Vì vậy, Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 được các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện.
Trong thời gian thực hiện các Nghị quyết nêu trên, phong trào TDTT của tỉnh Quảng Nam đã có những khởi sắc đáng ghi nhận cả về chất và lượng. Tính đến nay đã có trên 27% dân số thường xuyên tập luyện TDTT. 100% trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa và 75% số trường tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa. Phong trào TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức - lao động, trong lực lượng vũ trang luôn được quan tâm chỉ đạo, được duy trì, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ xây dựng đất nước và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Điểm nổi bật, kể từ khi Nghị quyết được áp dụng và triển khai tại tỉnh Quảng Nam là tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp lần thứ VII, có 100% xã , phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố tổ chức Đại hội TDTT đạt tỉ lệ 100%. Qua tổ chức Đại hội TDTT đã tạo nên hiệu ứng tích cực, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia tập luyện và thi đấu.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức thành công các giải Thể thao quốc gia và khu vực đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời nâng cao trình độ năng lực tổ chức, điều hành các hoạt động TDTT có quy mô lớn trong đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
Công tác xã hội hóa TDTT từng bước đầu đã khai thác được tiềm năng của các nguồn lực xã hội để góp phần đầu tư, xây dựng mới các cơ sở vật chất kỹ thuật cho TDTT. Các tổ chức cá nhân ngày càng tích cực tham gia tài trợ, hỗ trợ tổ chức các giải thi đấu thể thao, nhiều CLB thể thao như: Dưỡng sinh, Võ thuật, Thể hình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ Bóng đá sân cỏ nhân tạo, các CLB Cầu Lông, Quần vợt, Bơi, hoạt động thể thao giải trí... được thành lập, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu TDTT. Đến nay, toàn tỉnh có 294 CLB TDTT, cấp tỉnh có 10 Liên đoàn, Hội, Hiệp hôi TDTT.
Bên cạnh, thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng tỉnh Quảng Nam tập trung chú trọng nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng Thể thao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo tài năng trẻ thể thao được hiệu quả, UBND tỉnh đã sớm ban hành Quyết định 2685/QĐ-UBND về việc ban hành một số chính sách đối với VĐV, HLV Thể thao thành tích cao, đã tạo ra những điều kiện thuận lợi trong việc tuyển chọn, đào tạo tài năng Thể thao tỉnh nhà.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn thể thao tỉnh Quảng Nam đã thi đấu nỗ lực mang về 6 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ xếp vị trí thứ 27/65 tỉnh, thành, ngành tham dự. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tập trung huấn luyện, đào tạo đội ngũ VĐV thể thao thành tích cao ở các bộ môn có thế mạnh gồm: Taekwondo, Karatedo, Pencak Silat, Wushu, Võ cổ truyền, Vovinam, Điền kinh, Bóng chuyền, Bắn súng. Đoàn Bóng đá Quảng Nam được củng cố tổ chức bộ máy và chuyển sang hoạt động theo mô hình CLB thể thao chuyên nghiệp và đang tập trung đào tạo các tuyến Bóng đá trẻ U13, U17, U19 và đội tuyển Bóng đá tỉnh Quảng Nam đang thi đấu tại giải vô địch Bóng đá quốc gia.
Ngoài ra, ngành TDTT tỉnh còn mở rộng mối quan hệ với các địa phương, Trung tâm TDTT quốc gia, trường Đại học TDTT, đặc biệt là Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, Trung tâm Huấn luyện đào tạo VĐV thành phố Đà Nẵng. Hàng năm, tỉnh duy trì và tổ chức từ 1 - 2 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ TDTT cơ sở. Tính từ năm 2013 đến nay, đã bồi dưỡng nghiệp vụ cho 190 cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên và trọng tài cơ sở , trong đó có 80 cán bộ của 50 xã xây dựng nông thôn mới, cử 30 lượt cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ TDTT, HLV, trọng tài do Tổng cục TDTT và các Liên đoàn, hiệp hội Thể thao tổ chức.
Cùng với đó, Quảng Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao phục vụ thể thao thành tích cao. Ứng dụng các chỉ số khoa học trong việc tuyển chọn ban đầu đối với các VĐV năng khiếu, ứng dụng CNTT trong xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý hồ sơ VĐV trong suốt quá trình đào tạo.
Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, ngành TDTT tỉnh Quảng Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định như: điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở 9 huyện miền núi nhất là vùng núi cao, địa hình hiểm trở, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người với 60% hộ nghèo. Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực TDTT còn nhiều hạn chế, bất cập do mức độ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng, miền chưa đồng đều, nhiều thôn, xã còn thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao.
Cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở kể cả tuyến huyện còn thiếu về số lượng, chưa chuẩn hóa về chuyên môn. Vì vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT trên địa bàn thôn, xã chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vượt qua những khó khăn trước mắt, cộng với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo các cấp và đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực TDTT nhằm thay đổi diện mạo của thể thao Quảng Nam trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam xác định rõ những hướng đi, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, mục tiêu phấn đấu cụ thể: đối với thể thao quần chúng, nâng tổng số người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên lên 32%, tỷ lệ gia đình tập luyện TDTT đạt 25%. Số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội, ngoại khóa đạt 100%, số trường học có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất hoạt động TDTT đạt 60%. Số cán bộ chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt 85%. Ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, tỉnh tập trung nâng cao, bồi dưỡng VĐV thể thao và có cơ chế, chính sách khen thưởng hợp lý, phấn đấu nằm trong top 30 tỉnh, thành, ngành tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018.
N. H