You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Kon Tum ngày càng phát triển ổn định và đi vào chiều sâu

Trong những năm qua tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ ra đời đã tạo nên một bước ngoặt lớn - một cái nhìn sâu sắc, tổng quát cho sự phát triển TDTT Việt Nam nói chung và của tỉnh Kon Tum nói riêng.

 Ngay từ những ngày đầu khi đưa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn (cuối năm 2011) và sau đó không lâu là Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Kon Tum luôn xác định nhiệm vụ phát triển Văn hóa, Thể thao gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đã trở thành nội dung quan trọng trong nhận thức và hành động của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Kon Tum về công tác TDTT. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội đối với việc phát triển phong trào TDTT, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả, tạo tiền đề để phong trào TDTT tiếp tục phát triển hiệu quả.

Theo đó, cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu tập luyện của đông đảo quần chúng nhân dân trong Tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức có nhiều tâm huyết với hoạt động TDTT và sự tham gia tích cực của huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để hoạt động TDTT phát triển đúng hướng và đi vào chiều sâu, Tỉnh Kon Tum chú trọng xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực TDTT, tập trung rà soát, ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung tạo hành lang pháp lý tốt đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TDTT. Điển hình như với chính sách ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển TDTT, đặc biệt là ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhằm bảo tồn và phát triển các môn Thể thao dân tộc như Bắn nỏ, Bắn ná, Cà kheo, Đẩy gậy... hàng năm tỉnh đã tổ chức các giải Thể thao truyền thống như: Đua thuyền độc mộc, Bóng đá Thanh niên dân tộc thiểu số..., đồng thời cử đoàn VĐV của tỉnh tham gia Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc.

Cùng với đó, Tỉnh cũng từng bước sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác TDTT có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội về công tác TDTT, cộng tác viên, hướng dẫn viên làm công TDTT có đủ năng lực làm tốt công tác TDTT tại cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 04 Liên đoàn, 01 Hiệp hội và hơn 200 CLB TDTT, trung bình mỗi năm các Liên đoàn, Hiệp hội huy động các nguồn lực xã hội tổ chức từ 2 - 4 giải Thể thao, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh. Hàng năm ngoài việc hỗ trợ công tác chuyên môn về TDTT, Tỉnh còn hỗ trợ về kinh phí cho các Liên đoàn, Hiệp hội: 20 triệu đồng/năm/1 Hiệp hội, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức xã hội về TDTT hoạt động có hiệu quả.

Chính vì vậy, các tổ chức xã hội về TDTT phát triển đa dạng về hình thức tổ chức, phong phú về nội dung, các loại hình CLB TDTT theo sở thích được thành lập rộng khắp tại các thôn, làng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang... hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đóng góp kinh phí, góp phần tạo nên phong trào TDTT rộng khắp. Các giải thi đấu Thể thao từ Tỉnh đến các cơ sở, ngành, huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã nhận được sự quan tâm, cổ vũ, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của Nhân dân.

Hiện nay các xã, phường, thị trấn và các thôn làng phần lớn đều có khu Thể thao, mặc dù không được đầu tư xây dựng cơ bản và đạt chuẩn nhưng cũng phần nào đáp ứng được việc tập luyện và thi đấu giao hữu Thể thao của quần chúng các địa phương, đơn vị như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn... Đặc biệt, phong trào TDTT quần chúng, Thể thao trường học ngày càng phát triển. Tính đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên là 121.665 người chiếm tỉ lệ 25% tăng 4,5% so với năm 2012. Cho đến thời điểm này tổng số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình Thể thao là 23.007 hộ chiếm tỉ lệ 20% tăng 2,4% so với năm 2012 (thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW), có 80% thanh niên trong tỉnh đạt tiêu chuẩn thanh niên khỏe. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" ngày càng chất lượng, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia tập luyện TDTT. 

Trong thời gian, triển khai và thực hiện Nghị quyết, Tỉnh Kon Tum đã tổ chức được 30 giải Thể thao cấp tỉnh (kể cả các giải phối hợp tổ chức). Các đơn vị, địa phương đã tổ chức 1.464 giải Thể thao, bình quân mỗi năm tổ chức khoảng 488 giải Thể thao cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, huyện). Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ. Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Tỉnh tham gia huấn luyện về thể lực, tập luyện TDTT thường xuyên đạt 99%. Hàng năm Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức và tham gia 5 - 7 giải Thể thao, Hội thao của tỉnh; tổ chức tốt Hội thao TDTT Quốc phòng với gần 4000 lượt VĐV tham gia. Chương trình huấn luyện Bơi cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Tỉnh luôn được chú trọng, cho đến nay có hơn 80% cán bộ, chiến sỹ biết Bơi với cự ly 50m trở lên.

Lực lượng công an tỉnh luôn làm tốt công tác TDTT từ khi triến khai Nghị quyết. Có 97,8% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn "chiến sĩ khỏe" với khẩu hiệu "khỏe để bảo vệ tổ quốc". Ngoài ra, ngành Công an không ngừng phát triển mạnh mẽ lực lượng VĐV, chủ động tổ chức các giải thi đấu trong ngành như: Bóng đá, Bóng chuyên, Cầu lông, Quần vợt, Chạy vũ trang... 

Đầu tư các nguồn lực phát triển TDTT, trong đó cơ sở vật chất luôn được củng cố và tăng cường; hiện tỉnh đã quy hoạch 23,4ha đất xây dựng 01 sân tập luyện sân Bóng đá 11 người và 1 sân vận động tỉnh Kon Tum đạt chuẩn quốc gia và đi vào hoạt động 2013. Nhà tập luyện và thi đấu TDTT của Tỉnh được đầu tư xây dựng từ năm 2000 được cải tạo, sửa chữa một số cơ sở hạ tầng phát triển các hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT ở cơ sở, cấp tỉnh và quốc gia. Trên địa bàn toàn tỉnh đối với hoạt động TDTT quần chúng có 580 sân Bóng chuyền, 255 sân Cầu lông, 37 sân Quần vợt, 9 sân Bóng rổ, 90 bàn Bóng bàn, 9 phòng tập Thể hình ...  

