You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh – người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã có tầm nhìn và nhận thức sâu sắc, toàn diện khi đặt tầm quan trọng của TDTT ngang với các công tác khác như chính trị, văn hóa, giáo dục...

Người khai sinh ra nền TDTT cách mạng

Người cho rằng, TDTT cũng là một công tác cách mạng, bởi vậy ngay khi đất nước mới giành được độc lập, ngày 30/1/1946 người đã ký sắc lệnh số 14 thành lập Nha Thể dục Trung ương huộc Bộ Thanh niên. Tiếp đến ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Cùng ngày, Báo Cứu Quốc đăng bài “Sức khỏe và Thể dục” – bài báo kêu gọi toàn dân tập thể dục của Người. Thêm một sự kiện khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền TDTT cách mạng đó là tối 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự Lễ hội thanh niên vận động ở Hà Nội và người châm ngọn lửa thiêng phát động phong trào “Khỏe vì nước”. Phong trào này nhanh chóng lan tỏa từ thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố. Đó chính là sự khởi đầu của nền TDTT cách mạng, do dân, vì dân, tiền thân của nền TDTT Việt Nam ngày nay.

Cùng với việc khai sinh ra nền TDTT cách mạng, trên cương vị là lãnh tụ của một đất nước, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian để quan tâm đến công tác TDTT. Trong những năm đầu giải phóng miền Bắc – 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tứi tham dự nhiều sự kiện TDTT như Khánh thành sân vận động Hàng Đẫy và trận đáu bóng đá hữu nghị giữa đội tuyển Phnompenh (Campuchia) với đội tuyển Hà Nội (24/8/1958), Đại hội Bơi lội thiếu niên toàn miền Bắc, Đại hội TDTT toàn quân lần thứ Nhất, Lễ Bế mạc Đại hội TDTT thủ đô lần thứ Nhất, (1961); Thăm trường Trung cấp TDTT Trung ương (1961); Năm 1962, tiếp các đòan thể thao nước ngoài như đội bóng An giê ri, đoàn thể thao Campuchia; đoàn Thể thao Vương quốc Lào…

Tấm gương sáng về rèn luyện thân thể

Không chỉ là người khai sinh ra nền thể thao cách mạng, quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của TDTT, bản thân cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về rèn luyện TDTT. Trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ TDTT toàn miền Bắc, Bác viết “muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập TDTT”. Suốt cuộc đời của mình, Người luôn tích cực rèn luyện thân thể với nhiều cách tập luyện phù hợp với sức khỏe, điều kiện riêng. Bởi thế, Bác tập nhiều môn thể thao như Võ thuật, Điền kinh, Bóng chuyền, Bơi lội, Cờ tướng, Bóng đá, Bi a, Đi bộ…

Bác làmgười rất yêu võ thuật, hiểu và rất tinh thông về võ học. Nếu không am tường võ thuật làm sao Người  nhanh chóng phát hiện và sửa tư thế cầm kiếm cho một nữ sinh viên Trường Trung cấpn TDTT nhân dịp tới thăm trường năm 1961? Hình ảnh Bác ở trần luyện võ, hay chơi Bóng chuyền tại Chiến khu Việt Bắc không phải là hiếm khi xem các bức ảnh về Người tại các Bảo tàng. Không những thế, Bác còn là người chơi Cờ rất giỏi. Trong tập thơ mới ra tù tập leo núi Người đã viết “lạc nước, hai xe đành bỏ phí; Gặp thời một tốt cũng thành công!”. Theo lời kể những người phục vụ Bác thì Bác còn là người rất thích Bơi lội, chèo thuyền. Người tập Bơi trên suối ngay giữa mùa đông giá lạnh ở rừng Việt Bắc. Có chuyện kể rằng, trong một lần công tác từ Trung Quốc về Cao Bằng xây dựng lực lượng ở an toàn khu, gặp lũ lớn Tướng Phùng Thế Tài đề nghị được dìu Bác qua dòng nước xoáy, nhưng Bác đã kiên quyết không chịu và nói “Tôi bơi được, phải biết tự lực chứ”. Nói rồi Bác nhảy xuống nước bơi qua suối…

Thể thao Việt Nam học tập và làm theo lời Bác dạy

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ “ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ như vậy là sức khỏe”. Người cũng từng dạy cán bộ ngành TDTT “thắng không kiêu, bại không nản”… Có sức khỏe là có tất cả. Tấm gương rèn luyện thân thể của Người luôn luôn được các thế hệ người Việt Nam noi theo. Ghi nhớ lời dạy của người, Đảng, nhà nước ta luôn quan tâm đến việc trồng người, quan tâm đến phẩm chất và năng lực của người Việt Nam, coi đó là động lực của cách mạng. Mục tiêu mà Thể thao Việt Nam hướng tới chính là nền thể thao “dân cường, nước thịnh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta luôn quan tâm và đặt nền móng phát triển cho nền thể thao cách mạng. Bản thân người là tấm gương rèn luyện hàng ngày cho mọi người dân noi theo. Tấm gương đạo đức của người luôn là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, HLV, VĐV và những người làm công tác TDTT. Đặc biệt, trong bối cảnh hôi nhập quốc tế ngày nay, thể thao Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế và bất cập.

Để Thể thao Việt Nam vươn lên ngang tầm với nền thể thao các nước trong khu vực, châu lục và thế giới, Đảng, Nhà nước ta đã sớm có những chủ trương, chính sách kịp thời  như ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; ban hành Luật TD,TT;… Đó cũng chính là những cơ sở pháp lý vững chắc để nền TDTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Minh chứng cho sự phát triển ấy chính là sự gia tăng về số người tập luyện TDTT trên toàn quốc ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng. Hiện nay, số dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 28% dân số. Đặc biệt, ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ với nền thể thao thế giới, đỉnh cao của phong trào hội nhập đó phải kể tới đấu trường Olympic. Từ năm 1980, Việt Nam đã tham dự sân chơi lớn nhất hành tinh, tính đến nay, đoàn TTVN đã 10 lần tham dự Olympic . Trong đó, ngoài 2 tấm HCB (môn Taekwondo năm 2000 tại Sydney – Úc và môn Cử tạ năm 2008, tại Bắc Kinh – Trung Quốc), mới đây, TTVN đã có tấm HCV đầu tiên trong lịch sử đó là tấm HCV môn Bắn Súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.

Nền TDTT cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng là cội nguồn của các bước phát triển TDTT nước nhà trong những thập kỷ qua, hiện nay và cả mai sau.

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh