You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Thừa Thiên Huế với cuộc vận đông Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại do Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, trong những năm gần đây phong trào TDTT của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đi vào chiều sâu và hiệu quả từ cuộc vận động mang lại là không nhỏ đối với sự nghiệp dân cường, quốc thịnh như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

Dự án Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam được thực hiện tại Thừa Thiên Huế là sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi (Ảnh: H.Tình)
Hoạt động TDTT có nhiều chuyển biến

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, ngành TDTT Thừa Thiên Huế đã tổ chức tốt các giải thể thao nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước. Theo thống kê, hằng năm có trên 570 giải thể thao cấp huyện, thị, thành phố và cơ sở, 26 giải cấp tỉnh, Trung ương. Các giải thể thao ở cơ sở được tổ chức trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các ngày lễ lớn trong năm đã diễn ra sôi nổi và thu hút nhiều người tham gia, tiêu biểu là Lễ hội Vật Làng Sình, Lễ hội Vật Thủ Lễ; các trò chơi dân gian như thi đấu như Cờ người, biểu diễn Võ cổ truyền, đua Ghe, đua Trãi, bóng đáNgành VHTT&DL đã duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015; trong chương trình ngày hội đã tổ chức được nhiều môn thể thao dân tộ như bắn nỏ, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co… thu hút đông đảo vận động viên là đồng bào dân tộc tham gia.

Một trong những hoạt động nổi bật trong phong trào TDTT quần chúng ở Thừa Thiên Huế đó là việc triển khai “Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam”. Dự án được triển khai và thực hiện từ năm 2001 đến nay đã mang lại sân chơi bổ ích, thiết thực cho các em lứa tuổi học đường. Đây cũng chính là mô hình hiệu quả góp phần thúc đẩy bóng đá phong trào ngày càng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và phong trào Bóng đá Việt Nam nói chung.

Công tác giáo dục thể chất trong trường học cũng đã có bước chuyển biến rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 700 giáo viên thể dục thể thao; 100% trường THCS và THPT có giáo viên chuyên trách dạy môn thể dục; học sinh THCS và THPT cơ bản được tập luyện theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, 100% trường học đảm bảo chương trình nội khóa về thể dục thể thao cho học sinh, 45% trường có chương trình ngoại khóa. Hệ thống tổ chức thi đấu Hội khỏe Phù Đổng và các môn thể thao đã được duy trì thường xuyên từ cơ sở đến toàn tỉnh.

Phong trào rèn luyện thân thể trong lực lượng vũ trang đã trở thành nề nếp và có bước phát triển mạnh, đồng bộ. Phong trào chiến sỹ Công an khỏe và đơn vị Công an khỏe của Công an tỉnh được tổ chức thường kỳ và được xác định là một trong những tiêu chí thi đua đánh giá cán bộ chiến sỹ (năm 2015 có 96,2% đạt chiến sỹ khỏe). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, BCH Biên phòng hằng năm duy trì tổ chức Hội thao toàn quân, tổ chức các giải thể thao như Quần vợt, Cầu lông, Bóng đá, Bơi lội, Bắn súng, Chạy vũ trang... Các giải thể thao truyền thống của lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng luôn được tổ chức thường xuyên vào dịp thành lập Ngành hoặc các ngày lễ lớn của dân tộc ..

Nhờ đó, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh không ngừng tăng qua các năm. Năm 2015, con số này là 360.194 người đạt tỷ lệ là 29.3% tăng 0.7% so với năm 2014; Số hộ gia đình luyện tập thể thao đạt 51.772, đạt tỷ lệ 19,2% hộ gia đình, tăng 0.7%; phong trào tập luyện TDTT trong thanh niên, sinh viên, học sinh, CNVC-LĐ phát triển khá mạnh, nhất là ở thành phố Huế, các thị xã và đã trở thành nòng cốt trong phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn. Số câu lạc bộ TDTT và cơ sở tập luyện đã và đang phát triển theo hướng kết hợp giữa thể thao hiện đại với thể thao dân tộc; nhiều CLB, điểm tập thể thao được hình thành. Đến nay đã có trên 575 CLB thể thao, thu hút đông đảo các đối tượng quần chúng tham gia, rèn luyện.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao cũng từng bước khẳng định vị thế của mình, đã có hơn 350 lượt VĐV các đội tuyển thể thao của tỉnh đã được đi tập huấn và tham gia thi đấu các giải khu vực và quốc gia, quốc tế. Ngành đã cử 34 lượt đội tuyển (Cờ vua, Taekwondo, Karatedo, Bóng đá, Bơi lội, Cầu lông, Judo, Vật, Võ cổ truyền, Bắn cung, Đá cầu...) tham gia tập huấn và thi đấu các giải trẻ khu vực, quốc tế, giải vô địch đạt được kết quả vượt trội với 254 huy chương (66 HCV, 77 HCB, 111 HCĐ); trong đó quốc tế là 27 huy chương (11 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ). Hàng năm, tỉnh duy trì đào tạo 430 VĐV của 12 môn: Bóng đá, Cờ vua, cờ tướng, Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Judo, Bơi lặn, Vật, Cầu lông, Bắn cung và Đá cầu. Trong đó, riêng môn Bóng đá đã được chú trọng đầu tư và đào tạo có hệ thống thành 5 tuyến: U11, U13, U15, U17;...

Nhiều giải pháp được thực hiện

Để cuộc vận động có sức lan tỏa, ngành TDTT tỉnh tập trung xây dựng các mô hình điểm về TDTT đến từng xã, phường, thị trấn; Kịp thời tuyên truyền có hiệu quả những cá nhân, tổ chức điển hình về TDTT, nhằm đông viên khích lệ nhân dân tích cực tham gia các hoạt động TDTT.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, ngoài nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, ngành TDTT tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay vì sự phát triển của phong trào TDTT. Đã có nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng các công trình TDTT, đóng góp kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao…. Tổng kinh phí tài trợ cho các hoạt động TDTT trong 5 năm từ 2010-2015 ước đạt gần 20 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động TDTT.

Hệ thống cơ sở vật chất từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Nếu như năm 2000 cả tỉnh chỉ có 01 Sân vận động, 01 Bể bơi, 01 Nhà thi đấu của Đại học Huế và 01 nhà tập được cải tạo lại thì đến nay, Thừa Thiên Huế đã trở thành tỉnh có hệ thống sân bãi phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu TDTT khá hoàn chỉnh với 01 Sân vận động đạt tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức thi đấu các môn Bóng đá, Điền kinh; Nhà thi đấu được xây dựng hiện đại phục vụ tổ chức thi đấu quốc tế, các Nhà thi đấu của 07 Trường THPT, Cao đẳng và Đại học đã được đưa vào sử dụng phục vụ tốt cho công tác giáo dục thể chất trong nhà trường đạt chất lượng tốt hơn. Ước tính trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 300 sân Cầu lông ngoài trời, hơn 100 sân Cầu lông trong nhà, 23 sân Quần vợt, 174 nhà tập thể thao (146 nhà tập, điểm tập do các cá nhân đầu tư xây dựng, 28 nhà tập của các cơ quan ban ngành), hơn 150 sân Bóng chuyền được đầu tư xây dựng từ các cơ quan ban, ngành, các doanh nghiệp và các cá nhân. Bên cạnh đó, tại nhiều cơ quan, xí nghiệp cũng đầu tư kinh phí xây dựng nhiều nhà tập, sân tập Cầu lông, Tennis như: Cục thuế, Sở Xây dựng, Sở Giao thông, Bưu điện, Công an...

VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Thừa Thiên Huế với cuộc vận đông Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại