You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Dương từ những kết quả đạt được tạo bước phát triển mạnh mẽ TDTT đến năm 2020

Sau gần 20 năm tái lập tỉnh (năm 1997, tỉnh Sông Bé tách ra thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước), Thể thao Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc. Mặc dù là tỉnh được tái lập sau nhưng Bình Dương lại có nhiều tiềm năng cũng như các điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào Thể dục Thể thao (TDTT), nhất là phong trào TDTT quần chúng, thành tích cao phát triển mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 đã đưa Thể thao Bình Dương vươn lên tầm cao mới.

Tự hào về những chỉ tiêu đạt được...

Để có được sự chuyển biến mạnh mẽ đó điểm đáng ghi nhận chính là sự quan tâm cao nhất của các cấp Ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có những chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp TDTT; các ngành, các cấp đã quan tâm và tăng cường chỉ đạo phát triển TDTT ở địa phương, đưa các chỉ tiêu phát triển TDTT vào nghị quyết, vào chương trình thi đua hàng năm vì mục tiêu tăng cường sức khỏe làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú. Điều này khẳng định rõ nét nhất là sự lớn mạnh của thể thao phong trào. Tính đến tháng 3/2016, toàn tỉnh đã có 28,2% dân số tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 20,31% so với năm 1997); số gia đình thể thao đạt 24,3% (tăng 16,63% so với năm 1997); tỷ lệ trường học bảo đảm giáo dục thể chất trong những năm qua luôn đạt 100%. Hàng năm, các địa phương trên toàn tỉnh tổ chức gần 600 cuộc thi đấu Thể thao, toàn tỉnh có 840 CLB Thể thao cơ sở các môn, phục vụ nhu cầu tập luyện cho các tầng lớp nhân dân. Phong trào tập luyện TDTT ngày càng được khơi dậy trong đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, lực lượng vũ trang, với nhiều hoạt động Thể thao thu hút đông đảo hội viên, đoàn kết, thanh niên tham gia.   

Phong trào TDTT quần chúng phát triển đã tạo nền tảng vững chắc cho Thể thao thành tích cao hướng tới những thành công trên đấu trường quốc gia, quốc tế. Những năm qua, Ngành Thể thao Bình Dương đã duy trì được một hệ thống đào tạo VĐV các tuyến bài bản. Hiện nay, Thể thao thành tích cao tỉnh Bình Dương đang tập trung đào tạo 17 môn Thể thao (chưa tính các môn theo mô hình xã hội hóa), với 727 VĐV (228 VĐV tuyến tuyển, 165 VĐV tuyến trẻ và 334 VĐV tuyến năng khiếu), 133 huấn luyện viên các tuyến; 245 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia (76 VĐV cấp kiện tướng và 169 VĐV cấp I). Hàng năm đóng góp nhiều lượt VĐV cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia.

Mỗi năm, Bình Dương tham gia khoảng hơn 100 giải thể thao khu vực, toàn quốc, quốc tế, chỉ tính riêng trong năm 2015, thể thao Bình Dương đạt 714 huy chương các loại (232 HCV, 209 HCB, 273 HCĐ), đặc biệt là thành tích đạt huy chương ngày càng cao tại các giải thể thao cấp thế giới, châu Á và khu vực.

Chia sẻ về điều này ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, trong thời gian tới, công tác đào tạo, huấn luyện Thể thao thành tích cao của Bình Dương sẽ tiếp tục đổi mới, thu hút nhiều huấn luyện viên giỏi, VĐV tài năng, nâng cao chất lượng đào tạo VĐV tuyến trẻ, năng khiếu. Đồng thời, tập trung đầu tư cho các môn, những VĐV tài năng để nâng cao thành tích tại các giải vô địch quốc gia, quốc tế, qua đó phấn đấu đạt thứ hạng cao tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa Thể dục Thể thao trên địa bàn tỉnh đã thu hút được những kết quả tích cực, có sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xã hội hóa, huy động được các nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của nhân dân. Hệ thống các cơ sở ngoài công lập bước đầu phát triển đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội; xuất hiện nhiều hình thức xã hội hóa với các phương thức hoạt động khác nhau ở cả khu vực công lập và ngoài công lập. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Thể thao; Liên đoàn Vovinam; Hội Golf... góp phần đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT trong thời gian qua.

Cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện và thi đấu từ cấp tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Công trình Thể thao cơ bản của tỉnh đã có những đầu tư đáng kể. Cơ sở vật chất cấp huyện, thị xã, thành phố và xã phường, thị trấn trong tỉnh đều được đầu tư xây dựng tương đối với các công trình như sân Bóng đá, nhà thi đấu, hồ bơi, công trình Thể thao từng môn. Tính đến nay toàn tỉnh có 32/91 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt tỷ lệ 37,86%.

... Tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020

Với mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa ngày càng lớn các hoạt động TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu giải trí và tạo thói quen tập luyện Thể thao thường xuyên của nhân dân. Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và Thể thao trường học, đảm bảo yều cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng phát triển Thể thao thành tích cao, xây dựng lối sống lành mạnh trong thanh thiếu niên. Tích cực phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang phục vụ bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, tập trung đầu tư các môn Thể thao có thế mạnh của tỉnh, đảm bảo thành tích đề ra theo Đề án Thể thao thành tích cao giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Xác định được mục tiêu quan trọng đó, Thể thao Bình Dương từ nay đến năm 2020 tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng và Chính quyền đối với công tác TDTT. Đặc biệt đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần các quan điểm của Đảng về TDTT. Đổi mới chính sách đầu tư trong lĩnh vực TDTT, phát triển TDTT trường học, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phát triển phong trào TDTT ở những vùng có khó khăn và các đối tượng chính sách để đảm bảo công bằng xã hội trong thụ hưởng các dịch vụ về TDTT.

Đầu tư tập trung hoàn thành các công trình Thể thao cơ bản của tỉnh và các Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thị xã, thành phố nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển sự nghiệp TDTT hiện nay. Từng bước hiện đại hóa hệ thống đào tạo tài năng Thể thao. Lựa chọn, phân nhóm các môn Thể thao trọng điểm để có kế hoạch đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quá trình đào tạo VĐV. Đổi mới công tác tuyển chọn, huấn luyện Thể thao theo hướng khoa học hiện đại. Cải tiến các chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV, trọng tài. Coi nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ là khâu ưu tiên nhằm tạo ra những bước đột phá để nâng cao thành tích Thể thao. Khuyến khích mở các cơ sở đào tạo tài năng Thể thao ngoài công lập và các mô hình liên daonh, liên kết đào tạo VĐV, các hình thức tài trợ, bảo trợ đối với các đội tuyển Thể thao; tập trung đầu tư sâu hơn cho công tác đào tạo tài năng Thể thao.

Đặc biệt, đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước về TDTT, chuyển một phần công việc của Nhà nước cho nhân dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện. Đầu tư của Nhà nước tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình lớn, hoạch định chính sách, quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sự nghiệp TDTT...

N. H

Ảnh trong bài
  • Bình Dương từ những kết quả đạt được tạo bước phát triển mạnh mẽ TDTT đến năm 2020