Song song nhiệm vụ thúc đẩy, phát triển phong trào TDTT quần chúng làm nền tảng để phát triển Thể thao thành tích cao, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng nâng cao hiệu quả phát hiện, đào tạo năng khiếu Thể thao cũng như xây dựng, đào tạo và phát triển lực lượng VĐV Thể thao thành tích cao, các môn Thể thao trọng điểm. Hiện nay Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT duy trì đào tạo 04 lớp năng khiếu Thể thao với hơn 100 VĐV, trong đó có 20 VĐV của 4 môn Thể thao được hưởng chế độ tập luyện gồm: Vovinam, Taewondo, Điền kinh, Karatedo.

Mặc dù, hiện nay tỉnh Kon Tum chưa có đủ điều kiện để đào tạo VĐV thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp. Nhưng các cấp Chính quyền trong Tỉnh rất nỗ lực trong công tác quản lý, chỉ đạo, quan tâm đến việc xây dựng lực lượng VĐV có nhiều thành tích trong thi đấu, tuyển chọn đào tạo VĐV thành tích cao để tham gia các giải Thể thao khu vực và toàn quốc.

Dù vậy, Thể thao thành tích cao của Kon Tum trong những năm qua bước có những kết quả đáng ghi nhận như: Năm 2013 đội Bóng đá hạng 3 của Tỉnh được thăng hạng Nhì toàn quốc, duy trì được hơn 20 VĐV thi đấu tập trung từ 3 - 4 tháng. Đội bóng chuyền A1 duy trì 12 VĐV thi đấu tập trung từ 1 - 2 tháng, đội Bóng đá thanh niên dân tộc thiểu số với 14 VĐV được duy trì tập luyện từ cuối năm 2011.

Ngoài ra, Tỉnh Kon Tum đã đăng cai tổ chức vòng chung kết giải Bóng đá lứa tuổi 19 quốc gia Cúp Tôn Hoa Sen năm 2013. Tổ chức đăng cai thành công các trận đấu tại vòng đấu bảng giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2014.    

Trung bình hàng năm tỉnh tổ chức từ 5 - 7 giải Thể thao thành tích cao cấp tỉnh, chưa kể các giải phối hợp với các Sở, ban ngành, thu hút từ 600 - 800 VĐV tham gia. Qua đó tuyển chọn các VĐV có thành tích xuất sắc tập huấn bồi dưỡng trở thành VĐV của Tỉnh tham gia thi đấu các giải toàn quốc. Đặc biệt, bước đầu ngành TDTT tỉnh Kon Tum đã xây dựng và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ TDTT trong công tác tuyển chọn, đào tạo huấn luyện VĐV một số môn nhằm nâng cao thành tích thi đấu.

Khép lại hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động TDTT, tỉnh Kon Tum đã có nhiều đổi mới, nổi bật là các hoạt động TDTT quần chúng đã phát triển ngày càng sâu rộng, Thể thao thành tích cao cũng có những chuyển biến rõ nét. Song, do đặc thù của tỉnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí chưa đồng đều, công tác tuyên truyền phổ biến thực hiện Nghị quyết chưa được sâu rộng và thường xuyên, việc vận động người dân tham gia phong trào TDTT chưa mạnh mẽ...

Để tiếp nối những kết quả đã ghi nhận và từng bước tạo mọi điều kiện cho hoạt động TDTT tiếp tục phát triển đi lên, ngành TDTT tỉnh Kon Tom đưa ra mục tiêu phấn đấu cụ thể cho giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020. Đối với Thể thao quần chúng, phấn đấu đến năm 2020 có 30% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 23% số gia đình tập luyện TDTT/tổng số hộ gia đình, 95% trường học có giáo viên, hướng dẫn viên TDTT, 100% trường phổ thông thực hiện chương trình giao dục thể chất; 100% học sinh từ trung học trở lên được đánh giá và xếp loại thể lực hàng năm. 100% các cơ sở giáo dục từ phổ thông trở lên có bãi tập luyện TDTT, trên 95% thanh niên trong tỉnh đạt tiêu chuẩn thanh niên khỏe, 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo từng quân, binh chủng.

Đối với Thể thao thành tích cao, phấn đấu đến năm 2020 cso từ 25 - 30 VĐV đạt huy chương các giải trẻ, vô địch toàn quốc/năm. 10 - 15 huy chương các loại tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Tuyển chọn, duy trì, đào tạo hàng năm 200 - 250 VĐV năng khiếu của tỉnh. Phấn đấu có 2 - 3 HLV, trợ lý HLV/1 môn Thể thao, tiếp cận trình độ của khu vực và của cả nước; phấn đấu xếp vị trí thứ 3 khu vực Tây Nguyên và vị trí 55 - 57 tại kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII.

Cùng với đó, tập trung xây dựng đội Bóng đá nam trở thành đội bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Xây dựng các đội tuyển Bóng chuyền, võ thuật, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua, Cờ tướng, Điền kinh trở thành đội mạnh quốc gia. Xây dựng hoàn chỉnh khu Trung tâm TDTT mới của Tỉnh bao gồm sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi, san Quần vợt... và các công trình phụ trợ khác.

N.H

Ảnh trong bài
  • TDTT Kon Tum ngày càng phát triển ổn định và đi vào chiều sâu