Một trong những điểm nhấn trong công tác xã hội hóa TDTT tỉnh Quảng Trị là việc kêu gọi được nhiều cá nhân, tổ chức đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện TDTT. Nhiều sân Bóng chuyền, Cầu lông được đầu tư xây dựng tại các khu dân cư, trong khuôn viên các cơ quan, công sở, các nhà máy, xí nghiệp hay các bãi luyện tập bóng đá, bóng chuyền đã được hình thành khá phổ biến từ thành thị cho đến vùng nông thôn. Đặc biệt một số đơn vị, ban ngành, doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở vật chất như: sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo, các sân Quần vợt, Bóng chuyền, Cầu lông...các câu lạc bộ thể thao được thành lập và hoạt động hiệu quả như: CLB Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền, Thể dục Thể hình, Thể dục Thẩm mỹ... để phục vụ việc luyện tập của cán bộ công nhân viên chức và nhân dân.
Công tác vận động tài trợ cho các hoạt động TDTT đã được xã hội quan tâm, số tiền để tổ chức các giải thể thao hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng, tiêu biểu như: Đại hội TDTT các cấp, giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khoẻ cộng đồng”, giải Thể thao Người khuyết tật, giải Bóng đá PVF, giải Bóng đá mini tỉnh Quảng Trị - Larue Cúp, giải Bóng đá Đại hội TDTT tỉnh, Giải Quần vợt Quảng Trị mở rộng...đã thu hút nhiều doanh nghiệp tài trợ như Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - Chi nhánh Quảng Trị, Công ty TNHH Bia Huế, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền,...
Cùng với sự phát triển của công tác xã hội hóa TDTT, phong trào TDTT quần chúng không ngừng phát triển sâu, rộng qua từng năm. Tính đến nay, số người tập luyện thể thao thường xuyên ở tỉnh Quảng Trị đã đạt 27% dân số, số gia đình thể thao đạt 17% số hộ, số trường học thực hiện nội khoá có nề nếp đạt 100%, số người tập luyện TDTT thường xuyên trong CNVC đạt 82%; số người tập luyện TDTT theo quy định bắt buộc trong LLVT đạt 99,2%,... Các giải thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên, có quy mô, chất lượng và ngày càng mang tính xã hội hóa cao. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức từ 8 đến 10 giải thi đấu cấp tỉnh; 6 đến 8 giải phối hợp thi đấu liên ngành; 70 đến 80 giải cấp huyện, thị, thành phố và trên 501 giải cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân tham gia luyện tập và thi đấu thể thao, các địa phương còn phát động phong trào xây dựng gia đình thể thao và tiến hành bình xét qua hàng năm.
Công tác xã hội hóa tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực cũng là do nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những cách làm hay, thu hút được đông đảo các cá nhân, tổ chức quan tâm hỗ trợ cho các hoạt động TDTT. Tiêu biểu như thành phố Đông Hà (Quảng Trị), với việc đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các công trình thể thao, tạo nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực hoạt động TDTT, góp phần phát triển sự nghiệp TDTT thành phố, nâng cao sự hưởng thụ của nhân dân đối với hoạt động TDTT cũng như mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trong kinh doanh lĩnh vực TDTT.
Hiệu quả của các mô hình xã hội hóa TDTT ở TP. Đông Hà đã và đang tạo bước chuyển biến cho công tác xã hội hóa việc xây dựng, khai thác cơ sở vật chất cho TDTT thành phố và là động lực thúc đẩy hoạt động TDTT trong nhân dân phát triển. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 6 nhà thi đấu TDTT đa năng, 7 sân vận động, 9 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 32 sân bóng chuyền, 14 sân cầu lông, 5 bể bơi, 6 sân quần vợt... Theo số liệu thống kê của ngành TDTT thành phố, phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang phát triển nhanh, chất lượng hoạt động của các CLB thể thao được nâng lên rõ rệt, số môn thể thao ngày càng phong phú. Số người luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn thành phố năm sau cao hơn năm trước nhiều lần. Hiện nay, sốngười luyện tập TDTT chiếm trên 31% dân số toàn thành phố; số gia đình tập thể thao đạt 23%; thành lập được 7 CLB thể thao tại Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố và hàng trăm CLB thể thao trên địa bàn như bóng đá, cầu lông, bóng bàn... hoạt động thường xuyên, đạt hiệu quả cao, thực sự là nòng cốt cho phong trào TDTT thành phố ngày càng phát triển vững mạnh.
Điểm nổi bật trong công tác xã hội hóa TDTT ở thành phố chính là sự hưởng ứng và vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố không chỉ đầu tư cơ sở vật chất phục vụ luyện tập, thi đấu, quan tâm đến việc thành lập nên các CLB thể thao mà đã chủ động trong khâu phối hợp tổ chức các giải đấu có quy mô, chất lượng, quy tụ nhiều CLB, cơ quan, đơn vị tham gia, với nhiều VĐV tài năng. Tiêu biểu như Giải Bóng đá Báo Quảng Trị tranh Cúp “Xi măng Trường Sơn”, Giải Cầu lông CNCV, LĐ thành phố Đông Hà... Những bộ môn thể thao như bóng đá, cầu lông… phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều người tham gia tập luyện, trong đó, có nhiều VĐV năng khiếu được phát hiện, đào tạo để trở thành VĐV tiêu biểu của tỉnh tham gia các giải đấu quốc gia, quốc tế như VĐV Trần Văn Trì, Trần Thị Linh Giang ở môn cầu lông, cầu thủ Nguyễn Văn Học (SHB- Đà Nẵng) ở môn bóng đá... Đây là kết quả từ việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa TDTT. Điểm nổi bật khác trong công tác xã hội hóa TDTT chính là sự hưởng ứng mạnh mẽ từ chính những người tham gia luyện tập thể thao, các CLB thể thao khi cùng nhau liên kết, phối hợp tổ chức các giải bóng đá mang tính phong trào như: Giải bóng đá Lão tướng TP. Đông Hà, Giải bóng đá Ngũ hùng tranh Cúp Hải Thịnh… nhằm tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe, được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trên tinh thần thi đấu thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần đưa môn bóng đá thành phố phát triển mạnh.
Huyện Đakrông cũng là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xã hội hóa TDTT ở tỉnh Quảng Trị. Hoạt động thường xuyên, đạt hiệu quả cao từ các đơn vị, các xã, thị trấn và các tầng lớp nhân dân trên lĩnh vực TDTT đã thúc đẩy phong trào TDTT huyện có bước phát triển. Cơ sở vật chất phục vụ cho luyện tập và thi đấu TDTT ngày càng được chú trọng đầu tư. Hiện nay, toàn huyện có 1 sân vận động huyện, 2 nhà tập luyện và thi đấu TDTT của Trường PTDT nội trú huyện Đakrông và Trường THCS Ba Lòng; 100% các xã, thị trấn có sân bóng chuyền, 7 sân bóng đá, hơn 10 sân cầu lông… Phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang phát triển nhanh. Theo thống kê, hiện nay số người luyện tập TDTT thường xuyên chiếm trên 27% dân số toàn huyện; trên 85% cán bộ, CNVC, LĐ luyện tập TDTT thường xuyên; 100% trường học hoàn thành chương trình giáo dục thể chất, chương trình nội khóa, ngoại khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT. Công tác TDTT trong lực lượng vũ trang được quan tâm. Các đơn vị lực lượng vũ trang duy trì tốt chế độ huấn luyện, phát động phong trào rèn luyện chiến sĩ khỏe trong các đơn vị và tổ chức nhiều giải thể thao ngành.
KC