Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 phong trào TDTT trên đại bàn toàn tỉnh đã và đang ngày càng phát triển theo hướng ổn định và đi vào chiều sâu chất lượng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thành tựu nổi bật nhất, có lẽ chính là việc từ các chủ trương của Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các tổ chức, nhà quản lý từ tỉnh đến cơ sở về vai trò và trách nhiệm đối với sự nghiệp TDTT. Điều đó được thể hiện trong việc các ngành, các cấp đã quan tâm và tăng cường chỉ đạo phát triển TDTT ở địa phương, ngành mình, đưa các chỉ tiêu phát triển TDTT vào Nghị quyết và chương trình thi đua hàng năm, vì mục tiêu tăng cường sức khỏe làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày thêm phong phú. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên, phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT quần chúng, nhất là các môn Thể thao quần chúng, môn Thể thao dân tộc. Nhiều tổ chức đoàn thể xem TDTT là một phương tiện tập hợp lực lượng tích cực để tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ chính trị một cách sinh động và hiệu quả. Nhân dân nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của TDTT đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống, nên rất đồng tình với chủ trương phát triển mạnh mẽ TDTT của Đảng và Nhà nước ta. Ngày nay tập luyện TDTT thường xuyên đã trở thành ý thức tự giác của phần lớn người dân.
Chính vì vậy, phong trào TDTT quần chúng được mở rộng và nâng cao về chất lượng, công tác tổ chức các giải, hội thao từ các cơ sở đến cấp tỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, số giải, hội thao, số lượt VĐV tham dự năm sau cao hơn năm trước. Trung bình, hàng năm toàn tỉnh đã tổ chức được 254 giải đấu thu hút trên 40 ngàn lượt vận động viên tham gia thi đấu, với gần 200 ngàn lượt người xem và cổ vũ. Tính đến nay, tỷ lệ số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25% kết quả này đã đạt 100% so với chỉ tiêu của kế hoạch đề ra.
Cụ thể, đối với phong trào tập luyện TDTT trong lực lượng vũ trang ngày càng phát triển và đi vào nề nếp. Hàng năm, công an tỉnh Cà Mau tổ chức khoảng 4 giải Thể thao với sự tham gia của 71 lượt đơn vị, 1.886 lượt VĐV tham gia thi đấu. Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng của tỉnh duy trì chế độ thể dục buổi sáng, giờ binh thao buổi chiều, ôn luyện 3 bài võ thể dục, tổ chức thi đấu giao lưu Bóng đá, Bóng chuyền, tham gia các giải thể thao do các cấp, các ngành cấp tỉnh tổ chức. Hiện nay, có 100% số cán bộ, chiến sĩ đều được kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, việc thực hiện phong trào "chiến sỹ khỏe" trong toàn lực lượng được duy trì. Ngoài việc thường xuyên tổ chức Hội thao các cấp cơ sở, cấp tỉnh trong ngành, các đơn vị còn tham dự Hội thao Quân khu, Hội thao toàn quân.
Cùng với đó công tác giáo dục thể chất trong các trường học cũng từng bước được nâng cao. Số trường đảm bảo chương trình giáo dục thể chất đạt tỷ lệ 100%, số trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa thường xuyên đạt tỷ lệ 85%. Hàng năm, thông qua việc tổ chức Hội thảo, Hội khỏe Phù Đổng các cấp, xây dựng lực lượng VĐV, đội thể thao tham dự Hội khỏe Phù Đổng khu vực, toàn quốc và tuyển chọn bổ sung VĐV vào các đội tuyển tỉnh. Việc giáo dục thể chất trong nhà trường được thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ giáo viên thể dục có trình độ cao đẳng và đại học đảm nhận công tác giảng dạy thể dục chính khóa, tổ chức tập luyện ngoại khóa ở những trường có đủ điều kiện. Hàng năm tổ chức chương trình phổ cập bơi, phòng chống đuối nước trẻ em của tỉnh với trên 1000 trẻ em tham gia.
Các hoạt động TDTT dành cho người dân tộc ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia với các môn thể thao như Đẩy gậy, Kéo co, Đua xuồng, các trò chơi dân gian... với gần 2.500 lượt vận động viên thi đấu/năm. Phong trào tập luyện TDTT của người cao tuổi được duy trì và ngày càng phát triển. Hiện nay, các huyện đều có CLB Dưỡng sinh, CLB Xe đạp người cao tuổi, CLB Bóng đá lão tướng, với gần 1000 hội viên. Đặc biệt, trong năm 2014 tỉnh tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp, 100% xã, phường, thị trấn, huyện, Tp. Cà Mau với sự tham gia của gần 30.000 VĐV. Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IV đã thu hút 1.662 VĐV của 40 đoàn tham gia thi đấu 16 môn Ttể thao, tranh 160 bộ huy chương.
