You must configure this module first via "Module Settings"

Nghệ An đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao

Trong những năm qua, Thể thao Nghệ An đã có nhiều bước tiến vững chắc khi trở thành một trong những địa phương có phong trào thể thao phát triển mạnh và được Chính phủ chọn là 1 trong 9 Trung tâm thể thao của cả nước trong mục tiêu chiến lược phát triển thể thao quốc gia.

Có được thành công đó một phần là nhờ công tác xã hội hóa thể thao được tỉnh Nghệ An chú trọng đẩy mạnh đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng tỷ đồng đã được các cá nhân, doanh nghiệp và các đơn vị đầu tư xây dựng các điểm luyện tập thể dục thể thao, phát triển các câu lạc bộ và tổ chức các giải thi đấu thể thao trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động TDTT, phong trào thể thao quần chúng của tỉnh có một số chuyển biến nhất định. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 1,1 triệu người duy trì việc tập luyện TDTT thường xuyên, đạt 32% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, 21,7% gia đình tham gia luyện tập thể thao, 890 Câu lạc bộ và điểm tập luyện TDTT cơ sở. Tại các xã, phường, thôn, bản, khối xóm phần lớn đã có nhà văn hóa kết hợp với sân thể thao cho các tầng lớp nhân dân đến tập luyện thể dục - thể thao. Ngoài ra, là các mô hình sân cỏ nhân tạo, sân quần vợt, nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn…. như tại Thị xã Cửa Lò, Thị xã Thái Hòa, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu…Đặc biệt TDTT trong trường học được quan tâm phát triển với gần 100% các trường học thực hiện đảm bảo chương trình dạy và học môn thể dục, trên 50% các trường có hoạt động ngoại khoá. Hội khoẻ Phù Đổng, Đại hội thể dục thể thao các cấp được tổ chức thường xuyên. Hệ thống các giải thể thao quần chúng, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thể thao được đổi mới và đẩy mạnh công tác xã hội hóa.

Giải Việt dã Sacombank một trong những giải đấu từ nguồn xã hội hóa (Ảnh: Báo Nghệ An)

Nhằm thu hút những cá nhân, doanh nghiệp tham gia và công tác xã hội hóa trong hoạt động TDTT,  từ nhiều năm nay, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các thành phố, phường, xã có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa thể dục thể thao như: quan tâm quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng sân thể thao, thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao. Điển hình như tại thành phố Vinh, đến nay đã có 23/25 đơn vị phường, xã được quy hoạch và đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bóng đá trung tâm. Các phường, xã trên địa bàn thành phố đã kêu gọi đầu tư cho các hoạt động thi đấu bình quân từ 40-50 triệu đồng/1 năm.

Đặc biệt là sự hình thành các cơ sở thể thao tư nhân cũng như sự ra đời của các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả như sân bóng đá cỏ nhân tạo, hồ bơi, sân quần vợt, câu lạc bộ thể hình, thể dục thẩm mỹ, câu lạc bộ xe đạp…Toàn thành phố hiện có 120 câu lạc bộ thể thao, trong đó có trên 80 câu lạc bộ thể thao sinh hoạt tự nguyện; 78 sân bóng đá cỏ nhân tạo; 5 nhà thi đấu đạt chuẩn; 81 nhà tập luyện thi đấu đơn giản; 6 bể bơi và 43 sân quần vợt. Hằng năm, thành phố phối hợp với các cơ quan, câu lạc bộ vận động xã hội hóa hàng trăm triệu đồng để tổ chức từ 7 - 8 giải thi đấu thể thao như các giải đua xe đạp, giải bi - a snoocker mở rộng, giải bóng đá cúp hoàng đế Quang Trung…Cùng với việc tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tham gia luyên tập, thi đấu thể thao, thành phố còn phát động phong trào xây dựng gia đình thể thao. Tổng số người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên hơn 106.000 người. Nhà thi đấu thành phố thu hút hơn 20.000 lượt người/năm. 

Hay như tại huyện Diễn Châu, hiện nay 7/7 xóm trong xã đều có đủ sân bóng đá, bóng chuyền với diện tích trên 2000 m2/xóm, đạt bình quân từ 3- 5 m2/người. Hai năm qua, Diễn Châu đã huy động xã hội hoá được trên 30 tỷ đồng xây dựng 6 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 9 sân Quần vợt, sân Bóng đá, Bóng chuyền. 39 xã, thị trấn với 458/458 xóm đều có nhà văn hoá, trên 1000 sân bóng đá, bóng chuyền, sân điền kinh, quần vợt, nhà luyện tập. Với sự đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đã góp phần nâng tổng số gia đình thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao toàn huyện lên 23.000 gia đình, chiếm 33% số hộ. Cùng với đó có gần 100 Câu lạc bộ thể dục thể thao hoạt động hiệu quả.

Một địa phương khác cũng thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa thể thao là huyện Quỳnh Lưu. Hàng năm, Trung tâm TDTT huyện lên kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện cùng tham gia tổ chức các giải thể thao như: Giải bóng đá TN-NĐ Cúp truyền hình Quỳnh Lưu, Giải chạy việt dã truyền thống, giải đua thuyền, đẩy gậy tại Lễ hội Đền Cờn, Giải cầu lông cán bộ công nhân viên chức dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Giải bóng chuyền nam, nữ nông dân "Bông lúa vàng", Giải bóng chuyền kỷ niệm ngày doanh nhân... Tùy theo hình thức tổ chức và cơ cấu của từng giải, Trung tâm TDTT huyện phối hợp với các ngành, các đơn vị, địa phương cùng tham gia tổ chức và huy động các "Mạnh Thường Quân" như Nhà máy xi măng Hoàng Mai, Công ty CPXD miền Trung, Công ty điện tử Thắng Liên, các công ty TNHH Chiến Kết, Hồng Đào, Trường Thịnh... tài trợ kinh phí.

Hàng năm, huyện tổ chức được 8 - 9 giải thể thao quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn VĐV không chuyên. Mỗi giải đấu cấp huyện huy động được từ 80-100 triệu đồng. Từ các giải đấu này, mỗi năm có 20-25 VĐV năng khiếu của huyện được tuyển chọn vào Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh và CLB bóng đá SLNA. Nhờ xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động thể thao nên trong nhiều năm qua, tại các kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh, Quỳnh Lưu luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh. Đến nay, toàn huyện có trên 100 nghìn người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình thể thao" chiếm gần 40%. 

Cùng với thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng có sự  phát triển nhanh về số môn, số lượng VĐV, trình độ chuyên môn, thành tích thi đấu và có nhiều đóng góp quan trọng cho thể thao nước nhà. Nhiều VĐV Nghệ An đã giành được giải cao ở đấu trường quốc tế. Năm 2015, các vận động viên của tỉnh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu các giải thể thao trong nước và quốc tế đã giành 295 huy chương các loại, trong đó có 51 HCV, 75 HCB, 169 HCĐ. Hiện Nghệ An có gần 500 VĐV thành tích cao, trong đó có 50 kiện tướng, 80 VĐV cấp 1. 

Tuy nhiên, nhìn chung, cả ở cấp huyện, thành, thị, cơ sở vật chất thể thao vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Ngoài TP. Vinh và các huyện, thị kể trên, nhiều huyện còn lại chỉ có một sân vận động như Hưng Nguyên, Đô Lương, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn… Huyện Quỳ Châu thậm chí còn chưa có cả sân vận động lẫn nhà thi đấu. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ thể thao.

KC

Ảnh trong bài
  •  Nghệ An đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao