏi ở một số môn không dễ….Thành tích trong hệ thống giải vô địch quốc gia của những môn thể thao Olympic còn hạn chế…
Ngoài ra trong công tác quản lý Nhà nước, Thể thao Lào Cai vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập như: công tác quản lý Nhà nước về TDTT đôi khi còn bị động; công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, định hướng dư luận xã hội về các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đối với phát triển sự nghiệp TDTT vẫn còn hạn chế. Trong đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT. Mặt khác, do điều kiện khó khăn của một tỉnh miền núi kinh tế phát triển chậm nên nguồn ngân sách đầu tư cho TDTT còn rất khiêm tốn, công tác xã hội hóa cũng gặp không ít khó khăn đã phần nào hạn chế đến phát triển sự nghiệp TDTT.
tới những giải pháp tháo gỡ
Trước hết, cần phải xây dựng một chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trong đó xác định lựa chọn những môn thế mạnh phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, xã hội và đặc điểm tầm vóc, thể lực người Lào Cai, có chính sách ưu tiên tập trung đào tạo những môn mũi nhọn này. Xây dựng các kế hoạch dài hạn xác định mục tiêu trọng tâm nhằm nâng cao thành tích thi đấu thể thao, tăng cường hội nhập với nền thể thao trong nước và quốc tế; thực hiện các mục tiêu cụ thể như thành tích tham gia giải đấu lớn như Đại hội TDTT toàn quốc hay các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á để từ đó có định hướng lựa chọn, đào tạo VĐV.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào đổi mới công tác tuyển chọn và huấn luyện đào tạo VĐV như ứng dụng các chỉ số khoa học trong việc tuyển chọn ban đầu đối với các VĐV năng khiếu, thực hành chế độ dinh dưỡng khoa học, xây dựng hệ thống phát hiện, tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của VĐV, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận nhằm luôn luôn đảm bảo lực lượng kế cận. Thường xuyên tạo điều kiện để các VĐV có cơ hội được thi đấu cọ xát tại các giải đấu lớn; gửi VĐV đi đào tạo tại các Trung tâm huấn luyện đào tạo lớn trong và ngoà inước.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ HLV, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức huấn luyện mới cho các HLV; kết hợp với việc đầu tư mời chuyên gia giỏi về huấn luyện. Ngành phải tiếp tục tham mưu cho Tỉnh tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ việc huấnl uyện, tập luyện và thi đấu; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung áp dụng chế độ đặc thù đối với việc tập luyện, tập huấn, thi đấu, chế độ dinh dưỡng, khen thưởng đối với các HLV, VĐV phù hợp. Hướng tới việc từng bước đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động thể thao thành tích cao, phát triển mạnh mẽ phong trào thể thao quần chúng; nâng cao tỷ lệ người dân thường xuyên rèn luyện thể thao để thu hút thêm các nguồn lực xã hội cho phát triển thể thao thành tích cao. Duy trì vị trí đứng trong tốp đầu về thể thao thành tích cao các tỉnh miền núi và từng bước tiến tới thu hẹp khoảng cách trình độ đối với các đơn vị mạnh trong toàn quốc như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TDTT; Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước về phát triển TDTT; Quy hoạch quỹ đất cho TDTT và hàng loạt giải pháp về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển TDTT. Trong đó, việc mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển số lượng CLB TDTT cấp cơ sở, phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc trong các hoạt động TDTT; phát triển phong trào văn hóa, thể thao trong công nhân viên chức, người lao động, nâng cao chất lượng hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang…tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT công cộng như các Trung tâm, khu tập luyện TDTT đa năng, các điểm tập luyện vui chơi với các trang thiết bị đơn giản tại các huyện, thành phố, phường, xã, khu dân cư… nhằm tạo mạng lưới hạ tầng TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT hàng ngày của nhân dân; xây dựng mô hình thí điểm nhà đa năng phục vụ văn hóa, thể thao công nhân ở các huyện, thành phố có khu công nghiệp.
KC