Đối với Thể thao thành tích cao, mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng với sự quan tâm cảu cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều công trình phục vụ cho việc tập luyện nâng cao thành tích được đầu tư, công tác đào tạo VĐV năng khiếu và tham gia thi đấu các môn ở các giải đấu quốc tế, quốc gia được chú trọng và đạt dược những kết quả nhất định. Tổng số huy chương đạt được trong 3 năm triển khai và thực hiện nghị quyết số16/NQ-CP của Chính phủ là 491 huy chương, trong đó có 9 huy chương quốc tế (3 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ). Nổi bật là tấm HCV quốc tế môn Taekwondo ở giải cá nhân của các VĐV Ngô Quốc Trường (nội dung quyền cá nhân nam), Phạm Lê Phương Khanh (nội dung quyền cá nhân nữ). Ngoài ra, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công các giải thể thao như: các lượt trận đấu trong khuôn khổ giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia, các giải xe đạp đồng bằng sông cửu long...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo VĐV năng khiếu Thể thao của 8 môn Thể thao được quan tâm đầu tư như: Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Taekwondo, Vovinam, Boxing, Muya, Quần vợt với gần 100 VĐV năng khiếu tập trung tập luyện thường xuyên. Để chuẩn bị cho Đại hội TDTT các cấp tỉnh, Cà Mau đã tổ chức tập huấn hướng dẫn viên, trọng tài thể thao và bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ TDTT cho 114 học viên, cán bộ thể thao cấp huyện và cấp xã. Các trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, Trung tâm TDTT thành phố duy trì tổ chức hoạt động cho các đối tượng trên địa bàn tham gia tập luyện thường xuyên như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cờ tướng, các lớp võ thuật... thu hút đông đảo lực lượng tham gia, đây cũng là nguồn để tuyển chọn VĐV năng khiếu Thể thao.
Với sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong thời gian qua nhiều công trình Thể thao đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Khu liên hợp TDTT tỉnh với các công trình như: sân vận động, nhà tập luyện đa năng, bể bơi, sân Bóng chuyền, sân Quần vợt... phục vụ hiệu quả công tác đào tạo lực lượng VĐV và nhu cầu tập luyện thi đấu Thể thao của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay có một số hạng mục công trình đã xuống cấp đang chuẩn bị tu bổ, nâng cấp. Ở cấp huyện các hạng mục công trình phục vụ cho các hoạt động TDTT phát huy tốt hiệu quả, phục vụ phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh nhà. Tuy nhiên, số lượng sân bãi hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện và thi đấu của nhân dân.
Trong những năm qua, việc kêu gọi và vận động sự đóng góp của nhân dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cùng các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về vật chất, kinh phí cho hoạt động phong trào TDTT luôn được quan tâm. Hàng năm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tài trợ trên 600 triệu đồng để tổ chức các hoạt động TDTT. Các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho tập luyện và kinh phí tổ chức giải thi đấu Thể thao như: Xây dựng sân Bóng đá cỏ nhân tạo, bể bơi, Nhà tập Cầu lông, sân Bóng chuyền, CLB Cử tạ thể hình... hiện toàn tỉnh có gần 200 cơ sở và doanh nghiệp trong toàn tỉnh mạnh dạn đầu tư vốn tổ chức kinh doanh dịch vụ hoạt động TDTT.
Để công tác TDTT tỉnh Cà Mau tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới, lãnh đạo UBND, Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau xác định tập trung thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển TDTT của tỉnh đến năm 2020. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới nhiệm vụ thành lập Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể thao thực hiện chức năng đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao và thi đấu thể thao thành tích cao, kiện toàn Trung tâm TDTT thực hiện chức năng phát triển TDTT quần chúng trong toàn tỉnh. Duy trì và củng cố hệ thống tổ chức thi đấu các giải Thể thao, hội thi thể thao cho mọi người từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động mọi đối tượng quần chúng nhân dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên nhằm nâng cao sức khỏe. Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa hoạt động TDTT. Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hội đã có, phát triển các liên đoàn, hội thể thao và từng bước chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn, hội thể thao.
N. H