Một trong những điểm nổi bật trong công tác TDTT của tỉnh đó là phong trào TDTT trong trường học đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện toàn tỉnh đã có 100% trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trung học phổ thông, trung học cơ sở và 98% trường tiểu học bảo đảm công tác giáo dục thể chất theo quy định. Toàn tỉnh có 947 giáo viên thể dục thể thao. Trong đó, trình độ cao đẳng - đại học thể dục thể thao đạt tỷ lệ hơn 95%. Đội ngũ giáo viên thể dục thể thao được hưởng đầy đủ các chế độ do Nhà nước quy định như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp giảng dạy ngoài trời, trang phục giảng dạy…. Trình độ chuyên môn của giáo viên không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đưa Võ Cổ truyền Bình Định vào năm học 2015 – 2016 theo Công văn số 2861/UBND-VX ngày 24/6/2015 của UBND tỉnh Bình Định đã góp phần quan trọng trong việc đưa phong trào TDTT trong học đường đạt hiệu quả cao.
Chỉ tính riêng năm 2015, ngành VHTTDL tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức trên 35 giải thể thao, hội thao thu hút hơn 9.000 VĐV tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho hàng ngàn cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, lực lượng vũ trang, tăng cường công tác giáo dục thể chất trong trường học. Một số giải thể thao, hội thao với quy mô lớn thu hút VĐV và nhân dân tham gia cổ vũ như: Hội thao kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên; Giải bóng chuyền, bóng đá, điền kinh, cầu lông học sinh tỉnh Bình Định năm 2015 (từ khu vực đến vòng chung kết), có trên 1.000 VĐV của 11 phòng GĐ&ĐT và 50 trường THPT tham dự; Hội thao Ban quản lý khu kinh tế; Hội thao Đoàn khối các cơ quan tỉnh; Hội thao Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; Hội thao Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Hội thao Đoàn Khối các cơ quan tỉnh và một số hội thao, giải thể thao tổ chức thi đấu nhằm chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng cũng như Thể thao thành tích cao của Bình Định cũng từng bước được cải thiện. Một số môn thể thao mũi nhọn của tỉnh tiếp tục được phát huy như: võ thuật, điền kinh, cờ, bóng đá, bóng bàn… Năm 2015, các đội tuyển thể thao của tỉnh đã giành 106 HCV, 82 HCB và 85 HCĐ tại các giải quốc gia và quốc tế. Trong đó, võ cổ truyền Bình Định luôn giành vị trí là 1 trong 3 tỉnh, thành dẫn đầu trong cả nước. Bình Định đã tổ chức thành công 5 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, mỗi kỳ thu hút trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng ngàn võ sư, võ sinh về tham dự, đã góp phần tăng cường mối quan hệ, giới thiệu sự đa dạng và phong phú của Võ Bình Định với các tỉnh thành trong cả nước, cũng như tạo ấn tượng đối với các Đoàn võ thuật quốc tế đến từ 5 châu lục, phục vụ tốt cho phát triển du lịch của tỉnh.
Góp phần đưa sự nghiệp TDTT Bình Định ngày càng có nhiều khởi sắc phải kể đến những đơn vị luôn tiên phong trong trong trào TDTT như huyện Hoài Nhơn, Tp Quy Nhơn, Tuy Phước, An Lão,Tây Sơn…
Hiện tại, theo đánh giá của các nhà quản lý, công tác TDTT của Bình Định tuy đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là do thiếu kinh phí tổ chức các hoạt động phong trào, điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện thể dục thể thao. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là do cơ chế chính sách dành cho cán bộ, người phụ phụ trách công tác TDTT ở các xã, phường, thị trấn còn chưa được quan tâm. Nhiều địa phương chưa tổ chức được các hình thức tập luyện TDTT phong phú nhằm tạo ra phong trào tập luyện và thi đấu TDTT quần chúng sôi nổi, rộng khắp ở các cấp, các ngành, đoàn thể. Công tác vận động xã hội hóa các hoạt động TDTT, tăng cường thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia tổ chức các hoạt động và xây dựng các công trình thể dục TDTT ở cơ sở ở một số huyện trong tỉnh chưa được chú trọng đúng mức…
Do vậy, để khắc phục những hạn chế trên trong năm 2016 và các năm tiếp theo, Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tác dụng và tầm quan trọng của TDTT trong các cấp ủy, đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội để từng cá nhân, cán bộ, đảng viên nắm rõ, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về TDTT, trên cơ sở đó đề ra chủ trương phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT ở từng địa phương, cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đặc biệt chăm lo công tác tổ chức, bố trí cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức để lãnh đạo, quản lý công tác TDTT, chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, kế hoạch phát triển TDTT đã được xây dựng.
VD